Khi ném trúng, lưới sẽ quấn chặt vào mayo, giảm xóc và nan hoa khiến người điều khiển phương tiện không thể chạy được nữa |
Dù phương pháp xử lý vi phạm giao thông này chưa nằm trong luật định, nhưng theo CSGT TP Thanh Hoá, đó là biện pháp hiệu quả nhất từ trước tới nay.
Hàng trăm trường hợp vi phạm “sa lưới”
Từ ngày 12/6, Công an TP Thanh Hóa xây dựng Phương án số 888 về việc huy động lực lượng CSĐT, CSCĐ, dân quân tự vệ phối hợp với CSGT thành lập các tổ hóa trang và công khai để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm nổi cộm về TTATGT, phục vụ cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, đảm bảo ANTT trên địa bàn TP Thanh Hóa. Ngoài huy động về người, các lực lượng được sử dụng công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, gậy cao su, súng bắn đạn cao su và bùi nhùi lưới. Phạm vi xử lý vi phạm cũng được phân rõ tại các ngã ba, ngã tư trên các tuyến: QL1, đại lộ Lê Lợi, Tống Duy Tân, Lê Hoàn, Cao Thắng, Đinh Công Tráng…
"Trong số các trường hợp bị liên ngành chặn bắt, có nhiều đối tượng tàng trữ súng, dao, kiếm, ma túy. Các đối tượng vi phạm trên địa bàn TP Thanh Hóa chiếm tới 70% nằm trong các ổ nhóm ngổ ngáo, đòi nợ thuê... còn lại là ở các vùng lân cận. Để xử lý được các đối tượng “tóc xanh, tóc đỏ” cố tình vi phạm chúng tôi dùng hai phương án: Tạo ách tắc cục bộ tại các điểm giao cắt có đèn tín hiệu để đối tượng vi phạm khó bỏ chạy và nếu đối tượng cố tình len lỏi tẩu thoát thì sẽ ném lưới vào bánh xe”. Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải |
Ngày 20/6, trên tuyến đại lộ Lê Lợi, Tổ liên ngành do Đại úy Trịnh Văn Nam, Đội phó Đội CSGT TP Thanh Hóa làm Tổ trưởng, phát hiện Hoàng Văn Kỳ (SN 1988, ngụ ở phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) điều khiển xe máy không đội MBH. Tổ liên ngành ra tín hiệu dừng xe, nhưng Kỳ bỏ chạy. Lập tức, một chiến sỹ công an mặc thường phục đã cầm lưới ném vào bánh sau của xe. Xe mắc lưới, bắt đầu giảm tốc độ và dừng lại thì lực lượng công an bắt giữ. Qua kiểm tra, đối tượng này còn mang theo một khẩu súng ngắn tự chế.
Ngày 21/6, Tổ liên ngành tiếp tục “quăng lưới” bắt gọn hai đối tượng Hoàng Tuấn Anh (SN 1992, ngụ ở TP Thanh Hóa) và Bùi Văn Nam (SN 1998, ngụ Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đi xe máy không đội MBH, tàng trữ một khẩu súng dạng Colt tự chế, cùng 5 viên đạn.
Nhiều trường hợp, sau khi lực lượng thường phục điện báo qua bộ đàm có phương tiện vi phạm, lực lượng công khai sẽ đón lõng tại các chốt đèn tín hiệu giao thông để dừng xe. Đối với những đối tượng vi phạm giao thông công khai đầu trần, rú ga, tìm cách len lỏi trong đám đông hòng trốn thoát, lực lượng cảnh sát sẽ ném lưới vào bánh xe ở vị trí may ơ khiến chiếc xe dần dần dừng lại. Sau đó, lực lượng CSGT tiến đến đưa xe vào vỉa hè, lập biên bản đưa về kho chứa.
Theo thống kê của Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa, từ ngày 13-26/6, Tổ liên ngành đã xử lý lập biên bản đối với 499 trường hợp vi phạm giao thông, an ninh trật tự, trong đó có khoảng 50 trường hợp phải dùng bùi nhùi chặn xe.
“Phá luật” để đạt hiệu quả
Được biết, phương án quăng lưới đánh cá bắt người vi phạm giao thông được lực lượng CGST TP Thanh Hóa triển khai từ cuối năm 2011. Biện pháp này ngay lập tức đã đạt được kết quả khi trấn áp, giải tán được nhiều nhóm đua xe trái phép, các đối tượng vi phạm giao thông cố tình bỏ chạy. Tuy nhiên, biện pháp này cũng vấp phải những phản ứng trái chiều từ quần chúng nhân dân. Đa phần cho rằng: Cách làm đó gây phản cảm và đặc biệt không có trong danh mục công cụ hỗ trợ của ngành Công an nên buộc phải dừng lại.
Đến năm 2013, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Vũ khí, Bộ Quốc phòng chế tạo thành công súng bắn lưới, song khi áp dụng thực tế hiệu quả lại không bằng hình thức cũ. Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội trưởng Đội CGST Công an TP Thanh Hóa cho biết: Hiện, Đội có 16 khẩu súng bắn lưới được Viện Vũ khí thiết kế chế tạo. Tuy nhiên, do mục tiêu di động nên súng khi ngắm bắn thường trật và mất thời gian điều chỉnh tốc độ (súng có thể bắn xa 300m, thấp nhất 5m tùy lượng thuốc đổ vào súng). Còn khi dùng phương pháp thủ công sẽ chủ động hơn rất nhiều, từ cự ly, độ chuẩn…
“Việc sử dụng lưới để chặn những đối tượng chạy xe lạng lách, đánh võng, cố tình vi phạm vẫn an toàn, không gây ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện”, Thiếu tá Hải khẳng định và cho rằng, để luật hóa phương pháp này cần trình lên các cấp có thẩm quyền và được Quốc hội thông qua. Hiện nay cũng chỉ mới có duy nhất Thanh Hóa sử dụng biện pháp này xử lý vi phạm giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận