Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 7/10: Dự kiến cho học sinh trở lại trường đầu tháng 12

07/10/2021, 16:00

Tin tức dịch Covid-19 ngày 7/10 tại TP.HCM: Đầu tháng 12, thành phố dự kiến cho học sinh quay lại trường dù còn nhiều khó khăn trong dạy và học.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 7/10 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Dự kiến, đầu tháng 12, thành phố sẽ cho học sinh quay lại trường.

Chiều 7/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh tại thành phố và trả lời các vấn đề người dân quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết thời gian qua, Sở đang triển khai dạy và học trực tuyến. Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ học trực tuyến khá cao, khối tiểu học trên 97%, THPT trên 99%.

Khối tiểu học có hơn 30.000 em còn kẹt lại ở các tỉnh khác, với hơn 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại các trường, trên 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm tại các trường tiểu học ở các địa bàn tỉnh, thành phố khác.

Sở GD&ĐT nhận định còn nhiều khó khăn trong dạy và học vì với số lượng lớn, cùng lúc đăng nhập hệ thống khiến hệ thống bị tê liệt, thiết bị gặp khó khăn. Sở đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị tăng khả năng phục vụ dạy và học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trong bối cảnh dịch này khó để cải thiện.

Cách dạy tại TP có khác so với các tỉnh thành. Việc dạy không chỉ có livestream mà phải có quản lý, phân công nhiệm vụ dạy và học với học sinh trong giờ học. Hiện, TP có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường.

Sở đã chủ động phân luồng để thuận tiện trong việc triển khai học trực tuyến. Kết quả dạy học trong 2 tuần đầu, việc tiếp nhận kiến thức đối với khối tiểu học khá tốt. Clip dạy học trên truyền hình khá phong phú nên đáp ứng được khá tốt.

Về cơ sở vật chất chuẩn bị cho quá trình kết thúc dịch, học sinh quay trở lại, TP có hơn 1.500 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng. 10% số cơ sở được trả lại cho ngành giáo dục để khử khuẩn, phục hồi, dạy trở lại.

“Một số địa bàn đang cuốn chiếu dần, dự kiến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất việc chuyển giao và ngành giáo dục có khoảng một tháng để sửa chữa, khắc phục, chuẩn bị cơ sở”, ông Hiếu nói và cho biết thành phố dự kiến đầu tháng 12 năm nay sẽ dạy và học trực tiếp trở lại.

img

Số ca tử vong tại TP.HCM liên tục dưới 3 con số

Ngày 6/10, TP.HCM có 1.205 bệnh nhân nhập viện và 2.740 bệnh nhân xuất viện, 92 trường hợp tử vong. Địa phương này đang điều trị cho 20.905 bệnh nhân, trong đó có 631 bệnh nhân nặng phải thở máy.

Từ 2/10 đến nay, số ca tử vong tại TP.HCM liên tục dưới 3 con số (trừ ngày 4/10). Ngày 2/10 - 79 ca; ngày 3/10 - 93 ca; ngày 5/10 - 88 ca; ngày 6/10 - 92 ca.

Tại họp báo ngày 4/10, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc chỉ định sử dụng máy thở và thiết bị hỗ trợ hồi sức tích cực, trong đó có ECMO là kỹ thuật khó. Đây là biện pháp hỗ trợ oxy hóa màng ngoài cơ thể sau cùng khi nhân viên y tế đã sử dụng tất cả biện pháp hồi sức cấp cứu nhưng không thành công.

"Trường hợp không có bệnh nhân nào phải thở ECMO là rất mừng, bởi họ đã cai được ECMO hoặc cũng có thể là bệnh nhân đã tử vong do không thể cứu chữa. Tuy nhiên, nếu nhìn trên bình diện chung, số ca tử vong tại thành phố giảm, nhiều khả năng bệnh nhân đang điều trị ECMO đã chuyển nhẹ và được chuyển về tầng thấp hơn để điều trị", bà Mai nói.

Từ 18h ngày 5/10 đến 18h ngày 6/10, TP.HCM đã lấy 60.627 mẫu xét nghiệm, trong đó có 2.436 mẫu đơn và 113 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 57.775 mẫu.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 6/10 là 7.013.921 mũi 1 và 4.951.439 mũi 2.

Từ 18h ngày 30/9, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi kinh tế. Theo đó, TP.HCM cho phép 7 nhóm được hoạt động trở lại; trong đó, lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có 9 mục được hoạt động.

TP.HCM tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.

Tính đến 6/10, TP.HCM ghi nhận gần 404.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đô thị lớn nhất cả nước từng bước mở cửa trở lại sau khi trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.

Mở cửa hầm Hải Vân cho người dân từ TP.HCM đi xe máy về quê

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, sẽ mở cửa hầm Hải Vân từ tối 6/10 để hỗ trợ người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê.

Theo đó, đơn vị vận hành hầm Hải Vân đang phối hợp với Công an TP Đà Nẵng xây dựng kế hoạch đưa bà con qua hầm, đảm bảo an toàn.

img

Đoàn người về quê được CSGT Đà Nẵng dẫn đoàn, dừng nghỉ chân trên đỉnh đèo Hải Vân

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết thêm, về quy định, đối với các hầm đường bộ như hầm Hải Vân, các phương tiện thô sơ không được phép lưu thông.

"Tuy nhiên, khi nhìn bà con về quê trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc đi lại trên đèo Hải Vân quá vất vả, nguy hiểm. Do đó, Tập đoàn Đèo Cả xin ý kiến các cơ quan chức năng và quyết định mở cửa hầm để bà con đi qua an toàn", đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay.

Theo kế hoạch, khoảng 23h đêm 6/10, đoàn xe máy đầu tiên sẽ đi qua hầm. Đơn vị vận hành hầm Hải Vân sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tạm dừng các ô tô qua hầm để người dân đi lại an toàn, nhanh chóng.

Được biết, từ ngày 3/10 đến 5/10, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, dẫn nhiều đoàn xe với hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về ngang qua thành phố. Riêng đêm 5/10, lực lượng CSGT Đà Nẵng đã dẫn đoàn với khoảng 2.000 người qua đèo Hải Vân an toàn.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả hỗ trợ, tạo điều kiện trung chuyển miễn phí các phương tiện xe máy của người dân qua hầm Hải Vân.

Trong đó, giao Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng CSGT, Công an các quận, huyện phối hợp tổ chức đón, hỗ trợ người dân ngang qua địa bàn đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

img

Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho sinh viên đăng ký đến trường học trực tiếp.

ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho sinh viên đăng ký học trực tiếp

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho hay, nhà trường cho đăng ký để có kể hoạch tổ chức một số lớp học trực tiếp. Theo đó, sinh viên có đủ điều kiện được đăng ký học tập trung tại trường sau thời gian dài học trực tuyến phòng dịch Covid-19.

Việc đăng ký này áp dụng với việc giảng dạy, học tập thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học, đề cương luận văn tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp của các học kỳ 2 và học kỳ hè năm học 2020-2021, học kỳ 1 năm học 2021-2022. Nhà trường yêu cầu người đến làm việc, học tập phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện phòng chống dịch hiện hành về di chuyển, làm việc, học tập và thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K.

Các sinh viên chưa đủ điều kiện đến trường trong đợt này hoặc không đăng ký sẽ vẫn được lùi lịch học các học phần thực hành, thí nghiệm cho đến khi có thông báo mới. Với sinh viên đủ điều kiện đến trường sẽ giúp phân bố đều tải học tập, tải sử dụng cơ sở vật chất của trường trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo thông tin từ ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, tạm thời nhà trường chỉ cho phép sinh viên thực hiện thí nghiệm, thực hành tại cơ sở Lý Thường Kiệt (Q.10, TP. Hồ Chí Minh).

Còn cơ sở Dĩ An (Bình Dương) sẽ được mở cửa thực hành, thí nghiệm theo tình hình chung của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Các học phần lý thuyết, ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tạm thời tiếp tục tổ chức theo hình thức trực tuyến như hiện hành.

img

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động.

Trước ngày 15/10 nhân lực y tế hỗ trợ chống dịch sẽ rút khỏi TP.HCM

Tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM cơ bản đã được kiểm soát. Số bệnh nhân điều trị các cơ sở y tế đang giảm sâu. Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND TPHCM sắp xếp, hỗ trợ thủ tục để các đoàn cán bộ y tế trở về địa phương trước ngày 15/10.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo cho nhu cầu phòng chống dịch, Chính phủ, Bộ Y tế đã huy động nguồn lực y tế từ các địa phương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở giáo dục Đại học Y dược tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TPHCM.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 7 đến nay, nhiều đoàn công tác từ các địa phương đã cống hiến hết mình trên mọi mặt trận từ dự phòng đến điều trị để ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19. Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, số ca mới mắc COVID-19 giảm sâu, số ca bệnh nặng tử vong giảm ở mức rất đáng kể.

Từ ngày 30/9, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Trước những diễn biến khả quan này, ngày 6/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký công văn gửi UBND TPHCM về việc sắp xếp để nhân lực hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 được trở về địa phương công tác.

Nội dung công văn nêu rõ: “Để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ viên chức y tế, đồng thời bảo đảm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ viên chức y tế tại các địa phương, đơn vị, Bộ Y tế đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn của thành phố và UBND quận huyện, thành phố Thủ Đức bố trí sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ thủ tục cần thiết để các đoàn cán bộ viên chức y tế của các địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TPHCM được về địa phương đơn vị công tác chậm nhất trước ngày 15/10/2021”.

img

Đến nay thành phố đã có 222.564 người được điều trị khỏi COVID-19 trở về bên gia đình.

TPHCM: Số ca COVID-19 xuất viện nhiều gấp đôi nhập viện

Liên tiếp nhiều tuần qua, TP.HCM đã đón nhận những tín hiệu rất khả quan về tình hình dịch bệnh COVID-19. Hiện số ca được điều trị khỏi mỗi ngày đã nhiều gấp đôi số ca nhập viện.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM trưa 6/10 cho biết, toàn thành phố hiện có 402.037 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 401.541 trường hợp nhiễm trong nước, 496 trường hợp nhập cảnh.

Số ca F0 đang cách ly, điều trị tại nhà là 23.089 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 11.587 người. Số ca nhập viện tầng 2 và 3 trong ngày là 1.150 ca, tổng số bệnh nhân điều trị ở các tầng này là 22.991 người.

Đặc biệt, số trường hợp xuất viện trong ngày 5/10 là 2.768 người. Số ca xuất viện trong ngày đã nhiều hơn gấp đôi số ca nhập viện. Đến nay đã có 222.564 người được điều trị khỏi COVID-19 trở về bên gia đình.

Nỗ lực điều trị cho nhóm bệnh nặng, bệnh nguy kịch trên địa bàn thành phố đang kéo giảm đáng kể số ca tử vong.

Thành phố đang tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 với nỗ lực tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, đẩy nhanh tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian. Bên cạnh đó, hoạt động xét nghiệm sẽ tiếp tục duy trì, tập trung cho việc giám sát phát hiện các ca bệnh mới, điều tra dịch tễ, giám sát định kỳ các khu vực nguy cơ.

Mặc dù dịch bệnh đang có chuyển biến tích cực nhưng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cảnh báo, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, cộng đồng phải luôn cảnh giác, thực hiện biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình.

img

Giao diện cổng thông tin An toàn Covid19 trên smartphone. Ảnh: Khương Nha.

Cách đăng ký mã QR cho tổ chức, doanh nghiệp tại TP.HCM

Cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại TP.HCM phải đăng ký mã QR để quản lý, giám sát khi mở cửa hoạt động trở lại.

Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tổ chức, doanh nghiệp muốn trở lại hoạt động cần tạo mã QR để quản lý. Hoạt động này có thể thực hiện qua Cổng thông tin An toàn Covid vừa được TP.HCM đưa vào vận hành.

Đối với nhân viên hoặc khách hàng, các đơn vị sẽ quét mã trên điện thoại hoặc mã in ra giấy của từng người. "Trong quá trình hoạt động, nếu mã QR của nhân viên, khách hàng hiển thị màu đỏ, nghĩa là người này là F0 hoặc đã tiếp xúc F0. Khi đó, đơn vị có thể từ chối tiếp đón. Người có QR màu đỏ cũng được hướng dẫn về nhà và liên hệ với y tế địa phương để tiến hành xét nghiệm khẳng định", bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT&TT TP HCM cho biết.

Từ 8/10, TP HCM sẽ bắt đầu kiểm tra hoạt động quét mã QR của các tổ chức, doanh nghiệp.

Việc đăng ký mã QR được thực hiện trên trang antoan-covid.tphcm.gov.vn. Tại đây, người dùng gửi yêu cầu tạo mã QR cá nhân hoặc QR cho tổ chức. Đại diện doanh nghiệp cần điền thông tin bắt buộc như: Tên đơn vị, số giấy phép kinh doanh, địa chỉ, lĩnh vực hoạt động, người đại diện, email, số điện thoại, số lượng nhân viên...

Hệ thống an toàn Covid TP HCM sẽ thông báo về số người F0 hoặc đã tiếp xúc với F0, có nguy cơ lây nhiễm từng check-in tại địa điểm.

Sau khi nhập mã OTP gửi về số điện thoại và hệ thống tiếp nhận yêu cầu thành công, một email sẽ được gửi đến tài khoản đã đăng ký trước đó. Chủ cơ sở, doanh nghiệp dùng tài khoản và mật khẩu được cấp để đăng nhập vào hệ thống An toàn Covid.

Giao diện trang sẽ hiển thị thông tin về tổng số khai báo, số người check-in trong ngày, số ca có nguy cơ lây nhiễm đã đến cửa hàng, tòa nhà... Tất cả được thống kê chi tiết và có thể xuất thành file Excel để theo dõi.

Trong phần tài khoản cá nhân, chủ cơ quan, doanh nghiệp có thể quản lý danh sách nhân viên, xem những ai đã có thẻ xanh, thẻ vàng... Nếu hệ thống chưa ghi nhận thông tin tiêm chủng của nhân viên, doanh nghiệp có thể trực tiếp gửi yêu cầu cấp thẻ đến cơ quan chức năng. Những thông tin như thời gian gửi yêu cầu, tình trạng tiếp nhận, xử lý, đơn vị phê duyệt cũng được cập nhật trực tiếp.

Theo hướng dẫn của Sở TT&TT, ngoài tạo mã QR, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho từng lĩnh vực. Bộ tiêu chí này được hướng dẫn chi tiết trên trang chủ của cổng thông tin An toàn Covid TP HCM.

Trước TP HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng yêu cầu cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất... tạo điểm quét mã QR. Việc tạo mã này có thể được thực hiện qua hệ thống qr.tokhaiyte.vn, được vận hành bởi Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.