Xã hội

Covid-19 ngày 3/12: Cả nước ghi nhận 13.670 ca nhiễm mới, Hà Nội có 791 ca

Dịch Covid-19 ngày 3/12: Cả nước ghi nhận 13.670 ca mới; 200 ca tử vong tại TP.HCM và 21 tỉnh, thành phố.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tính từ 16h ngày 02/12 đến 16h ngày 03/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.670 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 13.661 ca ghi nhận trong nước (giảm 16 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 8.628 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận: TP.HCM (1.311), Cần Thơ (982), Hà Nội (791), Sóc Trăng (791), Tây Ninh (779), Đồng Tháp (608), Bình Thuận (581), Bến Tre (571), Vĩnh Long (564), Bà Rịa - Vũng Tàu (560), Đồng Nai (496), Cà Mau (489), Bình Phước (477), Khánh Hòa (450), Kiên Giang (350), Bạc Liêu (334), Bình Dương (302), An Giang (285), Trà Vinh (226), Bình Định (204), Hải Phòng (198), Hậu Giang (192), Đắk Lắk (171), Đắk Nông (138), Nghệ An (133), Thừa Thiên Huế (128), Bắc Ninh (127), Hà Giang (120), Đà Nẵng (119), Tiền Giang (117), Long An (112), Thái Nguyên (98), Lâm Đồng (98), Ninh Thuận (82), Thanh Hóa (73), Quảng Nam (67), Gia Lai (48), Phú Thọ (45), Hà Tĩnh (45), Vĩnh Phúc (40), Quảng Ngãi (39), Nam Định (38), Phú Yên (37), Hải Dương (34), Tuyên Quang (30), Thái Bình (26), Hưng Yên (26), Bắc Giang (26), Hòa Bình (23), Yên Bái (19), Quảng Bình (16), Kon Tum (16), Lào Cai (7), Quảng Ninh (7), Cao Bằng (5), Bắc Kạn (4), Hà Nam (3), Điện Biên (2), Sơn La (1).

Ngày 3/12, sau khi rà soát và bổ sung đầy đủ thông tin, Sở Y tế Thừa Thiên Huế đăng ký bổ sung thông tin cho 822 ca nhiễm đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó tại Thừa Thiên Huế trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-427), Bạc Liêu (-158), Bình Dương (-112).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+292), Hải Phòng (+161), Đắk Lắk (+113).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.280.780 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.993 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.275.518 ca, trong đó có 1.003.642 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (475.182), Bình Dương (283.589), Đồng Nai (88.726), Long An (38.516), Tây Ninh (30.904).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.149 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.006.459 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.449 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 4.219 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.366 ca; thở máy không xâm lấn: 189 ca; thở máy xâm lấn: 661 ca; ECMO: 14 ca.

200 ca tử vong tại TP.HCM và 21 tỉnh, thành phố

Từ 17h30 ngày 02/12 đến 17h30 ngày 03/12 ghi nhận 200 ca tử vong. Tại TP. Hồ Chí Minh (68) trong đó có 7 ca từ các tỉnh: Long An (1), Vĩnh Long (1), Bình Dương (1), Đắc Nông (1), Tây Ninh (2), Tiền Giang (1); Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (22), An Giang (16), Bình Dương (14), Cần Thơ (13), Tây Ninh (10), Tiền Giang (9), Kiên Giang, Vĩnh Long (7), Long An (7), Bình Thuận (5), Đồng Tháp (4), Bạc Liêu (3), Sóc Trăng (3), Bình Phước (2), Hà Nội (2), Cà Mau (2), Ninh Thuận (1), Hà Giang (1), Hoà Bình (1), Lâm Đồng (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 188 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.858 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 222.341 xét nghiệm cho 444.580 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 26.736.470 mẫu cho 69.433.777 lượt người.

Trong ngày 2/12 có 710.914 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 125.857.027 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 72.632.858 liều, tiêm mũi 2 là 53.224.169 liều.

Hà Nội tăng số phường vùng cam nguy cơ cao

Tối 3/12, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 824/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất được cập nhật tới 9h ngày 3/12. Thủ đô có điều chỉnh cấp độ dịch thuộc cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường so với báo cáo đánh giá 7 ngày trước.

Cụ thể, hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong phòng, chống dịch COVID-19 như cách đây 1 tuần.

7 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp tương ứng với màu xanh) - giảm 12 quận, huyện so với công bố vào ngày 26/11; 23 quận, huyện ở cấp độ 2 - tăng 12 quận, huyện. 7 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất và Ứng Hoà.

img

Hà Nội vẫn đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19

Về cấp xã, phường, có 523 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 12 xã, phường); 53 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 11 xã, phường); 3 phường ở cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam) (tăng 1 phường), gồm: phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng); phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) và phường Trung Phụng (quận Đống Đa) - đây là những phường ghi nhận nhiều ca cộng đồng trong 14 ngày qua. Không có xã/phường nào cấp độ 4.

Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.650 ca cộng đồng, tương ứng với tỷ lệ 28 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần.

Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 trên địa bàn thành phố là 94,2% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều là 82,33% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 11.665 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.833 ca.

Trong 6 ngày gần đây, Hà Nội liên tục lập đỉnh mới ca mắc ghi nhận trong 24h. Cao điểm ngày 3/12, Hà Nội ghi nhận 542 ca mới, cao hơn kỷ lục hôm qua 33 ca.

Từ 2 bệnh nhân sốt nhẹ và ho, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát hiện 25 ca mắc COVID-19

Cuối giờ chiều 3/12, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa và các phòng chức năng của Cục có cuộc làm việc trực tuyến với Bệnh viện Phụ sản Trung ương liên quan công tác xử lý ổ dịch vừa phát hiện tại đây.

Theo báo cáo của viện, 8h ngày 1/12, qua sàng lọc đo thân nhiệt hàng ngày, cán bộ y tế phát hiện 2 bệnh nhân tại phòng 502, khoa Sản bệnh lý, toà nhà BC bị sốt và ho. Kết quả test nhanh của hai bệnh nhân này dương tính. Bệnh viện tiếp tục lấy mẫu test nhanh cho các trường hợp còn lại ở buồng bệnh này phát hiện 15 ca dương tính.

Trong ngày 1/12, có 22 ca dương tính trong tổng số 681 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Đến ngày 3/12, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện là 2.081 (gồm nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân), phát hiện 25 ca dương tính (trong đó có 1 nữ bác sĩ nội trú) ở tầng 4 và 5 (đều thuộc khoa Sản bệnh lý).

Tất cả các F0 đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 tại Hoàng Mai của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Toà nhà BC gồm 11 tầng đã được phong toả, đặc biệt là tầng 4-5, khử khuẩn toàn bộ. Kết quả truy vết có 260 người liên quan, trong đó có 87 trường hợp F1 (gồm 39 nhân viên y tế đang ở viện và 10 nhân viên đang ở nhà).

TP.HCM bỏ quy định hàng quán đóng cửa trước 22h

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký công văn khẩn về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo đề xuất của Sở Công thương, UBND TP.HCM chỉ đạo tiếp tục thí điểm cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động đến hết ngày 31/12 và tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch theo công văn 3818.

UBND TP.HCM cũng giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có phục vụ đồ uống có cồn; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất UBND TP.

Theo báo cáo về thí điểm tổ chức hoạt động kinh doanh ăn uống được Sở Công Thương trình UBND TP.HCM ngày 1/12, đơn vị này đề xuất tiếp tục thí điểm dịch vụ trên. Hoạt động ở từng cấp độ dịch như sau: Tại địa bàn cấp 1, 2, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động bình thường mới; Địa bàn cấp 3, cơ sở được phụ vụ tại chỗ không quá 50% công suất cùng thời điểm; không bán, sử dụng đồ uống có cồn; Địa bàn cấp 4 chỉ bán mang đi.

Qua giai đoạn thí điểm, Sở Công Thương cho biết trong 15.764 cơ sở kinh doanh ăn uống tại TP, có 9.796 đơn vị hoạt động lại (62%) và 3.732 cơ sở phục vụ đồ uống có cồn (38%).

Dựa trên kết quả kiểm tra 5.881 cơ sở, đơn vị này nhận định việc thí điểm giúp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng thu ngân sách; tạo công ăn việc làm; giảm áp lực tâm lý cho người dân.

Tuy nhiên, hạn chế là nhiều cơ sở chưa đảm bảo khoảng cách 2 m, chưa đăng ký mã QR theo yêu cầu của TP hoặc chưa quét mã QR của khách hàng; chưa xây dựng phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống cùng thời điểm…

Sở Công Thương nhận định dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi xuất hiện biến chủng mới. Tuy nhiên, ngưng hoạt động dịch vụ này sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dẫn đến nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp, giảm thu nhập, ảnh hưởng an sinh xã hội. Do đó, Sở Công Thương kiến nghị TP tiếp tục thí điểm dịch vụ này đến hết năm 2021.

Đáng chú ý, trong đề xuất này, Sở Công Thương không còn yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kết thúc hoạt động trước 22h hàng ngày. Như vậy, từ nay đến 31/12, TP.HCM chính thức bỏ quy định này.

Hà Nội bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được đi học

Ngày 3/12, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp cho học sinh THPT, trong đó bỏ nội dung 14 ngày địa bàn không có F0 mới được mở cửa.

Văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và các trường THPT cũng như Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thông báo, học sinh lớp 10,11, 12 sẽ ở trên địa bàn phường, xã, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 được trở lại trường học tập.

img

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được mở cổng trường.

Như vậy, so với tờ trình 4905 của Sở GD&ĐT Hà Nội gửi UBND TP và được phê duyệt trước đó 1 ngày, Hà Nội đã bỏ quy định: “Xã, phường, thị trấn tại 30 quận, huyện, thị xã trải qua 14 ngày tính đến thời điểm 30/11 không có F0 trong cộng đồng cho phép học sinh đi học”.

Ngoài ra, Hà Nội yêu cầu những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học trở lại của địa phương nơi học sinh cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và trực tuyến. Cụ thể, những địa bàn có nguy cơ cao, mức độ dịch ở cấp độ 3, 4 trường bố trí học trực tuyến.

Trong quá trình dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Theo hiệu trưởng các trường THPT việc bỏ quy định 14 ngày không có F0 trong cộng đồng sẽ hợp lý hơn nếu không với tình hình dịch như hiện nay các trường sẽ khó có thể mở cửa. Trước đó, hiệu trưởng các trường như: THPT Kim Liên, THPT Chương Mỹ A, THPT Khương Đình…đều cho biết, nếu áp điều kiện 14 ngày không có F0 trong cộng đồng, trường lo không đủ điều kiện. Trong khi đó, các điều kiện khác như: giáo viên tiêm đủ 2 mũi, vệ sinh cơ sở vật chất…đều đảm bảo.

Ổ dịch lớn ở Thanh Hóa ghi nhận thêm nhiều ca lây nhiễm

Chiều ngày 3/12, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 73 bệnh nhân mắc COVID-19 mới. Trong đó có 42 bệnh nhân phát sinh trong tỉnh.

img

Lực lượng Y tế đang lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa)

Riêng tại ổ dịch huyện Triệu Sơn ghi nhận thêm 30 bệnh nhân trong các khu phong tỏa (xã Dân Lý 26, Thị trấn Triệu Sơn 1, Tiến Nông 3). Như vậy tính từ ngày 27/11 sau khi ghi nhận 4 bệnh nhân đầu tiên tại ổ dịch này thì đến nay đã có 121 trường hợp bị nhiễm Sars-CoV-2.

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá ghi nhận 2.772 bệnh nhân COVID-19 cộng dồn; 1.844 người điều trị khỏi được ra viện và 12 bệnh nhân tử vong. Trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai được gần 2,9 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong 24 giờ qua đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 5.989 mẫu tại các đơn vị y tế trong tỉnh.

Kích hoạt toàn bộ BV tại TP.HCM, ứng phó ca nhiễm tăng

Trong bối cảnh số ca nhập viện và tử vong ở TP.HCM vẫn tiếp tục gia tăng, cùng với sự xuất hiện biến chủng mới Omicron gây lo ngại, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn TP về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh trong tình hình mới.

img

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả bệnh viện tăng cường phối hợp và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh "hậu Covid-19" khi nhận được yêu cầu chuyển viện của các bệnh viện điều trị Covid-19.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện cần rà soát, tái cấu trúc và chức năng bệnh viện cho phù hợp với yêu cầu thu dung, điều trị Covid-19 và các bệnh lý thông thường khác. Củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị Covid-19 để sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19

Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo.

Ngoài ra, các bệnh viện cần rà soát, tái cấu trúc và chức năng bệnh viện cho phù hợp với yêu cầu thu dung, điều trị Covid-19 và các bệnh lý thông thường khác.

Riêng các khu cách ly Covid-19 tại tất cả các bệnh viện cần củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị Covid-19, để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, đảm bảo mỗi đơn vị Covid-19 có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện (chưa bao gồm số giường của khoa đơn vị hồi sức Covid-19).

Các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và đa khoa hạng 1: Hình thành đơn vị Hồi sức Covid-19 trực thuộc khoa Hồi sức tích cực - chống độc để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch; Khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Hồi sức Covid-19.

Về tiếp nhận điều trị người bệnh: bố trí buồng bệnh riêng biệt tại các khoa lâm sàng, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cần được điều trị tiếp các bệnh lý nền do các bệnh viện điều trị Covid-19 chuyển đến, sau khi đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính; duy trì buồng cách ly tạm tại các khoa lâm sàng dành cho các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.

Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện tăng cường phối hợp và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh "hậu Covid-19" khi nhận được yêu cầu chuyển viện của các bệnh viện điều trị Covid-19.

Học sinh THPT Hà Nội trở lại trường từ ngày 6/12

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 4322 về việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh một số khối lớp tại các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, UBND TP Hà Nội thống nhất với đề xuất của Sở GD&ĐT tại tờ trình số 4095 về việc cho học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDTX) trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19.

img

Học sinh THPT tại Hà Nội được học tại trường từ ngày 6/12 tới

Cụ thể, tại các đơn vị xã, phường, thị trấn của tất cả 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, cho phép học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX trở lại trường học từ ngày 6/12.

Văn bản của UBND TP Hà Nội lưu ý: "Những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học trở lại của địa phương nơi học sinh cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh".

Theo tờ trình của Sở GD&ĐT Hà Nội, khối lớp 9 ở các huyện, thị xã tiếp tục đi học trực tiếp, các khối còn lại tiếp tục học trực tuyến.

Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường học, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận, huyện, thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh trở lại của các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.

Ngày 2/12, cả nước ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới

Tính từ 16h ngày 1/12 đến 16h ngày 2/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 13.677 ca ghi nhận trong nước (giảm 829 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.538 ca trong cộng đồng).

img

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 13.568 ca/ngày. Ảnh: Zing

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (1.738), Cần Thơ (985), Tây Ninh (768), Sóc Trăng (747), Bà Rịa - Vũng Tàu (637), Đồng Tháp (606), Vĩnh Long (594), Bến Tre (507), Bình Thuận (502), Hà Nội (499), Cà Mau (496), Bạc Liêu (492), Đồng Nai (475), Bình Phước (472), Bình Dương (414), Kiên Giang (405), Khánh Hòa (394), Hậu Giang (296), An Giang (271), Trà Vinh (202), Lâm Đồng (197), Tiền Giang (176), Bình Định (169), Thừa Thiên Huế (143), Hà Giang (120), Thanh Hóa (94), Bắc Ninh (94), Thái Nguyên (87), Đắk Nông (86), Đà Nẵng (82), Long An (81), Nghệ An (69), Ninh Thuận (68), Quảng Nam (66), Nam Định (63), Đắk Lắk (58), Hưng Yên (55), Hòa Bình (47), Phú Yên (44), Hải Dương (39), Quảng Ngãi (38), Hải Phòng (37), Tuyên Quang (33), Lạng Sơn (29), Gia Lai (27), Thái Bình (26), Vĩnh Phúc (24), Phú Thọ (20), Bắc Giang (19), Quảng Ninh (16), Quảng Bình (15), Quảng Trị (14), Cao Bằng (12), Yên Bái (8 ), Lào Cai (7), Hà Nam (5), Kon Tum (5), Sơn La (2), Điện Biên (1), Bắc Kạn (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-284), Bình Dương (-228), Bà Rịa - Vũng Tàu (-119).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (+80), Bến Tre (+88), TP. Hồ Chí Minh (+83).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 13.568 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.266.288 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.846 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.261.035 ca, trong đó có 1.002.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (473.871), Bình Dương (283.287), Đồng Nai (88.230), Long An (38.404), Tây Ninh (30.125).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13.258 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.005.310 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.600 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 4.387 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.359 ca; Thở máy không xâm lấn: 162 ca; Thở máy xâm lấn: 677 ca; ECMO: 15 ca.

210 ca tử vong tại TP.HCM và 21 tỉnh thành phố

Từ 17h30 ngày 01/12 đến 17h30 ngày 2/12 ghi nhận 210 ca tử vong. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh có 80 ca (có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An 2, Đồng Nai 2, Bình Dương 1, Đồng Tháp 1, Kiên Giang 2, Sóc Trăng 1.

img

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.600 ca

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (23), Cần Thơ (16), An Giang (14), Kiên giang (12), Long An (11), Tây Ninh , Bình Dương, Tiền Giang, Bạc Liêu (6), Đồng Tháp (5), Sóc Trăng (4), Bình Thuận (3), Khánh Hoà (2), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Hà Nội (1), Hà Giang (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 179 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.658 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 193.475 xét nghiệm cho 392.175 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 26.514.129 mẫu cho 68.989.197 lượt người.

Trong ngày 01/12 có 1.714.026 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 125.164.684 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 72.427.696 liều, tiêm mũi 2 là 52.736.988 liều.

Nhiều ca nhiễm mới tại Hà Nội được phát hiện qua dấu hiệu ho sốt

Hà Nội lần đầu tiên ghi nhận trên 500 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ. Như vậy, hôm nay, cả 30/30 quận, huyện ở Hà Nội đều ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới.

Trong đó, số ca thuộc các quận, huyện: Đống Đa (75), Gia Lâm (45), Ba Đình (41), Thanh Xuân (30), Nam Từ Liêm (25), Hà Đông (23), Hoàn Kiếm (23), Sóc Sơn (20), Thường Tín (19), Chương Mỹ (17), Tây Hồ (17), Hai Bà Trưng (16), Hoài Đức (16), Thanh Oai (16), Bắc Từ Liêm (15), Hoàng Mai (15), Mỹ Đức (15), Đan Phượng(14), Mê Linh(12), Thanh Trì (10), Long Biên (8), Quốc Oai (8), Phú Xuyên ( 5), Phúc Thọ (5), Ba Vì (4), Cầu Giấy (4), Đông Anh(4), Ứng Hòa (4), Thạch Thất (2), Sơn Tây (1).Covid-19 ngày 2/12: Cả nước có 13.698 ca mới; Hà Nội ghi nhận hơn 500 ca.

233 ca cộng đồng theo quận, huyện: Đống Đa (52), Gia Lâm (20), Sóc Sơn (15), Thanh Xuân (14), Hà Đông (12), Bắc Từ Liêm (11), Hoài Đức (11), Thường Tín (10), Ba Đình (9), Thanh Trì (9), Mỹ Đức (8), Hoàn Kiếm (7), Nam Từ Liêm (7), Chương Mỹ (6), Đan Phượng (6), Phúc Thọ (5), Thanh Oai (5), Hai Bà Trưng (4), Quốc Oai (4), Hoàng Mai (3), Mê Linh (3), Tây Hồ (3), Long Biên (2), Ứng Hòa (2), Ba Vì (1), Cầu Giấy (1), Đông Anh (1), Thạch Thất (1), Sơn Tây (1).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 11.575 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.672 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.903 ca.

Tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên

Ngày 2/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021.

Tại phiên họp, trên cơ sở phân tích các mặt trong bối cảnh chung tình hình quốc tế và trong nước, nhất là khi biến chủng virus Omicron đang khiến dịch COVID-19 nguy hiểm hơn, các đại biểu cho rằng trong tháng 12/2021 và năm 2022 cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại nghị quyết số 88 ngày 12/8/2021 của Chính phủ; thực hiện nghiêm, nhất quán nghị quyết 128 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19".

Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại một số kết quả mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được trong tháng 11/2021 và những tháng vừa qua; bày tỏ đồng tình với các nhận định, ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên họp.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế như: dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và dự báo còn diễn biến phức tạp hơn trước do nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron; số ca mắc và tử vong do COVID-19 có xu hướng tăng. Kinh tế - xã hội vẫn tiềm ẩn bất ổn như nguy cơ lạm phát, nợ công, chứng khoán, bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công. An ninh, quốc phòng còn nhiều thách thức…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc, dự báo tốt tình hình, đặc biệt là về dịch COVID-19; kiên trì thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo nghị quyết 128.

Thủ tướng nhấn mạnh phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết và triển khai tiêm vắc xin an toàn, hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đến hết năm cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; phải rà soát lại các quy trình và việc thực hiện trong quá trình tiêm chủng, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.

Đặc biệt tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch; người dân phải vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm công thức "5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác".

Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện xây dựng Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

Xử lý tạm thời Bệnh viện Bảo Sơn 2 vì cách ly người 16 giờ trên xe cấp cứu

Sáng 2/12, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, đơn vị đang xác minh làm rõ vụ việc cách ly người bệnh Covid-19 suốt 16 tiếng trên xe cứu thương tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2 gây xôn xao dư luận vài ngày qua.

img

Chị P.T.T.A. (22 tuổi, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình) phản ánh bị cách ly suốt 16 tiếng trên xe cứu thương sau khi test nhanh dương tính SARS-CoV-2

Cụ thể, theo lãnh đạo Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân, ngày 30/11, đơn vị đã trực tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2 làm việc về những nội dung báo chí phản ánh.

"Qua xác minh, bệnh viện giải trình trước có phòng cách ly tạm thời trên xe lưu động. Tuy nhiên, ngày khách hàng xét nghiệm đúng ngày xe được đưa đi bảo dưỡng. Trong lúc bệnh nhân test 2 lần dương tính phải chờ đợi ngoài ghế, nhân viên y tế đã cho lên xe cứu thương.

Chúng tôi xác định bệnh viện bố trí nơi cách ly chưa rõ ràng. Tại thời điểm cần cách ly tạm thời cho người nghi ngờ qua sàng lọc xét nghiệm, nhưng bệnh viện không có nơi cho họ. Sau sự việc, chúng tôi đã yêu cầu Bệnh viện Bảo Sơn 2 tạm dừng xét nghiệm dịch vụ Covid-19 để rà soát, chấn chỉnh lại toàn bộ quy trình tiếp đón sàng lọc, xét nghiệm để giảm đông người, chưa đảm bảo được an toàn.

Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu bệnh viện làm lại, dựng lán tại sảnh bệnh viện. Tuy nhiên, ngõ vào viện là ngõ chung với khu dân cư, nếu cho bệnh nhân cách ly trong phòng sẽ ảnh hưởng tới bệnh nhân khác", lãnh đạo Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ việc này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã gửi văn bản yêu cầu Sở Y tế Hà Nội xác minh thông tin.

Trước đó, ngày 28/11, chị P.T.T.A. (SN 1999, trú tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) có dấu hiệu cảm cúm đã đến khám tại Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn. Sau khi tôi có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19, bệnh viện đã cách ly chị P.T.T.A trên xe cấp cứu cả đêm qua, đến chiều 29/11, bệnh viện mới đưa chị T.A lên phòng cách ly.

Người nhà của chị T.A đã tăng tải bài viết lên mạng xã hội, vô cùng bức xúc khi người nhà của mình phải nằm trong xe cứu thương hơn 16 tiếng để chờ kết quả test RT-PCR xác định lại.

Nội dung bài viết nêu: "Đêm qua, người nhà tôi đến Bệnh viện Bảo Sơn (52 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) xét nghiệm COVID-19. Vì nghi nhiễm nên bệnh viện làm xét nghiệm PCR và cho biết chiều tối nay (29/11- PV) mới có kết quả.

Điều đáng nói là bệnh viện giữ bệnh nhân lại, không cho về (cháu đang nuôi con nhỏ), nhưng lại bắt ra cổng chờ vì bệnh viện không có phòng cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Đêm khuya, gió lạnh, cháu phải lang thang ngoài cổng nên tôi gọi điện đến bệnh viện, hỏi để thế nếu cháu chuyển bệnh, bị sao thì ai chịu trách nhiệm? Sau đó, cháu mới được bệnh viện cho vào trú tạm trong xe ô tô.

Cháu phải ở trên xe ô tô từ đêm qua để chờ đến tối nay và không được ra ngoài. Hiện nay trời đang rất nắng, cháu bị ho nhiều và rất mệt, nhưng vẫn phải nằm trên cái ô tô rất nhỏ và bí giữa trời nắng. Cháu cho biết rất khó chịu vì vốn đã mệt sẵn nên mới đi khám bệnh".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.