Mỗi dịp Noel, giới trẻ ở TP.HCM đổ về các xóm đạo quận 8, quận Tân Phú… để thưởng thức không khí Giáng sinh và chụp ảnh với đèn hoa, hang đá rực rỡ.
Người dân hẻm 62 đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM hiến đất mở rộng hẻmẢnh: Tự Trung
Ông Nguyễn Văn Quang (70 tuổi), nhà ở đường Dân Tộc (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) rất tự hào về con đường khang trang ở khu phố của mình. Khoảng năm 1996 - 1997, ông và nhiều người đã hiến đất mở đường, từ con đường nhỏ hẹp lên 8m, ô tô lưu thông 2 chiều.
Nhà ông Quang có mặt tiền 15m. Ông đã hiến sâu vào 1,5m suốt chiều dài. “Tấc đất tấc vàng nhưng tôi và những người dân nơi đây hiến xong, Nhà nước làm đường khang trang, đất lại hóa… kim cương”, ông Quang sảng khoái nói.
Ở TP.HCM, Tân Phú là quận có phong trào hiến đất mở đường sớm nhất. Nhờ vậy, các phường Tân Sơn Nhì, Tân Thành, Tân Thới Hòa, Phú Thọ Hòa… đường sá bàn cờ vuông vức, việc làm ăn, đi lại của người dân thuận lợi.
Từ những năm 2020, việc hiến đất mở đường, mở hẻm được TP.HCM phát động thành phong trào. Tính đến giữa năm 2022, toàn TP.HCM có khoảng 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất để mở hẻm, giá trị đất hiến khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
Chị Thanh Phượng, cán bộ Mặt trận Tổ quốc phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức), cho biết: Trong những năm qua, hàng trăm con hẻm ở phường đã được người dân đồng lòng góp đất mở rộng.
“Chính quyền và các đoàn thể tuy cũng có đóng góp lớn trong việc vận động nhưng chính tấm lòng và nhận thức cởi mở của người dân đã giúp chương trình có kết quả”, chị nói.
Bà Lan Hương, Bí thư chi bộ khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú (TP Thủ Đức) cho biết: Các con hẻm 231 có 8 người hiến đất, hẻm 267 có 4 người hiến, hẻm 69 có 3 người hiến, hẻm 71 trên 10 người hiến… Danh sách rất dài!
Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây vướng mắc hiện nay là thủ tục hiến đất còn phiền toái, chưa thật thuận lợi để phát huy cuộc vận động.
Trong buổi giám sát của HĐND TP.HCM về chương trình nhà ở, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng phản ánh: “Người hiến đất phải đến phòng công chứng làm thủ tục cho tặng với rất nhiều loại giấy tờ; rồi lại tốn thời gian, chi phí để thuê dịch vụ đo vẽ, cập nhật trên giấy tờ quyền sử dụng đất, sở hữu nhà…”.
Về việc này, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM ghi nhận và cho rằng còn có sự phiền toái cho người dân.
Hẻm 359 đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM được người dân hiến đất mở hẻm nên đường thông thoáng
Tại buổi giám sát, ông Trần Công Lực, Trưởng phòng Đăng ký đất, Sở Tài nguyên - Môi trường bày tỏ: Sở sẽ có hướng dẫn, thống nhất quy trình, người dân sẽ được hỗ trợ cập nhật tình hình giấy tờ nhà khi làm thủ tục hiến đất.
Cũng theo Sở Tài nguyên - Môi trường, việc hiến đất làm đường, mở hẻm ở TP.HCM hiện có vướng mắc ở thủ tục, nhất là TP Thủ Đức do việc sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức thành đơn vị TP Thủ Đức, nên thủ tục giấy tờ có chậm lại.
Về lâu dài, khi bộ máy hành chính chạy trơn tru, cộng với sự trợ giúp của cơ quan hành chính, thì sẽ sớm tháo gỡ những vướng víu không đáng có.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, sẽ có phương án hỗ trợ các thủ tục này cho thuận lợi, không để người dân có lòng tốt, vì cộng đồng mà phải chịu thêm những phiền phức không đáng có.
TP.HCM là đô thị lớn nhất nước, dân cư đông, giao thông luôn trong tình trạng bức bối. Chỉnh trang đô thị luôn là nhu cầu bức thiết. Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn hẹp, thì cuộc vận động người dân hiến đất mở đường, mở hẻm là chủ trương hợp tình, hợp lý.
Người dân đồng thuận hiến, dù 1m2 đất cũng là rất quý.
Cán bộ chính quyền phải tận lực để người dân làm thủ tục được nhanh chóng, thuận lợi.
Để có thêm đường thông hè thoáng, làm cho cuộc sống được an toàn, hè phố khang trang. Không chỉ chất lượng đời sống mà cả chất lượng đô thị cũng tăng lên.
Còn thờ ơ, cứng nhắc thì khó khơi thông sức dân.
Đặng Đại
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận