Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 25/9: TP.HCM ghi nhận thêm 4.046 ca nhiễm mới

25/09/2021, 19:09

Dịch Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 25/9: Trong ngày, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.046 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 25/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM trong ngày 25/9.

Trong ngày 25/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.046 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 366.539 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Tiếp nối các hoạt động chung tay phòng chống COVID-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động triển khai chương trình “ATM Yêu thương” kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký nhận bảo trợ cho các trẻ em mồ côi cha mẹ tại TPHCM do dịch COVID-19. Chương trình sẽ hỗ trợ trung bình cho mỗi em từ 120 đến 216 triệu đồng trong thời gian là 10 - 18 năm (khoảng 1 triệu đồng/em/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi).

Bên cạnh đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng phối hợp Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM triển khai chương trình “ATM Hiến máu cứu người”. Chương trình diễn ra từ ngày 28/9 đến 7/10 tại trụ sở VNPT (số 1487 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, Quận 7) và trước mắt hy vọng sẽ vận động được khoảng 1.500 tình nguyện viên tham gia hiến máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM và dự phòng trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tình nguyện viên tham gia có thể đăng ký tại địa chỉ: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSeRwq5Ek-PIwKbRdE2J22OQ8kGZJQxwH4A9SVuhzhoPJd8XQg/viewform.

Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất 3 phương thức vận chuyển đường bộ đối với người lao động từ các tỉnh trở lại Thành phố, chi phí vận chuyển do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động hoặc người lao động tự trả. Giai đoạn 1, từ ngày 1/10 đến ngày 31/10, triển khai theo phương thức 1 (đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức) và 2 (Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao làm đầu mối, xây dựng kế hoạch vận chuyển).

Giai đoạn 2, từ ngày 1/11 trở đi, triển khai cả 3 phương thức, với phương thức 3 là tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành chở người lao động đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây.

TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo 100% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1, đồng thời thực hiện tiêm nhắc mũi 2 khi đến hạn. Người trên 18 tuổi nếu chưa được tiêm vaccine mũi 1 hãy gửi tin nhắn đến tổng đài 8066 theo cú pháp MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen để đăng ký.

img

Các tổ y tế cộng đồng tại quận 7, TP.HCM kịp thời đến thăm khám cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà.

Giảm số ca nhiễm lẫn ca tử vong

Chiều 24/9, Bộ Y tế cho biết tính từ 17h ngày 23/9 đến 17h ngày 24/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.537 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 8.530 ca ghi nhận trong nước (giảm 935 ca so với ngày trước đó).

Các ca nhiễm mới ghi nhận tại 34 tỉnh, thành phố (trong đó có 4.068 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh: TP.HCM 3.786 ca, Bình Dương (2.978), Đồng Nai (803), Kiên Giang (203), Long An (194), Tiền Giang (112), An Giang (90), Cần Thơ (57), Tây Ninh (53), Đồng Tháp (40), Đắk Lắk (33), Bình Thuận (24), Khánh Hòa (19), Bình Định (18), Ninh Thuận (16), Hà Nam (15), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Vĩnh Long (11), Quảng Bình (9), Phú Yên (9), Quảng Ngãi (7), Hà Nội (5), Cà Mau (6), Đắk Nông (4), Đà Nẵng (4), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Hậu Giang (4), Bến Tre (3), Bình Phước (2), Trà Vinh (1), Nghệ An (1), Thanh Hóa (1), Bạc Liêu (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là TP.HCM (-1.266), Tây Ninh (-33), Đắk Nông (-29).

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố, cả nước ghi nhận 203 ca tử vong, trong đó tại TP.HCM 140 ca, Bình Dương (30), Đồng Nai (15), Long An (7), Cần Thơ (3), An Giang (2), Trà Vinh (1), Đà Nẵng (1), Kiên Giang (1), Bến Tre (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1).

Tại TP.HCM, so với cách đây 1 tháng (ngày 22/8) là 340 trường hợp thì đến nay con số này còn lại 140 trường hợp, giảm 200 ca.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 226 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.220 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 23/9 có 593.903 liều vaccine được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 36.793.910 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 29.534.498 liều, tiêm mũi 2 là 7.259.412 liều.

Chính thức rút ngắn khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca xuống còn 6 tuần

Sáng 24/9, Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo khẩn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất với đề xuất của Sở Y tế tại Công văn 6791 về việc rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần. Ông giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai theo quy định.

Trước đó, Sở Y tế đã có Công văn 6791 gửi UBND TP.HCM. Công văn nêu với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine mũi 2 cho người dân, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM áp dụng đối với người tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca thì khoảng cách tiêm mũi 2 (bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer) tối thiểu là 6 tuần.

Hiện nay, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine này thì mũi 2 nên được tiêm vào khoảng 4-12 tuần sau mũi 1.

Khi được đồng ý, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị tiêm vaccine mũi 2 bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer cho người tiêm mũi 1 bằng AstraZeneca phải thông tin đầy đủ, giải thích rõ ràng hiệu lực bảo vệ theo các thời điểm tiêm mũi 2, tính an toàn về khoảng cách tiêm mũi 2 để người dân biết và đồng thuận tham gia.

Liên quan đến việc này, TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca. Ngày 20/9, Bộ Y tế đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc liên quan đến khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1. Còn Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8-12 tuần.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.

Thời gian tối thiểu giữa 2 mũi vaccine phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch.

img

Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ chích ngừa để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Bộ Y tế phân bổ 660.000 liều vaccine Pfizer và AstraZeneca cho TP.HCM

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, đơn vị này vừa tiếp nhận hơn 620.000 liều vaccine Pfizer và 46.000 liều vaccine AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ. Bắt đầu từ ngày 24/9, số vaccine vừa tiếp nhận sẽ được chuyển ngay đến các quận huyện tiêm chủng cho người dân.

Được biết, số lượng vaccine này được sử dụng chủ yếu để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 các loại vaccine tương đồng, phù hợp. Ngoài lô hàng trên hiện Thành phố còn khoảng 700.000 liều vaccine các loại, trong đó có 500.000 liều vaccine Vero Cell đang chờ kiểm định.

Thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng người dân với mục tiêu sớm đạt bao phủ miễn dịch cộng đồng. Đến nay, toàn thành phố đã tiêm được gần 9 triệu mũi vắc xin. Chiến dịch tiêm chủng mũi 1 đã cơ bản hoàn tất, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi thứ 2 cho người dân.

Thành phố đang từng bước nới lỏng các hoạt động kinh tế theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân gồm căn cứ theo hai trụ cột là tiến độ tiêm vắc xin và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chiến dịch tiêm vắc xin, đảm bảo tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, thành phố sẽ nghiên cứu phương án tiêm vắc xin cho trẻ em, trẻ em có nguy cơ cao như có bệnh nền, béo phì.

img

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

TP Thủ Đức đã kiểm soát được dịch

Tối 23/9, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những nỗ lực trong quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương này trong thời gian vừa qua.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ghi nhận TP Thủ Đức đã thực hiện nghiêm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện, có nhiều mô hình, cách làm mới mang lại hiệu quả cao.

Từ ngày 16/9 đến 21/9, TP Thủ Đức đã tập trung toàn bộ nguồn lực, huy động tổng lực lượng y tế, tình nguyện viên đẩy nhanh công tác xét nghiệm thần tốc, diện rộng, nhanh hơn, kỹ hơn để đưa các ca F0, F1 gần ra khỏi cộng đồng, tập trung cao độ để làm sạch địa bàn, đánh giá, xác định vùng an toàn, vùng chưa an toàn, kiểm soát chặt chẽ việc lây nhiễm trong cộng đồng.

TP Thủ Đức đã huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết, nhanh chóng phân công lực lượng cán bộ, công chức xuống hỗ trợ tại cơ sở, huy động được sức mạnh của nhân dân, các tổ chức cá nhân, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp cùng chung tay tham gia chống dịch

“TP đã tận dụng được thời gian vàng trong thực hiện Chỉ thị 16 đem lại hiệu quả trong công tác chống dịch, đã phát động nhiều phong trào thi đua tạo động lực thúc đẩy các hoạt động chống dịch đạt hiệu quả”, ông Nên nhấn mạnh và đồng tình với kế hoạch mở cửa trở lại của TP Thủ Đức.

Theo Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga, số ca mắc COVID-19 mới ở TP Thủ Đức liên tục giảm trong 3 tuần gần đây. Tỷ lệ mẫu dương tính trên tổng số người xét nghiệm cũng giảm.

“Nếu đối chiếu với các tiêu chí của Bộ Y tế, TP Thủ Đức đã kiểm soát được dịch bệnh”, bà Nga nhận xét.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết từ 28/8 đến 21/9, số ca mắc COVID-19 tại thành phố liên tục giảm. Từ 15/9 đến 21/9, TP Thủ Đức không ghi nhận chuỗi lây nhiễm mới. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt gần 99,6%, mũi 2 đạt 36,2%.

TP Thủ Đức đặt ra mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9, 100% người dân được tiêm ngừa, 100% người dân là F0 đã khỏi bệnh được cấp thẻ xanh COVID-19 để thuận lợi tham gia các hoạt động xã hội.

TP Thủ Đức đã thực hiện tiêm vắc xin mũi 1 cho 728.506/731.106 người, tỷ lệ 99,6% (theo số liệu dân cư cập nhật báo cáo tính đến ngày 21/9), mũi 2: 263.263/731.106 người, tỷ lệ 36,2% (phấn đấu đến 30/9 sẽ tiêm mũi 2 đạt 40%, chủ yếu loại Vero Cell).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.