Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 11/7 mới nhất, thông tin các ca dương tính được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Bản đồ hỗ trợ phòng, chống Covid-19 có thể cung cấp các thông tin liên quan đến diễn biến dịch bệnh Covid-19 cho người dân và các các nhà quản lý trên địa bàn.
Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo 4 ca tử vong do COVID-19 số 113-116.
CA TỬ VONG 113: BN13099, nam 79 tuổi, địa chỉ: quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiền sử: lao phổi đã hoàn thành điều trị, đái tháo đường type 2. Ngày xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả dương tính: 20/6. Cơ sở điều trị: Bệnh viện huyện Củ Chi. Ngày 23/6 bệnh nhân ho khan kèm nặng ngực và được chuyển Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM. Chẩn đoán vào viện: Viêm phổi do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân cao tuổi, di chứng lao phổi, đái tháo đường type 2.
Ngày tử vong: 15 giờ 35 phút ngày 4/7. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan trên bệnh nhân cao tuổi, di chứng lao phổi, đái tháo đường type 2.
CA TỬ VONG 114: BN12967, nữ 61 tuổi, địa chỉ Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Tiền sử: Chưa ghi nhận bệnh lý. Ngày xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính: 18/6/2021 Cơ sở điều trị: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Chẩn đoán vào viện: Viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Ngày tử vong: 16 giờ 35 phút ngày 5/7. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp killip 3.
CA TỬ VONG 115: BN19943, 61tuổi, Nữ. Địa chỉ tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Tiền sử bệnh: Đái tháo đường type 2, suy thận mạn. Cơ sở điều trị: Bệnh viện Sa đéc, Đồng Tháp. Ngày tử vong: 5/7. Chuẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
CA TỬ VONG 116: BN20043, 65 tuổi, nam, địa chỉ: huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Tiền sử bệnh: Loét vùng cùng cụt, di chứng tai biến mạch máu não, đái tháo đường type 2, cushing do thuốc. Cơ sở điều trị: Bệnh viện Sa Đéc, Đồng Tháp.
Ngày tử vong: 6/7. Chuẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân loét vùng cùng cụt, di chứng tai biến mạch máu não, đái tháo đường type 2, cushing do thuốc.
Trưa nay thành phố có 600 ca mới, 150 ca lây cộng đồng
Theo bản tin trưa của Bộ Y tế, tính từ 6h đến 12h ngày 11/7 có 633 ca mắc mới (BN28471-29103), gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu, và 632 ca ghi nhận trong nước.
Nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với 600 ca (450 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 150 ca đang điều tra dịch tễ), tiếp đến Bắc Giang (9), Hà Nội (6), Hưng Yên (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Ninh Thuận (2), Hà Tĩnh (2), Bình Thuận (2), Bình Định (1), Đắk Nông (1), Lâm Đồng (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (1); trong đó 482 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Tính đến 12h ngày 11/7, Việt Nam có tổng cộng 27.185 ca ghi nhận trong nước và 1.918 ca nhập cảnh.
Trong 600 ca bệnh (BN28504-BN29103) ghi nhận tại TP.HCM, có 450 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 150 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đang điều tra dịch tễ.
Nhiều chuỗi lây đã được kiểm soát, phân loại các vùng nguy cơ
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tính từ 6h ngày 10/7 đến 6h ngày 11/7, thành phố ghi nhận 1.403 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 172 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế.
Trong 172 trường hợp phát hiện tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế, nhiều nhất là Bệnh viện Triều An (26 ca), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (21 ca)...
Cũng theo HCDC, các chuỗi lây nhiễm xưởng cơ khí ở Hóc Môn, chung cư Ehome 3, Hnam Mobile, vựa ve chai quận 1, chuỗi Công ty Kim Minh quận 5… đã được kiểm soát.
Còn các chuỗi lây nhiễm mới phát hiện gồm chợ Vườn Chuối quận 3, chợ Bình Điền (bệnh nhân là những người sinh sống, bán hàng trong chợ), chuỗi lây nhiễm liên quan đến các công ty trong khu chế xuất, khu công nghệ cao… đã được khoanh vùng, giám sát chặt.
Thành phố đã phân loại các vùng nguy cơ để triển khai xét nghiệm. Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa) lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm. Khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần).
Các khu vực khác, thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong gia đình hoặc người được phép đi ra ngoài nhà.
Các quận huyện lên kế hoạch lấy mẫu để được điều phối phù hợp với năng lực xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả xét nghiệm sớm để phục vụ công tác điều tra, truy vết.
HCDC cho biết thêm tận dụng 15 ngày cách ly xã hội, thành phố đẩy mạnh công tác lấy mẫu và xét nghiệm để sớm phát hiện và “bóc ngay” ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững “vùng xanh", đưa “vùng đỏ” dần xuống thành “vùng cam", tiếp tục xuống “vùng vàng” và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn.
Phường Hiệp Bình Chánh tạm phong tỏa toàn khu phố 8
UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết 9h sáng nay 11/7 bắt đầu phong tỏa, cách ly y tế tạm thời toàn bộ khu phố 8 của phường này để phòng dịch COVID-19. Thời gian cách ly y tế, phong tỏa từ 9h ngày 11/7 đến hết ngày 14/7 hoặc cho đến khi có thông báo mới.
Phạm vi phong tỏa được giới hạn bởi các tuyến đường Phạm Văn Đồng - Hiệp Bình - Tam Bình và rạch Gò Dưa có 3.800 hộ, với 12.700 nhân khẩu.
UBND phường Hiệp Bình Chánh cũng phát thông báo đề nghị người dân nghiêm túc chấp hành việc cách ly y tế, phong tỏa và phối hợp, chuẩn bị cho việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng lần 2.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh - cho biết đây là khu vực có mật độ dân số cao, diễn biến dịch phức tạp, số ca bệnh nhiều nên phải phong tỏa, cách ly lấy mẫu diện rộng để khoanh vùng xử lý.
UBND phường Hiệp Bình Phước cũng thông báo phong tỏa một phần khu phố 1 và khu phố 2 của phường này để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19. Thời gian phong tỏa từ 0h ngày 11/7 đến hết ngày 13/7.
Khu vực phong tỏa mới của phường Hiệp Bình Phước có hơn 1.700 hộ dân.
Trong thời gian phong tỏa, người dân không được ra khỏi khu phong tỏa trừ trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh hoặc trường hợp đặc biệt khác. Người dân không chấp hành lệnh phong tỏa có thể bị cưỡng chế.
Trên địa bàn TP Thủ Đức hiện đang có hơn 300 khu vực đang áp dụng biện pháp cách ly y tế, phong tỏa để thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Riêng phường Hiệp Bình Chánh có khoảng 30 khu vực, phường Hiệp Bình Phước có hơn 20 khu vực đang áp dụng biện pháp cách ly y tế, phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19.
Hà Nội thêm 11 ca Covid-19 mới, trong đó 10 người về từ TP Hồ Chí Minh
Chiều 11/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) thông tin về 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới, đều là hành khách trên các chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng về.
Trong đó, có 5 người ở cùng một địa chỉ là số 89 Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 5 trường hợp này đi trên chuyến bay QH244 ngày 4/7/2021 từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội khoảng 13h30 (ngồi ghế từ 19C đến 19F).
5 bệnh nhân gồm: P.Q.D. (sinh năm 1964); T.N.T. (sinh năm 1984); L.T.H. (sinh năm 1968); T.S. (sinh năm 1963); L.H.S (sinh năm 1991).
Có 4 người là các thành viên cùng gia đình ở thôn Hoa Vôi, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai. 4 trường hợp này cùng gia đình sinh sống tại phường 2, quận 10, từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội trên chuyến bay VN266 ngày 2/7/2021.
4 bệnh nhân gồm: T.Đ.T. (nam, sinh năm 1985); Đ.T.P.T. (nữ, sinh năm 1989); T.Đ.A (nam, sinh năm 2015); T.T.A. (nữ, sinh năm 2013).
Hai trường hợp khác là nữ bệnh nhân N.T.C. (54 tuổi, ở Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Nội). Bà C. cùng 6 người khác trong gia đình từ quận 2, TP Hồ Chí Minh về Hà Nội ngày 5/7 vừa qua trên chuyến bay VN216. Ngày 10/7, cả 7 người được được Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả bà C. dương tính với Covid-109.
Nam bệnh nhân P.V.D. (40 tuổi, ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) từ Hà Nội đi Đà Nẵng trên chuyến bay VN171 (cùng chuyến có F0 là N.T.D.) ngày 6/7. Ngày 9/7, bệnh nhân từ Đà Nẵng về Hà Nội trên chuyến bay VN164 ghế 10G. Ngày 10/7, anh D. được Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai lấy mẫu xét nghiệm, kết quả tại CDC Hà Nội khẳng định dương tính.
Sáng 11/7, CDC Hà Nội cũng cho biết, đã phát hiện thêm 1 ca Covid-19 là nữ (23 tuổi), công nhân phân xưởng UV Laser - nhà máy F5 của công ty SEI, khu công nghiệp Thăng Long. Từ ngày 5/7, bệnh nhân được cách ly làm việc tại công ty sau khi đơn vị này có ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính. Đến sáng 10/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt 38 độ C, ho, được Trung tâm Y tế huyện Đông Anh lấy mẫu gửi CDC Hà Nội xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Liên quan đến ổ dịch SEI, đây là ca bệnh thứ 22, trong đó trong đó có 20 ca thuộc huyện Đông Anh, 1 ca tại Bắc Từ Liêm và 1 ca thuộc huyện Mê Linh.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội về tăng cường giám sát người về từ vùng dịch, số liệu cập nhật đến sáng 11/7, đã có 6.365 trường hợp từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội được thống kê tại 30 quận, huyện, thị xã. Hiện đã có 5.601 trường hợp được lấy mẫu và gửi CDC Hà Nội xét nghiệm.
Sáng nay thêm 443 ca nhiễm, 158 ca chưa rõ nguồn
Theo bản tin sáng của Bộ Y tế sáng nay, tính từ 19h ngày 10/7 đến 6h ngày 11/7 có 607 ca mắc mới (BN27864-28470) gồm: 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang và 606 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM có 443, Tiền Giang (46), Vĩnh Long (43), Bình Dương (39), Hậu Giang (9), Bến Tre (7), An Giang (7), Phú Yên (4), Bắc Ninh (3), Bình Phước (2), Cà Mau (1), Quảng Nam (1), Bạc Liêu (1); trong đó 434 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Riêng TP.HCM phát hiện thêm 443 ca bệnh mới (BN27-BN28439), gồm 285 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa, 158 ca chưa rõ nguồn lây, đang điều tra dịch tễ.
Cũng theo Bộ Y tế, trong các ngày 9 và 10/7 đã có gần 3,2 triệu liều vắc xin các loại được tới Việt Nam, Bộ Y tế đã chuyển ngay 1,5 triệu liều trong số này tới TP.HCM và một số tỉnh thành khu vực phía Nam đang có dịch.
Ngày 10/7, chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 toàn quốc cũng chính thức được khởi động, người dân bắt đầu có thể đăng ký tiêm chủng thông qua ứng dụng tiêm chủng trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Đến sáng nay 11/7, đã có trên 87.000 người đăng ký tiêm chủng trên cổng này.
Đồng Nai thêm 72 người dương tính SARS-CoV-2, chủ yếu lây từ các chợ ở TP.HCM
Sáng 11/7, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm 72 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan đến chuỗi lây nhiễm chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn, Thủ Đức (TP.HCM).
Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nguồn lây bệnh chủ yếu là từ các chợ Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức (TP.HCM) xâm nhập vào các chợ đầu mối tại tỉnh Đồng Nai và lan ra các chợ khác trong toàn tỉnh.
Một số chợ như chợ Hoá An, Tân Biên, Phước Tân có số lượng tiểu thương liên quan đến các chợ ở TP.HCM nhiều nhất, tạo ra các ổ dịch với số ca lớn tập trung ở các phường: Hoá An, Hoà Bình, Tân Biên, Phước Tân và 1 số phường, địa phương khác.
Đặc biệt, các ổ dịch từ các chợ đã lây nhiễm vào các khu nhà trọ và doanh nghiệp (Công ty Pouchen) đang lây lan phức tạp, khó kiểm soát nguồn lây. Dự báo trong những ngày tới, địa phương sẽ ghi nhận thêm số ca dương SARS-CoV-2 từ các tiểu thương ở chợ và F1, F2, có thể đến F3 đã nhiễm.
Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 274 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Thống Nhất 104 ca, chủ yếu liên quan đến chợ Hóc Môn; 83 ca dương tính SARS-CoV-2 ở TP Biên Hoà liên quan chuỗi lây nhiễm chợ Bình Điền và Thủ Đức; huyện Nhơn Trạch có trên 30 ca.
Nhiều người dân TP.HCM chưa có giấy chứng nhận sau tiêm vaccine
Cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine cho người dân là câu hỏi được báo chí đặt ra tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều tối 10/7.
Trả lời vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong đợt tiêm thứ 4, TP.HCM tiêm gần một triệu liều chỉ trong 7 ngày.
"Tất cả nỗ lực tối đa để hoàn tất, tuy nhiên, để hoàn thành việc này thì một số công đoạn phải đi sau", ông nói.
Đại diện Sở Y tế cho biết bộ phận nhập liệu đang hỗ trợ Sở Y tế cập nhật thông tin của người tiêm vaccine, vừa để cấp chứng nhận cho người dân, vừa để quản lý việc tiêm mũi thứ 2.
"Vấn đề này hơi trục trặc. Đây là áp lực to lớn. Mong người dân và báo chí hiểu, chia sẻ với ngành y tế. Khi xong tôi cũng thở phào vì có một số trường hợp sốc phản vệ rất nặng nhưng được cấp cứu kịp thời và phục hồi rất tốt", ông Thượng nói.
Về việc đăng ký tiêm vaccine tại nhà qua ứng dụng khai báo y tế, ông Thượng cho biết vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị thực hiện nhưng thời gian quá khẩn cấp, khối lượng công việc khổng lồ nên Sở chưa thể tiến hành.
Thông tin về đợt tiêm vaccine sắp tới sau khi nhận thêm một triều liều vaccine Moderna từ Bộ Y tế, ông Thượng cho biết vaccine sẽ được phân bổ về cho quận, huyện, TP chủ động phối hợp với ngành y tế địa phương để triển khai. Sở Y tế chỉ phối hợp, giám sát.
Từ ngày 27/4 đến tối 10/7, TP.HCM ghi nhận 11.415 ca mắc Covid-19, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước. TP áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn kể từ 0h ngày 9/7.
Lên kịch bản 1.600 ca mắc/ngày
Phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM, ngày 10/7, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch, cho biết, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày) nên Bộ phận này đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại thành phố có thể lên tới 10.000 người. Do đó, TPHCM đặt mục tiêu nỗ lực "bóc tách ngay" ca F0 ra khỏi cộng đồng.
Nhấn mạnh phải chuẩn bị công tác xét nghiệm, điều trị cho kịch bản này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói: "Ngành Y tế đã đánh giá lại năng suất của 17 phòng xét nghiệm trên địa bàn thành phố (xét nghiệm được khoảng 7.000 mẫu/ngày). Nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị, bộ ngành, có thể tăng công suất lên 30.000 mẫu/ngày. Công suất này chỉ đáp ứng được cho xét nghiệm các trường hợp F1 đang ở trong khu cách ly tập trung".
Theo kịch bản ước tính trong 15 ngày tới, với 1.600 ca mắc/ngày (trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1), thành phố cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn VinGroup tài trợ, với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày.
Đối với nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao (vùng phong toả - màu đỏ) sẽ được thực hiện mẫu gộp toàn bộ gia đình, dự kiến cần sử dụng 1,6 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh. Tuy nhiên, do những gia đình trong khu vực này đã hoàn toàn giãn cách, do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình để tiết kiệm test nhanh.
"Bộ phận thường trực sẽ cân nhắc và điều chỉnh hợp lý để giảm bớt số lượng test nhanh; thực hiện 2 mũi xét nghiệm "giáp công" (từ các vùng nóng ra và xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực an toàn) để mở rộng ‘vùng xanh’ cho thành phố", Thứ trưởng Sơn cho biết. Về nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế đã có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho TPHCM. Trong đó, sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm cho bệnh viện chuyên hồi sức với công suất 1.000 giường; điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của thành phố.
Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng; điều động 500 người truy vết, lấy mẫu theo thành phố yêu cầu. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện của TP HCM.
TP.HCM chuẩn bị 36.500 giường điều trị Covid-19
Tại cuộc họp báo chiều 10/7, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đã chuẩn bị 36.500 giường điều trị Covid-19, trong đó 6.500 giường tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và 30.000 giường tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Hiện nay 4 bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động, sắp tới sẽ có thêm 5 bệnh viện dã chiến đặt tại các khu chung cư do Sở Xây dựng TP cung cấp.
Về cách ly F1 tại nhà, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai đến các quận huyện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. "Sở đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để tạo công cụ giám sát các F1 cách ly tại nhà. Hiện nay đã có một số quận thực hiện thí điểm vài trường hợp như quận 3, quận Phú Nhuận" - ông Tăng Chí Thượng nói.
Trước câu hỏi TP.HCM có áp dụng cách ly, điều trị tại nhà với các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng hay không, ông Tăng Chí Thượng cho biết đó là giải pháp của các nước, còn ở Việt Nam vẫn quyết tâm phát hiện sớm F0 để điều trị tránh lây lan. TP.HCM vẫn chưa có chủ trương và không kỳ vọng áp dụng biện pháp cách ly điều trị F0 tại nhà.
Ông Tăng Chí Thượng thông tin thêm biến chủng Delta có diễn biến hết sức phức tạp, có thể trong vòng 1 ngày, người không có triệu chứng đã chuyển sang diễn biến khác, vì thế ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kịp thời ứng biến.
Cũng tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết sở đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng để hỗ trợ Sở Y tế.
"Hiện Sở Xây dựng TP đã chuẩn bị 32.900 giường. Trong sáng mai, TP sẽ đưa vào sử dụng 16.000 giường. Sắp tới, sở chuẩn bị thêm 6.000 giường để đáp ứng nhu cầu của ngành y tế. Như vậy, nguồn dự phòng lên đến 40.000 giường" - ông Trần Hoàng Quân cho hay.
Về nhu cầu cách ly F1 của ngành y tế, Sở Xây dựng TP cũng đã dự trù khoảng 20.000 giường. Có thể đưa vào sử dụng ngay là 11.500 giường.
Ông Trần Hoàng Quân cũng thông tin tất cả khu cách ly và bệnh viện dã chiến được đưa vào sử dụng hầu hết đều thuộc các chung cư có sẵn nhưng chưa đưa vào sử dụng.
Dồn lực dập dịch tại "vùng đỏ"
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM ngày 10/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, toàn TP.HCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, "giữ chặt vùng xanh an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ", tuyệt đối không để tập trung đông người hoặc người dân ra khỏi nhà không cần thiết.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, TP.HCM cần phát huy kinh nghiệm thực tế, sự sáng tạo, mạnh dạn thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh như: cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm phân theo nhóm hoặc hộ gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau; phương án cách ly mới đối với những ca đã đủ điều kiện ra viện…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP HCM thống nhất, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết. Những ngày tới, dự báo số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, điều chỉnh chiến lược truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, TP.HCM sẽ kiểm soát được tình hình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận