Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 9/8: TP.HCM ghi nhận 3.991 ca nhiễm trong ngày hôm nay

09/08/2021, 19:30

Tin tức dịch Covid-19 ngày 9/8 tại TP.HCM: Hôm nay, cả nước có 9.340 ca nhiễm mới, trong đó TP.HCM có 3.991 ca.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 9/8 mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh - xuất viện và trường hợp tử vong được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Trong tuần này, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM triển khai giai đoạn 2 với 700 giường.

Bộ Y tế tối 9/8 cho biết, cả nước có thêm 4.185 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.183 ca ghi nhận trong nước. Trong ngày, có 4.423 bệnh nhân khỏi bệnh.

Theo Bộ Y tế, tính từ 6h đến 18h30 ngày 9/8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận cả nước có 4.185 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 4.183 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể tại TP.HCM (1.642), Bình Dương (1.162), Đồng Nai (355), Tiền Giang (251), Tây Ninh (133), Hà Nội (74), Cần Thơ (71), Bà Rịa - Vũng Tàu (65), Đà Nẵng (60), Đồng Tháp (59), Phú Yên (53), Bình Định (45), Bình Thuận (34), Khánh Hòa (33), Lâm Đồng (30),

Quảng Ngãi (18), Trà Vinh (15), Hà Tĩnh (15), Nghệ An (12), Quảng Nam (11), Ninh Bình (10), Thừa Thiên Huế (10), Hải Dương (7), Bình Phước (5), Quảng Bình (3), Đắk Lắk (3), Hậu Giang (3), Thái Bình (2), Kiên Giang (1), Bắc Giang (1) trong đó có 770 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong ngày 9/8 ghi nhận 9.340 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 9.323 ca ghi nhận trong nước.

TP.HCM (3.991), Bình Dương (2.887), Đồng Nai (538), Tây Ninh (290), Long An (287), Tiền Giang (251), Bà Rịa - Vũng Tàu (242), Cần Thơ (98), Phú Yên (84), Hà Nội (78), Đồng Tháp (77), Đà Nẵng (60), Vĩnh Long (57), Bình Định (45), An Giang (37), Bình Thuận (34), Khánh Hòa (33), Lâm Đồng (30),

Thừa Thiên Huế (27), Kiên Giang (20), Quảng Ngãi (18), Hậu Giang (18), Trà Vinh (15), Hà Tĩnh (15), Gia Lai (14), Đắk Nông (14), Nghệ An (12), Hải Dương (12), Quảng Nam (11), Ninh Bình (10), Bình Phước (5), Quảng Bình (3), Đắk Lắk (3), Thái Bình (2), Sơn La (1), Lào Cai (1), Cà Mau (1), Bạc Liêu (1), Bắc Giang (1), trong đó có 1.556 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 9/8, Việt Nam có 219.745 ca nhiễm, trong đó có 2.362 ca nhập cảnh và 217.383 ca nhiễm trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 215.813 ca, trong đó có 73.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Trong ngày 9/8 có 4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi là 75.920 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 509 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 23 ca.

Chiều cùng ngày, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 360 ca tử vong (3398-3757), trong đó tại TP.HCM (269), Tiền Giang (39), Đồng Nai (38), Long An (3), thành phố Cần Thơ (2), Bình Định (2), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), thành phố Hà Nội (1), Khánh Hòa (1), Tây Ninh (1).

Về tình hình xét nghiệm, trong 24 giờ qua đã thực hiện 138.751 xét nghiệm cho 327.580 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 7.293.781 xét nghiệm cho 20.367.442 lượt người.

Về tình hình tiêm chủng, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 9.405.819 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.460.013 liều, tiêm mũi 2 là 945.806 liều.

Sáng 9/8, báo cáo trong buổi họp giao ban trực tuyến của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cùng một số bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM đã sẵn sàng triển khai giai đoạn 2 với 700 giường bệnh để kịp thời tiếp nhận, điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.

img

Thành phố kiểm soát chặt người và phương tiện lưu thông trên đường.

Cho phép nhân viên siêu thị ra đường sau 18h

Ngày 9/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có chỉ đạo khẩn về việc điều chỉnh thời gian lưu thông của nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong thời gian thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, gửi Sở Công Thương TP.HCM, Công an TP.HCM, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện trên địa bàn.

Lãnh đạo TP.HCM chấp thuận chủ trương cho một số nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18h đến 6h hôm sau để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

UBND TP.HCM giao Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan xác nhận danh sách nhân viên được phân công nhiệm vụ; tích hợp danh sách này vào hệ thống trên cổng thông tin của Sở Công Thương nhằm quản lý, truy xuất và đối chiếu khi lực lượng chức năng kiểm tra.

Căn cứ danh sách do Sở Công Thương xác nhận, người đứng đầu các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi cấp thẻ công tác hoặc giấy xác nhận công tác cho những nhân viên này.

Công an TP.HCM cùng UBND TP Thủ Đức và quận, huyện chỉ đạo các trạm, chốt đảm bảo lưu thông cho nhân viên thuộc hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo danh sách do Sở Công Thương xác nhận.

TP.HCM trải qua 70 ngày giãn cách xã hội theo nhiều mức độ nâng dần từ hôm 31/5. Chỉ thị 16 được chính thức áp dụng từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Từ 26/7, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h đến 6h hàng ngày.

img

Nghiên cứu giải pháp tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các chợ hoặc khu vực bỏ trống.

Yêu cầu khẩn trương mở bán thực phẩm ở các chợ

TP.HCM yêu cầu nghiên cứu tổ chức điểm bán hàng thiết yếu tại các chợ truyền thống hoặc nơi bỏ trống.

Ngày 9/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng có văn bản khẩn về việc tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương cùng các địa phương nghiên cứu giải pháp tổ chức lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc hình thành các điểm bán nhỏ cung ứng mặt hàng tươi sống.

"Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng để bình ổn thị trường cho TP", Phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường bán hàng lưu động, bổ sung bán mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi và cập nhật hoạt động bán hàng trực tuyến để gia tăng điểm mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

"Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các sở, ban ngành kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", UBND TP yêu cầu.

Đối với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, phó chủ tịch UNBD TP yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.

Các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện "phiếu mua hàng" hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối.

"Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm, đồng thời đảm bảo kiểm soát tình trạng tập trung đông người tại các điểm bán, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết", lãnh đạo UBND TP yêu cầu.

Đồng thời, các địa phương cần phối hợp sở - ngành liên quan theo dõi nắm chắc diễn biến thị trường, thông tin và phối hợp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến trên địa bàn...

Ngoài ra, bà Phan Thị Thắng yêu cầu các hệ thống phân phối như siêu thị Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Lotte, Aeon, MM Mega Market, BigC, Emart... nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá nhu cầu, tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng. Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.

"Cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận... Trên cơ sở đó phối hợp cùng địa phương thông tin đến người dân trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách để đăng ký nhu cầu mua hàng, chuẩn bị đơn hàng, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng, hạn chế tập trung đông người", bà Thắng chỉ đạo.

img

TP.HCM đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 6 cho người dân. Ảnh: TTXVN.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết sáng nay TP.HCM nhận thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca từ Viện Pasteur. Ông Nam cho biết sau khi nhận được lượng vaccine này, thành phố phân bổ cho 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để tiếp tục tiêm chủng cho người dân như kế hoạch.

Sở Y tế TP.HCM cho hay trong ngày 8/8, thành phố đã tiêm cho 187.587 người. Từ 22/7 đến hết 8/8, TP.HCM đã tiêm được 2.295.773 liều vaccine.

Trong khi đó, số vaccine TP.HCM đã nhận từ ngày 22/7 đến nay là hơn 2,59 triệu liều. Với tốc độ tiêm hiện nay, Sở Y tế bày tỏ lo lắng nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vaccine thì đến hết 9/8, TP.HCM sẽ đối diện với tình trạng thiếu vaccine để tiêm diện rộng.

Hôm 1/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ vaccine đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Các tỉnh, thành phố này có trách nhiệm điều chỉnh quy trình tiêm vaccine phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn trên địa bàn, thông báo nhu cầu vaccine cho Bộ Y tế theo kế hoạch.

Ngày 3/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản khẩn gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về đề nghị phân bổ cho TP.HCM 5,5 triệu liều vaccine trong tháng 8.

TP.HCM hoàn thành đợt tiêm thứ 5 hôm 2/8 và bắt đầu đợt tiêm thứ 6 từ ngày 3/8, dự kiến kéo dài đến hết tháng. Nếu được cung cấp vaccine đầy đủ, TP cố gắng đạt mục tiêu tiêm cho 70% người trên 18 tuổi tại TP.HCM trong tháng này.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Ngoài việc tiêm mũi 1 cho người dân, TP còn phải tính toán tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1.

TP.HCM hiện có thể đạt tốc độ tối đa 300.000 liều/ngày theo công suất của 1.200 đội tiêm hiện nay. Nếu được cấp vaccine đúng tiến độ, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Từ 27/4 đến sáng 9/8, TP.HCM ghi nhận 124.153 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.

img

TP.HCM được phân bổ 10.000 lộ thuốc Remdesivir hỗ trợ điều trị Covid-19 được FDA Mỹ cấp phép.

HoSE phát hiện ca dương tính COVID-19, vẫn giao dịch chứng khoán

Báo Tuổi trẻ đưa tin, sáng nay (9/8), Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết qua quá trình xét nghiệm sàng lọc COVID-19 đối với lực lượng nhân viên "3 tại chỗ" của sở vào giữa tuần qua (4/8), sở đã phát hiện một số ca dương tính.

Theo đó, sở đã báo cáo thông tin kịp thời với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và thực hiện việc xử lý an toàn dịch bệnh theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhằm đảm bảo an toàn và hoạt động liên tục của thị trường chứng khoán tại HoSE, từ hôm nay (ngày 9/8) sở áp dụng quy trình, giải pháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh và tổ chức hoạt động.

Cụ thể, HoSE tạm dừng mọi hoạt động tiếp khách, làm việc trực tiếp "mặt đối mặt" với khách hàng, đối tác. Việc xử lý thông tin liên quan đến doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán và các bên có liên quan được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, từ xa. Hoạt động giao dịch chứng khoán tại HoSE vẫn được duy trì bình thường theo các kịch bản phòng chống dịch đã được chuẩn bị.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng cho biết HoSE đã xây dựng các phương án tính toán kỹ mọi rủi ro có thể xảy ra. Hệ thống của sở có khả năng thiết lập trung tâm điều hành ở các vị trí địa lý khác nhau chứ không nhất thiết phải cố định tại 1 địa điểm.

Ngoài ra, HoSE còn có 1 trung tâm dự phòng thảm họa ở cách xa trụ sở chính. Toàn bộ nhân viên của sở từ khi chớm dịch đã được chia thành các nhóm hoạt động độc lập theo ca kíp. Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước khẳng định, trong mọi tình huống, các sở giao dịch vẫn sẽ luôn đảm bảo giao dịch thông suốt trên thị trường.

Thêm 2.349 ca mới, 10.000 lọ thuốc điều trị Covid-19 về TP.HCM

Sáng 9/8, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.349 ca nhiễm mới tại TP.HCM.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế sẽ chuyển 10.000 lọ thuốc Remdesivir (đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị Covid-19, cho bệnh nhân Covid-19 nặng, thở máy/ECMO…) cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM.

Số còn lại và các lô tiếp theo sẽ tiếp tục được Bộ Y tế phân bổ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP. HCM và các tỉnh phía Nam, nơi đang có nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng. Nếu tình huống các tỉnh khác cần sẽ điều chỉnh sau.

Hiện tại, 50.000 lọ Remdesivir đã về tới Việt Nam. Trong tuần tới sẽ có thêm 100.000 lọ và trong tháng 8 sẽ có tổng cộng 500.000 lọ. Đây là số thuốc do một tập đoàn trong nước gửi tặng Bộ Y tế để phục vụ điều trị khẩn cấp.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, Remdesivir đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép, vì vậy thuốc này được cấp phép trong trường hợp đặc biệt.

Trong ngày 6/8, Bộ Y tế đã đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị, dùng cho những bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng.

Thuốc kháng virus Remdesivir dùng qua đường tiêm truyền, được FDA cấp phép vào tháng 10/2020. Đến nay đã có 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 từ tháng 5/2020, là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.

Kết quả bước đầu cho thấy, dùng Remdesivir giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, giảm tỉ lệ diễn tiến nặng.

img

KTX Đại học Bách khoa TP.HCM (ảnh website trường).

TP.HCM nhận thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca sáng 9/8

Trao đổi với Zing sáng 9/8, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết sáng nay TP.HCM nhận thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca từ Viện Pasteur. Ông Nam cho biết sau khi nhận được lượng vaccine này, thành phố phân bổ cho 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để tiếp tục tiêm chủng cho người dân như kế hoạch.

Sở Y tế TP.HCM cho hay trong ngày 8/8, thành phố đã tiêm cho 187.587 người. Từ 22/7 đến hết 8/8, TP.HCM đã tiêm được 2.295.773 liều vaccine.

Trong khi đó, số vaccine TP.HCM đã nhận từ ngày 22/7 đến nay là hơn 2,59 triệu liều. Với tốc độ tiêm hiện nay, Sở Y tế bày tỏ lo lắng nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vaccine thì đến hết 9/8, TP.HCM sẽ đối diện với tình trạng thiếu vaccine để tiêm diện rộng.

14 sinh viên ở KTX Đại học Bách khoa TP.HCM mắc COVID-19

Chiều tối 8/8, đại diện Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) xác nhận ký túc xá (KTX) của trường ở phường 7, quận 10 đã có 14 sinh viên mắc COVID-19, 28 sinh viên thuộc diện F1…

Theo đó, 14 sinh viên bị mắc COVID-19 đã được đưa đi điều trị tại bệnh viện thu dung TPHCM. 28 sinh viên diện F1 đang thực hiện cách ly tại KTX trong khu vực riêng biệt. KTX cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn tốt nhất cho sinh viên.

Đại diện KTX Bách khoa cho biết, KTX có tổng cộng 278 phòng với diện tích 43 m 2/ phòng, trung bình 3 sinh viên ở cùng một phòng. KTX hiện có 711 sinh viên đang lưu trú, trong số này, có 19 sinh viên người nước ngoài.

Ngoài ra, KTX cũng đã đăng ký với chính quyền địa phương để tiêm vắc xin cho toàn bộ người lưu trú tại đây và địa phương đã có kế hoạch tiêm chủng trong thời gian tới…

img

Liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM ngày 9/8

Thành phố đã có 121.804 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ 30 ngày 8/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 2.002 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy tính từ 18 giờ 30 ngày 7/8 đến 18 giờ 30 ngày 8/8, Thành phố ghi nhận 3.898 trường hợp nhiễm mới.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến nay Thành phố đã có 121.804 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Sau khi khánh thành (ngày 7/8), Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai điều hành tại Bệnh viện Dã chiến 16 (Quận 7, TP.HCM) bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân nặng vào điều trị với những phương pháp và kỹ thuật tiên tiến nhất, như máy thở oxy lưu lượng cao (HFNC), hệ thống monitor theo dõi, máy siêu âm, máy ECMO (tim phổi nhân tạo), máy lọc máu, … Đồng thời thiết lập hệ thống Telehealth để kết nối hội chẩn trực tuyến các ca bệnh nặng.

Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã phát động chiến dịch mang 100.000 phần quà đến với người dân khó khăn vì COVID-19. Đây là sự quan tâm, chia sẻ, động viên để bà con tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn. Qua đó đồng thuận, thực hiện tốt những chủ trương, quyết sách chống dịch của Thành phố. Sáng 8/8, những phần quà hỗ trợ cho người dân từ Bộ Tư lệnh TP.HCM đã chuyển về Ban chỉ huy quân sự các quận huyện, từ đây các phần quà bắt đầu đến tận tay bà con đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Để nhanh chóng kéo giảm số ca mắc, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, Thành phố kêu gọi sự thông cảm và chung tay thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị 16, nhất là thông điệp 5K, tăng cường giãn cách giữa người với người, thực hiện tốt chỉ đạo “ai ở đâu, ở yên đấy” và tham gia tiêm chủng vắc-xin khi đến lượt. Thành phố sẽ cố gắng để chăm lo để ổn định cuộc sống, đảm bảo người dân được điều trị, được tiêm chủng và được đón nhận tình cảm yêu thương.

img

Sở Y tế TP HCM cho biết, tại các bệnh viện của thành phố không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân.

Không có chuyện rút ống thở nhường sản phụ

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc một bác sỹ rút ống thở người nhà nhường cho mẹ con sản phụ, trưa 8/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi kiểm tra, Sở khẳng định thông tin lan truyền với nội dung trên là không có thật.

Trước đó, tối 7/8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này".

Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật. Sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước hành động của bác sĩ Khoa.

Qua kiểm tra, Sở Y tế TP HCM cho biết, tại các bệnh viện của thành phố không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân. Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.

img

TP HCM sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70-80% dân số trên 18 tuổi.

Kỷ lục 1 ngày tiêm 262.471 liều vaccine

Theo thông tin Sở Y tế TP HCM sáng 8/8, trong 262.471 người được tiêm vaccine vào ngày 7/8 có 398 người phản ứng sau tiêm 30 phút, tất cả an toàn. Đây là ngày có số lượt người tiêm vaccine cao nhất, tăng 12.228 lượt so với ngày 6/8.

Như vậy bắt đầu từ đợt 5 (ngày 22/7) đến hết ngày 7/8, TP HCM đã tiêm được 2.108.186 liều. Trong khi đó số vaccine TP HCM đã nhận từ Bộ Y tế tính từ ngày 22/7 đến nay là 2.595.490 liều.

Sở Y tế đánh giá với tốc độ tiêm khá cao hiện nay, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vắc xin thì dự kiến hết ngày mai 9/8 thì TP sẽ đối diện với việc thiếu vaccine tiêm diện rộng như vừa qua.

TP HCM bắt đầu tiêm vaccine đợt 5 vào chiều 22/7 và kết thúc sớm hơn kế hoạch. Hiện đang tiếp tục tiêm nối tiếp vaccine đợt 5, có điều chỉnh đối tượng tiêm là người trên 18 tuổi.

Phát biểu tại cuộc họp trước đó, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh TP HCM đạt mục tiêu tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Do vậy, TP HCM đang tổ chức lại và huy động các nguồn lực phấn đấu tiêm 300.000 liều/ngày.

Trong tháng 8 nếu đảm bảo nguồn cung liên tục, TP HCM sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70-80% dân số trên 18 tuổi.

img

Sở Ngoại vụ đã thống kê được hơn 210.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP HCM mong muốn được tiêm vaccine. Ảnh: THX/TTXVN.

Hơn 210.000 người nước ngoài có nguyện vọng được tiêm vaccine

Sở Ngoại vụ đã có văn bản gửi UBND TP HCM về việc tiêm vaccine cho người nước ngoài trên địa bàn TP. Theo đó, có hơn 210.000 người có nguyện vọng được tiêm vaccine.

Qua số liệu do Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán các nước cung cấp, Sở Ngoại vụ đã thống kê được hơn 210.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP HCM mong muốn được tiêm vaccine.

Theo Sở Ngoại vụ, từ khi dịch bệnh bùng phát tại TP, nhiều nước đã chủ động viện trợ trang thiết bị y tế và vaccine cho Việt Nam, trong đó phần lớn phân bổ về TP HCM.

Ngoài các nước viện trợ trực tiếp như Nhật Bản (3 triệu liều AstraZeneca), Hoa Kỳ (5 triệu liều Moderna), Úc (ngoài 13,5 triệu AUD thông qua cơ chế Covax còn cam kết gửi 1,5 triệu liều AstraZeneca), Anh (415.000 liều vaccine AstraZeneca), nhiều nước khác cũng đóng góp thông qua cơ chế Covax.

Đồng thời, tại nhiều nước trên thế giới, công dân Việt Nam cũng được quan tâm tiêm vaccine như công dân nước sở tại. Một số nước cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm hỗ trợ, tiêm vaccine cho công dân của họ đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Sở Ngoại vụ kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP đồng ý triển khai tiêm vaccine cho người nước ngoài đang học tập và làm việc trên địa bàn TP trong nguồn lực của TP.

Đồng thời, giao Sở Y tế phân bổ nguồn vắc xin và tổ chức thực hiện việc tiêm vaccine cho người nước ngoài sớm nhất có thể.

img

TP.HCM trích từ ngân sách thành phố để chi trả toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì Covid-19, khoảng 17 triệu đồng mỗi trường hợp.

Tập kết tro cốt bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Nhà tang lễ TP.HCM

Bộ Tư lệnh TP.HCM sẽ tập kết tro cốt tại Nhà tang lễ TP, trước khi bàn giao cho Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện.

Trao đổi với Zing ngày 8/8, đại úy Sử Tấn Phi Long, Chính trị viên Đại đội trinh sát đặc nhiệm, Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết một tổ công tác của Bộ Tư lệnh TP đang phụ trách việc vận chuyển tro cốt của người tử vong vì Covid-19 từ khu hỏa thiêu Bình Hưng Hòa về địa phương.

Trước mắt, các hũ tro cốt được tập kết tại Nhà tang lễ TP ở quận Bình Tân và được phân loại để chuyển về từng quận, huyện. Trong lúc chờ đợi lực lượng tại các quận, huyện lên nhận tro cốt, quân đội đã lập bàn thờ để thắp hương cho các vong linh.

"Đã có người dân tìm đến Nhà tang lễ để xin nhận tro cốt nhưng chúng tôi không bàn giao trực tiếp cho người thân mà chỉ bàn giao cho Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện", ông Long nói.

Cùng ngày, đại diện chùa Long Hoa (phường 11, quận 10) cho biết đã tiếp nhận nhiều hũ tro cốt của người tử vong do Covid-19 và tổ chức thờ tự, tụng niệm theo nghi thức Phật giáo. Vị này cho biết nhiều ngôi chùa khác trên địa bàn thành phố cũng bắt đầu tiếp nhận tro cốt.

Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết lãnh đạo thành phố thống nhất một số phương án xử lý cụ thể với những bệnh nhân qua đời do Covid-19.

Ông Nên khẳng định chi phí hậu sự các trường hợp tử vong do Covid-19 sẽ được trích từ ngân sách thành phố. Bộ Tư lệnh TP.HCM sẽ tiếp nhận, thắp hương và chuyển giao các phần tro cốt của bệnh nhân Covid-19 tử vong đến từng gia đình.

Đối với phần tro cốt mà gia đình chưa có điều kiện tiếp nhận, các chùa sẽ tạm lưu giữ, cầu siêu cho đến khi người thân tới nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.