Chuyện dọc đường

Covid-19 và truyền thông

21/02/2020, 06:55

Qua dịch Covid-19, nhiều người càng rõ thêm, "truyền thông tử tế" luôn quan trọng đối với đời sống xã hội.

img
Thông tin virus Corona có thể lây trong không khí từng khiến nhiều người hoảng sợ, mua đồ ăn tích trữ trong nhà để không phải ra đường

Người bạn gửi cho tôi một bài báo nói tôm hùm Phú Yên rớt giá thảm hại, bán có 200.000 đồng một cân vì dịch Covid-19. Người này bức xúc nói nông dân, ngư dân chưa đủ khổ hay sao mà báo chí lại hại thêm họ.

Tôi ngạc nhiên, nhiều người đang giải cứu thanh long, dưa hấu, cam… đâu phải chỉ tôm hùm. Giá rẻ thì nhiều người mua được, hàng cũng bán được. Trong dịch bệnh mọi thứ đều đình trệ, được thế cũng là tốt. Sao lại nói làm hại người nuôi trồng?

Người bạn tôi lý giải, sau khi tung tin giá giảm, thương lái ép giá người nuôi trồng. Hàng đã không bán được, giờ lo lắng khắp nơi hạ giá nên người ta nhắm mắt bán cho thương lái, sợ vài hôm nữa, bán rẻ cũng không ai mua. Truyền thông ghê gớm lắm, ông đừng đùa, người bạn tôi nói.

Kể lại chuyện này để thấy, trong cuộc chiến chống dịch, truyền thông là một mặt trận lớn. Chỉ cần thiếu chính xác sẽ thấy hậu quả khôn lường. Rất may là bài báo kia ngay đó đã được đính chính kịp thời.

Một ví dụ khác, hẳn tất cả còn nhớ là những bài báo đưa tin virus Corona (Covid-19) có thể lây trong không khí. Nhiều người đã hoảng sợ mua đồ ăn tích trữ trong nhà để không phải ra đường. Cũng rất nhanh sau đó, Bộ Y tế đã lên tiếng giải thích và nhiều tờ báo đã thông tin lại để người dân hiểu rõ, có sự nhầm lẫn trong dịch thuật ngữ chuyên ngành.

Đến ngày hôm nay, Việt Nam kiểm soát chưa để phát sinh các ca nhiễm bệnh mới là thành công chung, mà một phần nhờ chiến dịch truyền thông lớn, nhất quán từ Chính phủ đến Bộ Y tế, từ truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử đến mạng xã hội.

Thông tin minh bạch, kịp thời và phủ sóng khắp các kênh khiến người dân tin tưởng và tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh phòng dịch, hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang chống lây nhiễm virus, cho học sinh nghỉ học dài ngày…

Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông, chính quyền cơ sở mỗi ngày phát đi nhiều bản tin cập nhật tình hình dịch bệnh. Nhiều bác sĩ trở thành những tuyên truyền viên trên mạng xã hội. Có lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông địa phương hàng ngày cập nhật tin hữu ích trên trang Facebook cá nhân. Báo chí thì mở hàng loạt chuyên trang, ứng dụng công nghệ để trả lời mọi câu hỏi của độc giả.

Có lẽ thành công của Việt Nam có sức thuyết phục mạnh mẽ khiến Tuyên bố chung hợp tác quốc phòng ASEAN đối phó với dịch bệnh Covid-19 do Việt Nam đề xuất được đồng thuận rất cao tại hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN vừa diễn ra.

Đáng tiếc, khi xảy ra dịch Covid-19, bên cạnh truyền thông tử tế, không ít người đã lan truyền trên mạng xã hội những thông tin gây lo lắng, bất an, thậm chí xuyên tạc để bán hàng trục lợi. Trong đó có cả những “ngôi sao” có ảnh hưởng với công chúng. Vô trách nhiệm với cộng đồng dù là nguyên nhân gì đi nữa: Có thể là chống phá có chủ đích, có thể chỉ do thiếu hiểu biết, câu like, câu view trên mạng xã hội đều phải lên án, nghiêm trị.

Chính quyền với tất cả “công cụ” có trong tay cũng đã vào cuộc nhanh chóng, phát hiện và xử phạt nghiêm khắc, bất kể họ là ai.

Với tất cả sự nỗ lực, trong đó có sự đóng góp lớn của truyền thông, đến thời điểm này có thể nói, người dân đã tin tưởng vào năng lực của Chính phủ trong phòng bệnh; lo ngại về bùng phát dịch bệnh đã được giảm bớt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chống dịch không được chủ quan, lơ là, đồng thời không hoang mang”. Rõ là thế, dịch chưa hết, không được lơ là nhưng dứt khoát không hoang mang thì mới chống chọi tốt được cũng như khắc phục được những tác động to lớn của nó đến đời sống người dân và phát triển kinh tế.

Vai trò của “truyền thông tử tế” tiếp tục phải được phát huy. Qua dịch bệnh nhiều người càng rõ thêm, truyền thông tử tế luôn quan trọng đối với đời sống xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.