Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 20/9: 5.171 ca mới, 8,7 triệu người đã tiêm vaccine

20/09/2021, 19:00

Tin tức dịch Covid-19 ngày 20/9 tại TP.HCM: Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 19/9 đến 17h ngày 20/9, TP.HCM có thêm 5.171 ca mắc mới.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 20/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Tại các vùng đỏ, vùng cam, 100% người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình (ảnh minh hoạ)

Trong số các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-922 ca), TP.HCM (-325 ca), An Giang (-187 ca).

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 215 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (163 ca), Bình Dương (36), Bình Thuận (3), Long An (3), Kiên Giang (3), Đà Nẵng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bạc Liêu (1), An Giang (1), Nghệ An (1).

Tính đến ngày 19/9, TP đã tiêm được tổng cộng 8.773.870 mũi, trong đó có 6.736.823 mũi 1 và 2.037.047 mũi 2.

Để hoàn tất mục tiêu bao phủ 2 liều vaccine cho 7.208.800 người dân thành phố (theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tính đến ngày 30/6/2021), căn cứ quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19 và số lượng vaccine còn lại, thành phố dự kiến cần 6.031.000 vaccine từ ngày 20/9 đến ngày 31/10.

Trong đó, số lượng vaccine để tiêm mũi 1 khoảng 472.000 liều và tiêm mũi 2 khoảng 5.559.000 liều.

Trong 5.559.000 liều vaccine để tiêm mũi 2, thành phố cần 4.935.000 liều AstraZeneca hoặc Pfizer để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca đủ 8-12 tuần và 624.000 liều Vero Cell để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 Vero Cell đủ 3 tuần.

Trong ngày 20/9, một số quận, huyện trong TP cho biết số vaccine mà các quận hiện có chỉ đủ tiêm trong ngày, nếu không được phân bổ tiếp ngày mai (21/9), những quận huyện này sẽ rơi vào tình trạng "thiếu vaccine".

Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống

img

Để được mở cửa lại, các cơ sở cần đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí an toàn. (Ảnh: Vnn)

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM có quyết định ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và các quy định liên quan công tác phòng, chống dịch.

Để được mở cửa lại, các cơ sở cần đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí an toàn.

- Thứ nhất, cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Thứ 2, cơ sở cần bảo đảm điều kiện an toàn an toàn thực phẩm theo đúng quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu và chứng từ liên quan.

- Thứ 3, người lao động, khách hàng, người giao nhận hàng, người liên hệ phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những người này cần được tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính SARS-CoV-2.

- Thứ 4, cơ sở kinh doanh phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn ngành y tế đối với người lao động, người ra vào. Các đơn vị phải bảo đảm quy tắc 5K, đo thân nhiệt.

- Thứ 5, cơ sở phải bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2 m, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô dùng một lần.

- Thứ 6, cơ sở phải xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống Covid-19, khu vực ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4 mét vuông một người, khoảng cách tối thiểu 2 m hoặc bố trí vách ngăn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM yêu cầu, tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bảo đảm 5 tiêu chí đầu tiên mới được hoạt động. Tiêu chí thứ 6 áp dụng với cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ của cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức khu vực ăn uống cho nhân viên.

Đối với các hoạt động của siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM chỉ đạo các đơn vị tuân thủ theo 5 tiêu chí.

Cụ thể: có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bảo đảm điều kiện an toàn an toàn thực phẩm theo đúng quy định; khu vực kinh doanh bảo đảm mật độ tối thiểu 4 mét vuông một người, khoảng cách tối thiểu giữa 2 người là 2m; bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m; người lao động, người đến cơ sở phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

TP.HCM công bố bộ tiêu chí về giao thông vận tải, đạt mới được hoạt động

img

Đối với vận tải hàng hóa (đường bộ và đường thủy nội địa): có 6 tiêu chí để đánh giá đạt hoặc không đạt (ảnh minh hoạ)

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Đối với vận tải hàng hóa (đường bộ và đường thủy nội địa): có 6 tiêu chí để đánh giá đạt hoặc không đạt. Trong các tiêu chí có tiêu chí yêu cầu lái xe và người phục vụ đều đã tiêm phòng COVID-19 mũi thứ nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh, có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, thực hiện quy tắc 5K...

Đối với vận tải hành khách (đường bộ, đường thủy nội địa): có 10 tiêu chí đánh giá để được hoạt động, trong đó tiêu chí 1 đến 5 được đánh giá đạt và không đạt tương tự đã nêu ở trên. Tiếp đến các tiêu chí như: không sử dụng máy lạnh hoặc đóng kín cửa, mở máy lạnh từ 26°C trở lên; vận chuyển không quá 50% sức chứa (đạt), vận chuyển trên 50% (không đạt)...

Đối với hoạt động bến xe, phà, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách, bến khách ngang sông: có 10 tiêu chí đánh giá. Tiêu chí 1, 2, 3, 4, 5, 6 lần lượt là người lao động đã tiêm vắc xin; tất cả người lao động xét nghiệm định kỳ theo quy định của ngành y tế; thực hiện quy tắc 5K; có thành lập ban chỉ đạo chống dịch (hoặc tổ công tác) và có biện pháp chống dịch theo quy định; có bảng tuyên truyền, hướng dẫn chống dịch; vệ sinh khử khuẩn bến phà, bến xe...

Đối với hoạt động của công trình giao thông bao gồm công tác bảo trì: có 7 tiêu chí, trong đó tiêu chí 1, 2 là có thành lập ban chỉ đạo chống dịch; có kế hoạch thi công gắn với công tác chống dịch. Các tiêu chí khác như: toàn bộ người lao động được tiêm vắc xin; có xét nghiệm định kỳ; thực hiện quy tắc 5K....

Đối với hoạt động nhà ga đường sắt, sân bay: thực hiện theo quy định về hướng dẫn tạm thời phòng chống dịch của Bộ Giao thông vận tải đã công bố trước đó. Ngoài ra, người lao động phải tiêm vắc xin và có xét nghiệm định kỳ.

Đối với đào tạo, sát hạch lái xe: có 10 tiêu chí, trong đó tiêu chí người lao động, học viên được tiêm vắc xin mũi 1 sau 14 ngày, được xét nghiệm định kỳ theo quy định, đảm bảo quy tắc 5K còn phải cung cấp đầy đủ thiết bị, vật tư y tế (khẩu trang, khử khuẩn), có hợp đồng với nhân viên hoặc đơn vị y tế riêng theo dõi sức khỏe người lao động tại cơ sở...

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, trường hợp được phép hoạt động: khi tất cả tiêu chí đều đạt theo yêu cầu từng lĩnh vực. Trường hợp không được phép hoạt động: khi có ít nhất 1 tiêu chí không đạt theo yêu cầu.

Các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ theo chức năng nhiệm vụ để tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định.

Tỷ lệ nhiễm mới ở vùng đỏ tại TP.HCM giảm

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch Covid-19 trong ngày 20/9 tại TP.HCM.

Sáng 20/9, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), thành phố hiện có 2.311.566 hộ dân, trong đó 401.234 hộ dân thuộc vùng đỏ, 181.213 hộ dân thuộc vùng cam.

Toàn bộ người dân của vùng đỏ và vùng cam đã được xét nghiệm nhanh vòng 4, tỷ lệ dương tính là 1,1%. Ngoài ra, 49% người dân ở vùng đỏ, vùng cam đã được xét nghiệm nhanh vòng 5 với tỷ lệ dương tính là 1,02%. Trong đó, 55% là người dương tính nCoV ở vùng đỏ, 43% ở vùng cam.

Tiến độ test nhanh vòng 5 của thành phố tăng 17% so với một ngày trước đó (32%). Trong khi đó, tỷ lệ người dân ở vùng đỏ, vùng cam có test nhanh dương tính đang giảm.

Ngày 18/9, HCDC cập nhật xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại vùng cam, vùng đỏ là 154.762 người, có 2.974 người có kết quả dương tính (tỷ lệ dương tính là 1,2%).

Đến ngày 19/9, HCDC cho hay con số này là 32% tiến độ vùng đỏ, cam, trong đó, vùng đỏ là 39%, vùng cam là 25%. Tỷ lệ kết quả xét nghiệm dương tính ở 2 vùng này là 1,1%.

Tại các vùng đỏ, vùng cam, 100% người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình, phương pháp test nhanh hoặc xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp từng hộ. Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh, ngành y tế sẽ xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình với tần suất 5-7 ngày/lần.

HCDC thống kê đến 6h ngày 20/9, TP.HCM có 337.065 F0 được Bộ Y tế công bố, gồm 336.587 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 478 trường hợp nhập cảnh.

Tính đến ngày 19/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 43.671 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 22.436 người. Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 41.193 người. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 7.461 người, chiếm tỷ lệ 18,1% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm tỷ lệ 7% so với tổng số F0. Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 3.459 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 345 người.

Số trường hợp xuất viện trong ngày là 2.270 người, tổng số ca xuất viện cộng dồn là 169.201 người. Số ca tử vong trong ngày là 163 người.

TP.HCM tiêm phủ hơn 90% vaccine Covid-19 mũi 1

Trưa 20/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết các quận, huyện vẫn tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay hiện nay TP đã bao phủ vaccine mũi 1 cho hơn 90% người trên 18 tuổi và hơn 20% mũi 2.

Tính đến ngày 19/9, TP đã tiêm được tổng cộng 8.773.870 mũi, trong đó có 6.736.823 mũi 1 và 2.037.047 mũi 2.

Theo HCDC, ngành y tế TP sẽ tập trung quản lý và điều trị các ca F0 phát hiện tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị tại bệnh viện, đảm bảo việc điều trị tại các tầng 2, 3 để hạn chế các ca tử vong. Triển khai xét nghiệm, phát hiện kịp thời và điều trị các ca mắc mới có nguy cơ cao.

Cập nhật đến thời điểm này có 337.065 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP, trong đó 336.587 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 478 trường hợp nhập cảnh. Số trường hợp xuất viện trong ngày 19/9 là 2.270 người, tổng số ca xuất viện đến nay là 169.201 người.

Tính đến ngày 18/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 43.671 người; số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 22.436 người; số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 41.193 người.

img

Shipper ở TP.HCM đăng ký hoạt động tăng đột biến

Đến nay, thành phố đã có 82.160 shipper đăng ký hoạt động, trong khi trước đó 1 ngày mới có 33.500 người đăng ký. Thông tin trên được ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP vào chiều 19/9.

Theo ông Phương, những ngày vừa qua, lượng shipper đăng ký hoạt động khoảng 20.000 người, đến 17/9 có khoảng 24.200 người hoạt động trên tổng số 26.500 lượt đăng ký.

"Với 24.000 shipper đã giao được 543.477 đơn hàng, tăng gần gấp đôi so với thời điểm 20.000 shipper hoạt động. Ngày 18/9 có tổng số 33.500 shipper đăng ký hoạt động và đến ngày 19/9 đã tăng lên 82.160 người đăng ký", ông Phương nói. Ông Phương cho biết Sở Công Thương đã gửi thông tin và đăng ký với Sở Y tế xét nghiệm cho khoảng 90.000 shipper.

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết từ công văn 2800 của UBND TP về việc hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho 17.800 shipper đăng ký ban đầu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế các quận, huyện cung ứng thiết bị test nhanh hỗ trợ các đơn vị.

Theo bà Mai, từ ngày 31/8 đến 6/9, đơn vị có thể đáp ứng xét nghiệm khoảng 20.000 shipper. Tuy nhiên, với lượng đăng ký lên hơn 82.000 shipper là vượt quá năng lực của các trạm y tế. Việc xét nghiệm cho shipper được phân công cho các trạm y tế lưu động, tại các trạm này có sự hỗ trợ của gần 1.200 bác sĩ quân y với nhiệm vụ chính là chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vaccine trên địa bàn và nay thêm nhiệm vụ xét nghiệm cho các shipper.

img

Sở Công Thương TP.HCM đã gửi thông tin và đăng ký với Sở Y tế xét nghiệm cho khoảng 90.000 shipper.

Chính quyền địa phương chủ động hỗ trợ, nuôi dưỡng trẻ mồ côi

Liên quan đến hơn 1.000 trẻ em mất cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ do dịch COVID-19, ngày 19/9, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn về việc chăm sóc, giám hộ trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng do cha, mẹ, người thân thích mất vì COVID-19 và quản lý di sản chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản.

Theo Sở Tư pháp thành phố, trường hợp trẻ mồ côi, trẻ không ai nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân vì dịch bệnh COVID-19, chính quyền phường, xã, thị trấn nơi trẻ em cư trú phải hỗ trợ, nuôi dưỡng. Đồng thời, quyết định các biện pháp chăm sóc thay thế, đăng ký giám hộ cho trẻ theo quy định.

Trong trường hợp trẻ không có người giám hộ, địa phương cử người giám hộ. Trình tự, thủ tục việc đăng ký giám hộ, cử người giám hộ được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch. Nếu chưa thực hiện được các biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ, địa phương phải thực hiện tốt nhất các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quản lý tài sản của trẻ trong thời gian chưa tìm được người giám hộ.

Hiện thành phố có nhiều trường hợp trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch COVID-19, gia đình, người thân chưa kịp về nên các địa phương đang thu xếp, tính toán những kế hoạch chi tiết về việc quản lý, giữ gìn tài sản trước mắt cho các trẻ. Về cách thức, phương hướng hỗ trợ đối với trẻ em rơi vào cảnh mồ côi do dịch COVID-19, lãnh đạo thành phố cho biết, sẽ tính toán chu toàn nhất để các em nhỏ có chỗ dựa, phát triển lâu dài, không phải chịu thiệt thòi.

img

Trẻ em liên quan đến ca mắc Covid-19 trong khu cách ly.

TP.HCM phân bổ thêm 54.700 liều vaccine Astra Zeneca về các quận, huyện

Ngày 19/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, sau khi nhận được 54.700 liều vaccine Astra Zeneca do Bộ Y tế cấp, ngành y tế đã gấp rút phân bổ số vaccine này về cho các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để không làm gián đoạn việc tiêm vaccine tại các địa phương.

Tính từ 17 giờ ngày 18/9 đến 17 giờ ngày 19/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.496 trường hợp nhiễm mới và thêm 182 trường hợp tử vong tại TP.HCM.

Qua cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, quận có số ca mắc cao nhất trong 24 giờ qua tại TP.HCM là Bình Tân với 1.203 ca mắc trong cộng đồng, tiếp đó là Quận 12 ghi nhận 558 trường hợp mắc mới; quận Bình Thạnh ghi nhận 421 trường hợp...

Hiện các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị cho 41.193 bệnh nhân, trong đó có 3.459 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.350 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Về tiến độ tiêm vaccine tại TP.HCM, theo thống kê, đến hết ngày 18/9, Thành phố đã tiêm được 8.735.784 mũi vaccine phòng COVID-19; trong đó, tổng số mũi 1 là 6.728.803, mũi 2 là 2.006.981, số người được tiêm trên 65 tuổi và người có bệnh nền là 1.025.251 người.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, các quận, huyện vẫn tiếp tục tiêm vét vaccine cho các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian. Qua ghi nhận, các quận, huyện có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cao nhất gồm Quận 11 đạt tỷ lệ 43%, Quận 10 đạt 41%, huyện Cần Giờ đạt 39%, huyện Hóc Môn đạt 37%...

Trước đó, theo ước tính của Sở Y tế TP.HCM, thành phố cần khoảng 1,8 triệu liều vaccine để tiêm phủ mũi 1 và mũi 2 cho toàn bộ người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên. Để công tác tiêm chủng không bị gián đoạn, Bộ Y tế đã phân bổ cho Thành phố thêm 54.700 liều vaccine Astra Zeneca. Hiện số vaccine này đã được đưa về các quận, huyện và TP Thủ Đức.

img

Tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân TP.HCM (Ảnh: Yến Thư - HCDC).

TP.HCM đã có tổng cộng 336.528 ca nhiễm được công bố

Tính từ 17h ngày 18/9 đến 17h ngày 19/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.496 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 336.528 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP về việc áp dụng thẻ xanh COVID trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Thẻ xanh COVID được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch với virus SARS-CoV-2.

Về điều kiện để có thẻ xanh COVID, ngành y tế TP cho rằng chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (đối với vaccine phải tiêm 2 mũi) và phải ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc COVID-19 và có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly. Tuy nhiên, người có thẻ xanh COVID vẫn phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm định kỳ theo quy định.

Việc chứng nhận F0 khỏi bệnh là một trong các điều kiện để được cấp thẻ xanh. Những người xét nghiệm COVID-19 dương tính, tự cách ly tại nhà, chưa được cấp giấy xác nhận có thể liên hệ trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc tổ trưởng tổ dân phố/tổ nhân dân hoặc các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà do các trường Đại học Y khoa hoặc các tổ chức thiện nguyện đảm trách để được xác nhận từng nhiễm bệnh và đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Đối với các trường hợp khác (không được tổ chức hoặc cá nhân xác nhận) thì cần thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Thành phố vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin mũi 1 và tiến dần đến bao phủ vaccine mũi 2 cho cộng đồng. Sáng ngày 19/9, TP.HCM đã nhận thêm 54.700 liều vắc-xin AstraZeneca do Bộ Y tế cấp và phân bổ ngay số vaccine này cho các quận, huyện, TP Thủ Đức để không bị gián đoạn việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

img

Lực lượng chức năng nỗ lực hoàn thành tiến độ tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 cho người dân thành phố. Ảnh: TTXVN.

TP.HCM còn trên 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19 ở tầng 3 đang phải thở máy

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dù số bệnh nhân nặng nhập viện ở các tầng điều trị đã giảm so với trước đây, nhưng hiện ở tầng 3 đang có trên 1.000 bệnh nhân phải thở máy.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, số ca tử vong phản ánh quá trình điều trị kéo dài từ lúc bệnh nhân nhập viện, diễn biến nặng và phải hồi sức. Hiện nay, theo thống kê, số bệnh nhân nặng mới nhập viện giảm nhiều ở các tầng điều trị so với thời gian trước; riêng ở tầng 3 đang có khoảng hơn 1.000 bệnh nhân đang phải thở máy.

"Các bác sĩ ở tầng 3 đang cố gắng cứu chữa cho những trường hợp bệnh nặng và hy vọng thời gian tới số ca bệnh nặng sẽ giảm đáng kể. Số ca tử vong có ngày tăng, ngày giảm nhưng nhìn chung trong 1 tuần qua, số ca tử vong đang có xu hướng giảm", bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ thêm.

Cho biết về chiến lược điều trị COVID-19 sau khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thành phố chỉ mở cửa khi đảm bảo an toàn. Theo đó, việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ dựa vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là tình hình bao phủ vaccine.

"Khi có đủ vaccine phòng COVID-19 để bao phủ thì chiến lược điều trị trong thời gian tới là tập trung vào quản lý F0 tại cộng đồng; tăng cường hệ thống điều trị các tầng của bệnh viện điều trị COVID-19 để đảm bảo phát hiện kịp thời chuyển viện những trường hợp nặng, hạn chế tử vong; giám sát liên tục, phát hiện kịp thời người có nguy cơ mắc COVID-19 để theo dõi và điều trị kịp thời", bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện các bệnh viện tại Thành phố đang điều trị cho 41.152 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 3.366 trẻ em dưới 16 tuổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.