Từ vụ việc này lộ ra nhiều chiêu trò “rút ruột” than từ các mỏ, vận chuyển từ Quảng Ninh về tích trữ tại Hải Dương.
Một bãi than bị lực lượng chức năng kiểm tra tại TX Kinh Môn
Bí ẩn bãi than “khủng” ở nơi không có mỏ than
Cuối tháng 7/2021, Báo Giao thông đăng bài viết “Hải Dương: Bãi than không phép “bức tử” cầu Mây”, phản ánh tình trạng các bãi than trái phép mọc lên như nấm dọc tuyến sông Kinh Môn tại khu vực gần cầu Mây (nối giữa huyện Kim Thành và TX Kinh Môn).
Theo tìm hiểu của PV, đây là khu vực bến bãi được chính quyền địa phương cho người dân trên địa bàn thuê. Sau đó, người dân tự ý cho thuê lại để kinh doanh, chế biến than.
Cục Thuế Hải Dương cho biết đã có báo cáo gửi Tổng cục Thuế thông tin liên quan đến Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.
Cục Thuế tỉnh Hải Dương khẳng định, Công ty Đông Bắc Hải Dương chỉ là đơn vị kinh doanh thương mại, không có mỏ khai thác, không có bến bãi tập kết hàng hóa, không có phương tiện vận chuyển. Khi bán hàng hóa, công ty không chứng minh được việc giao hàng, phương tiện vận chuyển, từng lần giao nhận vận chuyển. Ước tính, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương ước tính trốn thuế 24,6 tỷ đồng.
Khu vực này không có mỏ than nào, nên việc xuất hiện những bãi than “khủng” ở đây khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Ngày 19/8, hơn 135 cán bộ cảnh sát kinh tế, cơ động và quản lý thị trường đồng loạt khám xét các cơ sở kinh doanh than lậu tại Thái Nguyên và Hải Dương.
Tại Hải Dương, 21 điểm kinh doanh than (bãi than) của các cá nhân, doanh nghiệp nằm dọc tuyến sông Kinh Thầy khu vực gần cầu Mây bị đồng loạt kiểm tra, kết quả đã phát hiện ra hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc.
Khi chủ sở hữu của những bãi than “khủng” lộ diện, dư luận bất ngờ bởi người có liên quan là hai anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.
Đây là hai đại gia sở hữu vườn “Lan var đất Mỏ” nổi tiếng với những cuộc giao dịch lan bạc tỷ.
Trong đó, xôn xao nhất là thương vụ giao dịch lan đột biến Ngọc sơn cước có giá trị lên tới 250 tỷ đồng vào tháng 3/2021. Hình ảnh thương vụ giao dịch được tung lên mạng xã hội với những chồng tiền mệnh giá 500.000 đồng đặt kín bàn, chất cao cả mét dậy sóng dư luận.
Thương vụ mua bán bất thường này đã được Cục Thuế Quảng Ninh và Công an TX Đông Triều đã vào cuộc điều tra, làm rõ.
Tuy nhiên, Thanh đã cung cấp chứng cứ khẳng định cuộc giao dịch ấy là có thật, chỉ có điều số tiền 250 tỷ đồng là để mua 5.000 cây lan giống chứ không phải 1 cây.
Thương vụ này có thoả thuận vườn “Lan var đất Mỏ” phải thực hiện chăm sóc, nuôi trồng các mầm để phát triển thành cây lan đột biến Ngọc sơn cước.
Về nguồn gốc, cây lan đột biến Ngọc sơn cước (cây mẹ), Thanh khai thu mua được của một người dân ven đường trong một lần lên Tây Bắc du lịch, đem về tách chiết mới biết là lan đột biến.
Đây chỉ là một trong những thương vụ giao dịch lan đột biến tiền tỷ của anh em Giang - Thanh. Thời điểm lan var ở đỉnh cao, tài sản ước tính của vườn “Lan var đất Mỏ” lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, Bùi Hữu Giang thường xuyên khoe những tài sản xa xỉ, từ đồng hồ hiệu Rafael Nada RM27-03 giá 30 tỷ đồng; ô tô Rolls Royce trị giá 39 tỷ đồng; siêu xe McLaren 720S độ N-Largo đình đám Việt Nam; biệt thự triệu đô ở TX Đông Triều... Cặp anh em “đại gia” còn có công ty vàng bạc đá quý đặt tại TP Hải Dương; từng trao tặng CLB Bóng đá Quảng Ninh 1 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ chống dịch Covid-19...
Thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng
Từ trái qua: Các đối tượng Châu Thị Mỹ Linh, Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh
Sau nhiều tháng tung hàng trăm trinh sát ăn ngủ tại bãi than, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an đã dần “vạch mặt” đường dây than lậu “khủng” này.
Theo đó, đường dây được hình thành 2 nhánh công ty gia đình. Nhánh thứ nhất của Châu Thị Mỹ Linh (trú ở quận 12, TP.HCM, là Giám đốc Công ty CP Yên Phước) và anh em, họ hàng.
Nhánh thứ 2 là anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang (điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) và người thân.
Việc bắt giữ “bà trùm” Châu Thị Mỹ Linh cũng làm choáng váng nhiều người trong giới đầu tư, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Bởi Mỹ Linh không chỉ điều hành Công ty CP Yên Phước mà còn là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phúc Phúc Yên (thuộc Tập đoàn Phúc Yên Prosper) - doanh nghiệp khá nổi tiếng với nhiều dự án chung cư, biệt thự, nhà phố, như dự án căn hộ Prosper Plaza ở quận 12, TP.HCM.
Công ty CP Yên Phước được thành lập tại Thái Nguyên với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trên giấy tờ vốn điều lệ là 100 tỷ đồng do Mỹ Linh, Ngụy Phúc Yên (chồng của Linh), Ngụy Thị Xuyến (em ông Yên) góp vốn.
Thực tế, các thành viên Công ty Yên Phước chỉ đăng ký, không thực hiện việc góp vốn, nguồn vốn hoạt động của công ty do bà Linh tự bỏ ra, tự thu chi. Bà Linh làm Tổng giám đốc, điều hành chung mọi hoạt động kinh doanh; Ngụy Quang Thuyên (em chồng của bà Linh) trực tiếp điều hành mọi công việc tại mỏ than.
Tương tự, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương thành lập tại Hải Dương, ngoài anh em Thanh - Giang, còn có Bùi Mạnh Cường là lái xe của Vũ Thị Hiếu (vợ Thanh) quản lý chính. Các hoạt động của công ty đều do người thân tín của Thanh - Giang tham gia.
Kết quả điều tra cho thấy, thủ đoạn “rút ruột” mỏ than được hai phía bắt tay nhau cùng thực hiện. Công ty CP Yên Phước được cấp phép khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) với trữ lượng được cấp phép khai thác là 8.500 tấn/năm, thời hạn đến năm 2031 với hơn 136.000 tấn.
Từ năm 2018, khi bắt đầu khai thác than được 1 năm, bà Linh đã “chuyển giao” để hai anh em Giang - Thanh đứng ra khai thác, chế biến, nộp lại phần trăm theo tỉ lệ khai thác than thực tế.
Từ khi được cấp phép, mỏ này đã khai thác hơn 2,5 triệu tấn than nguyên khai, than cám nghiền từ bã sàng và than xít. Tuy nhiên, trên giấy tờ, mỗi năm mỏ này chỉ khai thác 8.500 tấn than theo đúng như giấy phép.
Như vậy, số lượng than khai thác vượt mức cho phép gần 120 lần. Than được nhóm này chuyển về các bãi ở Hải Dương, Quảng Ninh để tiêu thụ đi khắp cả nước.
Với hành vi khai thác than lậu, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường, nhóm Giang, Thanh, Linh và các đồng phạm đã thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng.
Hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản của các bị can còn gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỷ đồng.
Hiện, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 12 bị can về “Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Làm rõ trách nhiệm nhiều tổ chức, cá nhân liên quan
Theo cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03), ngoài những người đã bị bắt, C03 cũng đang điều tra làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác có liên quan đến đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu với quy mô lớn này.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại Thái Nguyên và Hải Dương cũng đang được C03 làm rõ vì để tài nguyên khoáng sản bị khai thác “chui”, tiêu thụ rầm rộ, trốn thuế lớn trong thời gian dài mà không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) nhìn nhận: Vụ án than lậu xảy ra tại Công ty CP Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm thất thoát tài nguyên thiên nhiên, thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
“Trong vụ án này, cần phải xem xét việc buông lỏng quản lý của các ngành chức năng như TN&MT, thuế... của 2 địa phương là Thái Nguyên và Hải Dương”, luật sư Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận