Như vậy tính từ 19 giờ 30 ngày 18/7 đến 18 giờ tối hôm nay ngày 19/7, HCM ghi nhận 3.074 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, giảm 1.618 trường hợp so với hôm qua.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 34.465 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM bố trí cho công nhân tập trung làm việc theo phương châm "3 tại chỗ".
1.535 ca ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh tối nay có 1.346 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 189 ca là người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại Bệnh viện. Như vậy, đến nay, thành phố đã có tổng cộng 34.465 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày càng có thêm nhiều đối tượng lao động bị ảnh hưởng, đời sống gặp nhiều khó khăn, thành phố đã tiến hành xem xét để hỗ trợ thêm cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ngoài 6 nhóm lao động tự do đã quy định trong Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố.
Khi đề xuất được thông qua, dự kiến hoạt động chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng này sẽ được diễn ra từ ngày 25/7. Thành phố sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa, không để một ai vì tác động của dịch COVID-19 mà rơi vào cảnh khốn khổ, khó khăn.
Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực thiết yếu cho người dân, Thành phố đã chuẩn bị 5 tàu cao tốc với khả năng vận chuyển 100 tấn hàng hóa mỗi ngày từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về Thành phố. Việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy giúp giảm áp lực giao thông đường bộ trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Theo đó, trong sáng hôm nay (19/7), đã có 40 tấn rau củ được vận chuyển về Thành phố thông qua 2 tàu cao tốc đi từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến bến phà Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre và Tiền Giang).
Thành phố đã trải qua ngày thứ 11 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Với “thời gian vàng” 4 ngày còn lại, chúng ta cần quyết liệt hơn trong thực hiện các biện pháp để cơ bản tách được F0 ra khỏi cộng đồng, khoanh vùng, chặn đứng chuỗi lây lan, kéo giảm số ca mắc tiến tới kiểm soát dịch bệnh.
Từ chối tiếp nhận F0 sẽ bị xử lý nghiêm
Văn phòng UBND TP vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong về giải pháp điều phối các ca F0 không triệu chứng đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị Covid-19.
Theo đó, nhằm kịp thời điều chuyển các ca F0 giảm áp lực cho hệ thống y tế của quận, huyện và giảm tử vong đối với các trường hợp F0 chuyển nặng, nguy kịch, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu, Giám đốc của các bệnh viện nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt trong tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng, tuyệt đối không được từ chối nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận điều trị.
Giao Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tiếp nhận điều trị của các bệnh viện. Trường hợp tổ chức, cá nhân có vi phạm thì xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Về việc vận chuyển, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong giao Trung tâm cấp cứu 115 của thành phố chịu trách nhiệm điều phối các ca nhiễm F0 không triệu chứng đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị Covid-19.
Trung tâm cấp cứu 115 của thành phố có thẩm quyền yêu cầu, đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan phối hợp, hỗ trợ thực hiện tốt nhất công tác điều phối, vận chuyển F0.
Giao Sở Y tế và Trung tâm cấp cứu 115 thành phố huy động toàn bộ nguồn lực xe cứu thương tại các cơ sở y tế công lập; vận động cơ sở y tế ngoài công lập hỗ trợ, điều động sử dụng tạm thời xe cứu thương (bao gồm lái xe); lắp đặt hệ thống GPS và sẵn sàng chịu sự điều phối của Trung tâm cấp cứu 115 thành phố khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Chủ tịch TP cũng yêu cầu Sở GTVT làm việc với các doanh nghiệp vận tải để đáp ứng yêu cầu vận chuyển F0 bằng phương tiện xe khách (30 chỗ, 45 chỗ, có gắn hệ thống GPS ) cho ngành y tế thành phố. Trung tâm cấp cứu 115 là đầu mối tiếp nhận, quản lý, sử dụng theo quy định.
Chủ tịch UBND TP.HCM giao Công an thành phố khẩn trương xét duyệt thủ tục cấp biển số xe và giấy phép sử dụng tín hiệu ưu tiên cho xe cứu thương do MTTQ TP bàn giao cho Trung tâm cấp cứu 115 thành phố tiếp nhận, quản lý, sử dụng theo quy định.
Chủ tịch TP cũng chỉ đạo Sở Y tế, Sở TT&TT phối hợp, hỗ trợ Trung tâm cấp cứu 115 thành phố nâng cấp hệ thống điều hành tổng đài 115 để đáp ứng tốt nhất cho công tác điều phối, vận chuyển F0.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đảm bảo cơ sở vật chất (sửa chữa điện, nước ...) tại các bệnh viện dã chiến; phối hợp, hỗ trợ để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt cho các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến, luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh F0 khi có nhu cầu.
Trung tâm y tế thường xuyên cập nhật số trường hợp F0 tại các khu cách ly tạm thời của quận, huyện, chịu trách nhiệm phân loại các trường hợp F0 (không triệu chứng, có triệu chứng, có dấu hiệu nặng ...) để chuyển đến các bệnh viện phù hợp.
TP.HCM công bố danh sách 40 chợ đang mở cửa
Sở Công Thương TP.HCM vừa công bố danh sách các chợ truyền thống được hoạt động ở các quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Cụ thể, danh sách các chợ bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố gồm 40 chợ (đã bao gồm chợ mở cửa trở lại) được cập nhật đến ngày 19/7.
Theo đó, có 9 quận tại TP.HCM không còn chợ nào hoạt động là quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và 2 huyện Hóc Môn, Nhà Bè. Còn lại các quận, huyện đều có chợ hoạt động.
Người dân TP.HCM xếp hàng vào siêu thị. Ảnh: VOV
Ngoài ra, tất cả các quận, huyện, thành phố đều có số lượng siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang hoạt động khá nhiều và phân bố rộng khắp.
Bên cạnh đó, tại TP.HCM đã có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, thành phố còn có 388 điểm bán hàng bình ổn lưu động được phân bổ khắp các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết về việc mở cửa của các chợ truyền thống trên địa bàn, hiện thành phố đã có chủ trương theo đó, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu có tính bắt buộc, có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K.
Các chợ phải tổ chức mua bán theo cách tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá… Ngành hàng bán phục vụ thực phẩm tươi sống, rau củ quả.
"Nếu không gian chợ chưa đảm bảo thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn. Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại do UBND quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định", phó giám đốc Sở Công Thương TP cho biết.
Sở Công Thương TP đã có hướng dẫn giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch như 5k, phân luồng, bán hàng đồng giá, dựng vách ngăn...
Hôm nay (19/7) các quận, huyện đã tổ chức mở cửa hoạt động trở lại chợ An Đông - quận 5, chợ Kiến Thành - quận Bình Tân.
Các quận, huyện đang xây dựng phương án và sẽ sớm tiếp tục tổ chức mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn. Các chợ khác khi đủ điều kiện các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ thực hiện các bước và công bố thông tin cho người dân.
Dự kiến, trong tuần này, chợ Xã Tây (Quận 5), chợ Phú Định, chợ Minh Phụng (Quận 6), chợ Nhật Tảo (Quận 10), chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3 (huyện Nhà Bè)… sẽ mở cửa hoạt động trở lại.
Sáng 19/7, ghi nhận 2.015 ca mắc mới ở 20 tỉnh, thành phố; trong đó 1.688 ca được phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa. Riêng TP.HCM ghi nhận thêm 1.535 bệnh nhân mới.
Bộ Y tế thông tin, qua một đêm, tính từ 19h30 ngày 18/7 đến 6h ngày 19/7 có 2.015 ca mắc mới (BN53831-55845) gồm:
Sáng 19/7, TP.HCM thêm 1.535 bệnh nhân dương tính mới
2.014 ca ghi nhận trong nước trong đó 1.688 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Cụ thể:
1.535 ca ghi nhận tại TP.HCM: 1.346 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 189 ca là người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại Bệnh viện.
Hình ảnh "xác chết do Covid-19 ở TP. HCM" đang lan truyền là tin giả
Hình ảnh "xác chết do Covid-19 tại TP. HCM" là tin giả.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cho biết trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh xác chết ở Indonesia, nhưng một số tài khoản facebook tung tin đây là hình ảnh xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM.
Trung tâm này khẳng định đây là tin giả, việc lan truyền thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên. Vụ việc sẽ được trung tâm chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Người dân đi mua hàng tại một phiên chợ lưu động.
TP.HCM đã có 3.001 điểm bán hàng bình ổn, 388 điểm bán hàng lưu động
Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện TP có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, 388 điểm bán hàng bình ổn lưu động được phân bổ khắp các quận huyện. Và số lượng các điểm bán trên sẽ còn tăng mạnh.
Theo đó, 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phân bổ rộng khắp địa bàn các quận huyện, TP Thủ Đức. Danh sách và địa chỉ cụ thể các điểm bán đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử TP.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cho biết đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động nhằm giúp người dân nghèo, khó khăn.
Tính đến ngày 17/7, trên toàn TP đã tổ chức được 388 điểm bán hàng lưu động bình ổn. Trong đó, Sở Công thương tổ chức 130 điểm bán, Viettel Post và VN Post tổ chức 258 điểm bán.
Tuy vậy, theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, số lượng các điểm bán trên sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia.
"Tạm thời sẽ không giới hạn đơn vị tham gia hoạt động này, nhưng công tác tổ chức ở các điểm bán phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, và giá bán phải bình ổn như cam kết", đại diện Sở Công thương khẳng định.
Đối với các chợ truyền thống, sở cho biết ngoài thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, nhiều chợ sẽ kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng "Vietnam Health Declaration"; áp dụng phương án "thẻ ra vào chợ"…
TP.HCM tạm ngưng hoạt động 16 doanh nghiệp ở Khu công nghệ cao
Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (TP Thủ Đức) vừa ban hành công văn tạm dừng hoạt động đối với 16 doanh nghiệp trong khu vực để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Quyết định trên được đưa ra dựa trên kết quả kiểm tra, và thẩm định của 5 tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM thực hiện.
Đại diện Khu công nghệ cao cho biết, các doanh nghiệp này phải tạm ngưng hoạt động để khắc phục các yêu cầu cần thiết. Nếu các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu chống dịch sau đó thì sẽ được hoạt động trở lại.
Trước đó, để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, Thành phố đã ban hành Quyết định số 2337/UBND-TH phát hành ngày 13/07/2021, trong đó chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn khi đảm bảo doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung nhân viên từ nơi sản xuất đến nơi ở.
Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ phải ngưng hoạt động từ 15/7 cho đến khi có yêu cầu mới.
Trước các quy định mới này, nhiều doanh nghiệp công nghệ tại TP.HCM đã dựng lều bạt tại trụ sở, chuẩn bị hàng hoá thiết yếu cho nhân viên làm việc tại chỗ.
Dốc lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng
Tính đến hết ngày 18/7, TP.HCM có hơn 32.600 bệnh nhân dương tính Covid-19 đang điều trị, hơn 250 ca nặng và 189 bệnh nhân tử vong. TP một mặt mở rộng quy mô giường cho F0, đồng thời tập trung nhân vật lực, trang thiết bị y tế để điều trị bệnh nhân nặng.
Trước tình hình ca bệnh F0 tăng lên từng ngày, TP.HCM đã chuẩn bị 45.000 - 50.000 giường bệnh để thu dung, điều trị. Song song đó, Sở Y tế TP.HCM đã có kịch bản chuẩn bị giường hồi sức tại các bệnh viện (BV) quận, huyện, BV đa khoa, BV chuyên khoa, BV điều trị Covid-19, như BV Covid-19 Trưng Vương, BV Thủ Đức mỗi đơn vị 100 giường, BV Phạm Ngọc Thạch 60 giường...
Đặc biệt là 1.000 giường tại BV Hồi sức Covid-19 (trưng dụng cơ sở 2 của BV Ung bướu TP.HCM), 200 giường hồi sức tại BV Bệnh nhiệt đới; BV Chợ Rẫy cũng sẵn sàng 200 giường hồi sức, hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng.
“BV Bệnh nhiệt đới có 400 giường, được Sở Y tế phân công 200 giường hồi sức, dành cho bệnh nhân từ thở ô xy trở lên. Hiện BV đã nhận 180 ca, gần như đã đầy. Để chăm sóc điều trị cho 180 bệnh nhân Covid-19 nặng, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn và bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trẻ em cũng phải tham gia”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết.
Ông Vĩnh Châu nhận định việc ra đời BV 1.000 giường hồi sức sẽ giảm tải cho các BV đang hoạt động tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng.
Để vận hành BV Hồi sức Covid-19, việc điều động con người, trang thiết bị do Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM và Sở Y tế cùng thực hiện. Về điều hành hoạt động, giao cho BV Chợ Rẫy.
Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19, hiện BV đang điều trị 70 bệnh nhân nguy kịch và 120 bệnh nhân nặng.
Khu điều trị các bệnh nhân nặng
Qua tuần sẽ mở rộng giai đoạn 1 để nhận 100 bệnh nhân nguy kịch, 360 bệnh nhân nặng và từng bước mở công suất đạt 1.000 giường hồi sức.
Để hoạt động BV Hồi sức Covid-19 quy mô lớn nhất nước này, Sở Y tế giao BV Chợ Rẫy phụ trách 29 giường hồi sức tích cực, 300 giường nặng; BV Nhân dân 115 với 44 giường hồi sức tích cực, 300 giường nặng; BV Nhân dân Gia Định 20 giường hồi sức tích cực và 300 giường nặng...
“Hiện tại BV Hồi sức Covid-19 đã có 564 nhân sự của BV Chợ Rẫy, Nhân dân 115 và Nhân dân Gia Định, y bác sĩ từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng và Thanh Hóa. Trong đó có 168 bác sĩ (70 bác sĩ hồi sức); 350 điều dưỡng (69 có khả năng hồi sức).
Ngoài ra còn có đội ngũ nhân viên y tế xét nghiệm, X-quang, hậu cần...
Theo Sở Y tế, TP.HCM chia 4 cấp độ điều trị F0: Cấp độ 1 là F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ; cấp độ 2 là F0 thở ô xy; cấp độ 3 là F0 thở ô xy dòng cao (HFNC) và cấp độ 4 là F0 thở máy xâm nhập, ECMO và lọc máu liên tục. Để các BV điều trị bệnh nhân cấp độ 3, 4 đủ lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, TP.HCM thành lập tổ điều phối bệnh nhân Covid-19 nặng để hội chẩn, đánh giá và điều phối chuyển viện theo từng cấp độ.
Hàng loạt khách sạn ở TP HCM miễn phí cho bác sĩ, nhân viên y tế
Hơn 20 khách sạn ở TP.HCM đã miễn phí 100% chỗ lưu trú, ăn uống cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đội ngũ y - bác sĩ và nhiều khách sạn giảm giá, miễn phí cho F1 gặp khó khăn…Đây là thông tin được Sở Du lịch TP HCM cho biết tối 18/7, liên quan đến những hoạt động của ngành du lịch TP HCM chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
Thống kê của Sở Du lịch TP HCM cho thấy, hiện có hơn 20 khách sạn đã miễn phí 100% chỗ lưu trú và ăn uống với khoảng 50.000 đêm phòng.
Cụ thể, các đơn vị của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đã hỗ trợ 6.150 đêm phòng ở và 3 bữa ăn/ngày cho các bác sĩ của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Điều trị covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và đang xây dựng kế hoạch để hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh tại TP.HCM trong thời gian sắp tới.
Có 6 khách sạn hỗ trợ nơi ăn, ở miễn phí cho khoảng 650 bác sĩ của bệnh viện điều trị Covid-19 trong thời gian ít nhất 1 tháng. Có 11 khách sạn khác làm điểm cách ly hỗ trợ chi phí ăn, ở miễn phí gần 3.500 đêm phòng cách ly 14 hoặc 21 ngày cho các y - bác sĩ tham gia công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch đã hỗ trợ hàng trăm xe tham gia công tác phòng chống dịch tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) để chuyên chở đội ngũ y - bác sĩ và vận chuyển vắc-xin cho chiến dịch tiêm chủng và hỗ trợ xe vận chuyển F0, F1 đến các địa điểm cách ly (Công ty Du lịch Vietravel, Công ty Vận tải và Du lịch Saco, Công ty Du lịch Fiditour, CLB truyền thống kháng chiến khối vũ trang và Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định...).
Một số khách sạn như Viễn Đông, Intercontinental, Chi hội đầu bếp thuộc Hiệp Hội du lịch TP HCM... nấu và cung cấp hàng ngàn suất cơm, suất bánh,.. cho người nghèo trong các khu vực bị phong tỏa, cho lực lượng phòng chống dịch.
Lập 7 tổ công tác đặc biệt chống dịch tại phía Nam
Thủ tướng yêu cầu 7 Bộ trưởng lập ngay tổ công tác đặc biệt của từng đơn vị tại TP.HCM để hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống Covid-19.
TP.HCM đang ưu tiên nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Zing
Tối 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có văn bản gửi 7 Bộ trưởng gồm: Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Để hỗ trợ, phục vụ kịp thời, hiệu quả việc chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng đề nghị 7 Bộ trưởng nêu trên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thành lập ngay tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của từng bộ tại TP.HCM.
Các tổ công tác này do một thứ trưởng phụ trách trực tiếp để phối hợp với các địa phương phía Nam, nhất là tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16, giải quyết ngay vấn đề phát sinh trong phòng chống dịch và các vấn đề liên quan; hàng ngày báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, kịp thời kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.
"Đây là nhiệm vụ, công việc rất quan trọng, cấp bách. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tập trung chỉ đạo thực hiện, sớm phát huy hiệu quả, vai trò của tổ công tác đặc biệt trong công tác phòng chống dịch tại TP.HCM và các địa phương phía Nam", văn bản nêu.
Trước đó từ giữa tháng 6/2021, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt tại TP.HCM, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đứng đầu, để hỗ trợ thành phố chống dịch.
Hai tàu cao tốc chở 40 tấn rau củ từ miền Tây về TP.HCM
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP cho biết, 7h sáng 19/7, 2 tàu cao tốc của đơn vị đã đi từ bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) đến bến phà Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre và Tiền Giang) để vận chuyển 40 tấn rau, củ về TP.HCM.
"Chúng tôi đã chuẩn bị 5 tàu cao tốc với khả năng vận chuyển 100 tấn hàng hóa mỗi ngày từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về TP.HCM", ông Hải nói.
Những chiếc tàu cao tốc du lịch được chuyển đổi để chở rau, củ từ các tỉnh miền Tây về TP HCM.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy từ các tỉnh ĐBSCL về TP.HCM và ngược lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tàu cao tốc sẽ đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng (TP.HCM) và ngược lại.
Lộ trình di chuyển: Đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền → kênh Chợ Gạo → sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn → sông Cần Giuộc) → sông Soài Rạp → sông Nhà Bè → Sông Sài Gòn → Bến Bạch Đằng và ngược lại.
Phương tiện thủy phục vụ vận chuyển là 5 tàu cao tốc (SG-0, SG-8063, SG-8231, SG-8278, SG-8373), sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/tàu.
Chi phí vận chuyển do Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP thỏa thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hóa.
Sở GTVT TP.HCM quy định tàu phải đảm bảo công dụng chở hàng hóa và không chở quá khả năng khai thác theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận