Đến thời điểm này, các cửa khẩu tại Lạng Sơn vẫn đang tiếp tục ùn ứ xe container do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của phía Trung Quốc, khiến hàng loạt nông sản ở ĐBSCL giảm giá mạnh.
Nhờ chủ động thị trường, nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL vẫn xuất khẩu tốt, ngay cả khi cửa khẩu ùn ứ.
Trong khi đại đa số các doanh nghiệp và nông dân đang điêu đứng thì các nhân viên của Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (TP.Cần Thơ) vẫn đang tất bật đi thu mua nông sản. Mỗi năm, Công ty này xuất khẩu từ 100-150 container, tương đương từ 2.000-3.000 tấn trái cây các loại.
Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, hiện nay, doanh nghiệp vẫn có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng cũng đã mở rộng sang nhiều thị trường khó tính, như: Nhật Bản, các nước Tây Âu… Chính vì vậy, khi cửa khẩu ùn tắc, Trung Quốc đóng thông quan, thì doanh nghiệp của ông vẫn bình thản chuẩn bị hàng hóa đưa sang những thị trường khác.
“Mỗi năm, chúng tôi bao tiêu cho nông dân khắp vùng ĐBSCL, với diện tích hơn 1.000 ha trái cây, như: nhãn, sầu riêng, thanh long… dùng cho xuất khẩu. Trái cây được trồng theo tiêu chuẩn cao, đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của thị trường khó tính, kể cả xuất khẩu sang Dubai (UAE).
Nhờ vậy, mỗi khi thị trường này có vấn đề, thì doanh nghiệp chủ động chuyển sang thị trường khác, không lo vấn đề đầu ra”, ông Cung nói. Và ông cho biết thêm, ngay thời điểm này, Công ty đang thu gom nhãn ở xã Định Môn (huyện Thới Lai), chuẩn bị cho đợt xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và châu Âu.
Thu hoạch nông sản ở ĐBSCL.
Ghi nhận tại HTX sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), sau nhiều lần gặp cảnh bấp bênh khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, năm nay, HTX này đã chuyển hướng, tập trung bán ở thị trường nội địa và xuất khẩu cho các đối tác ở Nhật, Hàn Quốc.
Anh Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX cho hay: “Một container khoảng 17, 18 tấn sầu riêng, thêm các chi phí khác, ra đến cửa khẩu Trung Quốc cũng trị giá cả tỷ đồng nên tôi thấy bấp bênh quá. Thị trường Nhật, Hàn Quốc tuy xuất đi không được nhiều nhưng đây là hướng phát triển ổn định, an toàn, và ít có rủi ro”.
Còn ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An (tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, hơn 100 thành viên của hợp tác xã từ 2015 đến nay luôn “sống khoẻ” nhờ xuất khẩu được thanh long sang thị trường Mỹ, Australia, Nhật và châu Âu.
Cần có những giải pháp đồng bộ và căn cơ để giải bài toán lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Phương, trước năm 2015, HTX trồng thanh long để bán cho thị trường Trung Quốc nhưng nhận thấy có nhiều rủi ro. Lúc thông thoáng thì bán được nhưng lúc kẹt biên như hiện này thì lỗ rất nhiều.
“Cuối năm 2014, HTX xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn toàn cầu Global Gap, bao tiêu sản phẩm cho nhà vườn. Từ 2015, bắt đầu xuất được thanh long sang Mỹ, Australia, Nhật và châu Âu. Các thị trường mới luôn có giá cả ổn định, mỗi năm HTX xuất được khoảng 2.000 tấn thanh long. Thu nhập của thành viên HTX nhờ vậy luôn cao hơn so với bên ngoài từ 15 đến 20%”, ông Phương nói.
Nông dân Huỳnh Hoàng Út (67 tuổi, trồng thanh long ở Tiền Giang) chia sẻ: “Các nhà vườn được HTX ký bao tiêu sản phẩm với giá thu mua cao hơn giá thị trường 2.000 - 3.000 đồng/kg. Ví dụ giá thanh long ruột đỏ ở thị trường hiện là 16.000 đồng/kg thì giá thu mua của HTX là 18.000 -19.000 đồng/kg. Khi thị trường thanh long có rớt xuống 1.000 đồng hay 2.000 đồng/kg thì HTX vẫn thu mua thanh long của thành viên hợp tác xã với giá sàn để đảm bảo nhà vườn không lỗ”.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho hay, nhờ chủ động và đa dạng hóa thị trường, đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Cần Thơ vẫn đảm bảo tốt đầu ra. Trong hơn 9 tháng đầu năm, các mặt hàng nông sản và nông sản thực phẩm chế biến đã xuất khẩu ước đạt giá trị hơn 105,55 triệu USD, đạt hơn 98,48% so với cùng kỳ.
Qua rà soát, trên địa bàn Cần Thơ chưa có doanh nghiệp nào có hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn...
Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên nhận định: Trong việc mở hướng đi an toàn, nâng cao giá trị cho mặt hàng nông sản; doanh nghiệp hoặc nông dân đều không thể tự bơi, mà phải có sự kết hợp, sẻ chia lợi ích và cả sự rủi ro. Quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động nắm bắt, và dự báo được thị trường. Ngay cả khi cửa khẩu thông quan bình thường, nhưng thị trường Trung Quốc thu mua nông sản giá thấp, thì chúng tôi sẽ bán cho nơi khác, và ngược lại.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL cho rằng: "Hàng hóa nông sản của chúng ta đang lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Ngay cả đầu vào nông nghiệp như vật tư, phân bón… gần như 90% phải nhập từ Trung quốc để sản xuất, chúng ta phụ thuộc cả đầu vào lẫn đầu ra.
Để giải bài toán này, cần có giải pháp căn cơ với sự vào cuộc của đa ngành, chứ không thể riêng lẻ một địa phương hay từng doanh nghiệp. Đơn cử như doanh nghiệp muốn giữ hàng phải phát triển hệ thống kho lạnh, logistics, rồi nâng cao năng lực chế biến… bởi hàng nông sản không thể để lâu. Những yêu cầu đó đòi hỏi phải có những chính sách tổng thể, đồng bộ, ít nhất cũng không lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Như trong lĩnh vực kinh tế có câu nói rằng: Không nên để tất cả quả trứng vào cùng một rổ".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận