Chuyện dọc đường

Cúng sao giải hạn - Sự lừa dối ngọt ngào

15/02/2019, 06:25

Sự tham lam điềm lành, sự sợ hãi và xua đuổi rủi ro và tâm lý hối lộ để nhờ vả đã làm cho mùa lễ hội ngày càng nhuốm màu mê tín và thực dụng.

img
Một buổi phát lộc sau lễ cúng sao giải hạn của chùa Phúc Khánh ngay trên đường dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở . Ảnh: Lê Sơn

Trong đời sống mỗi chúng ta, ai cũng cầu mong điều lành sẽ đến với mình, điều hung hiểm, xui xẻo sẽ tan biến. Nhưng đa phần đều hiểu sự bất lực của mình trước những biến đổi bất trắc của cuộc sống vô thường nên năm mới đến, người người đi lễ chùa chiền, đền miếu, hướng tâm đến các đấng tối cao có nhiều oai lực để mong cầu được hộ trì làm ăn hanh thông và thuận lợi trong cả năm.

Chùa chiền, đền miếu trong dịp khai xuân đều tấp nập các khách thập phương đến lễ bái cầu khấn. Có nơi làm lễ dâng sao giải hạn, người đến làm lễ ngồi tràn ra đường vái vọng cả km. Các nhà quản lý văn hóa thấy dân chúng nô nức lễ bái thì đều lấy làm hãnh diện và tự hào về việc phát triển văn hóa dân gian. Điều tích cực cũng được ghi nhận, nhưng trong bài này chỉ xin được đề cập đến mảng tối của hoạt động tâm linh đại chúng này.

Tôi là người năng đến đền chùa nên thường xuyên gặp cảnh các sư thầy ở chùa, thủ từ trong đền giữa tháng 12 dương lịch đã ngồi cặm cụi ở bàn viết lách từ sáng đến tận tối khuya. Hầu hết đều bận viết sớ dâng sao giải hạn cho đợt lễ Rằm tháng Giêng sau Tết. Thoạt đầu, tôi nhìn các tờ sớ với ánh mắt lo sợ, dè chừng vì sự bí hiểm và huyền hoặc của nó, khi được mượn 1 tờ để xem thì cảm giác dè chừng đó nhanh chóng tan biến và thay vào đó là sự thất vọng. Trong tờ sớ loằng ngoằng toàn chữ tượng hình Trung Quốc, chỉ có mấy dòng ghi tên tuổi các gia chủ bằng tiếng Việt mà thôi.

Do mối thâm tình với sư thầy trụ trì 1 ngôi chùa, tôi mạnh dạn hỏi thẳng về tác dụng của tờ sớ. Sư thầy cười và nói đó chỉ là niềm tin vào tập tục dân gian mà thôi, chứ thầy cũng chẳng tin. Tôi thắc mắc, “nếu vậy sư thầy đừng làm nữa” thì được giải thích rằng, nếu vị ấy/chùa ấy không viết sớ dâng sao, làm lễ dâng sao giải hạn thì con nhang đệ tử của chùa sẽ đi nhờ nơi khác và bỏ chùa không đến nữa.

Hơn nữa, viết sớ cũng mang lại thu nhập cao cho chùa thì tội gì không làm. Hậu quả là người viết sớ chẳng tin vào việc mình làm, còn đại chúng đến chùa thì ai cũng ngập tràn đức tin và sự sùng kính, ùn ùn kéo nhau vào đền chùa để cúng nạp làm lễ dâng sao giải hạn.

Cứ vậy, sự tham lam điềm lành, sự sợ hãi và xua đuổi những rủi ro có thể đến và tâm lý hối lộ để nhờ vả đã làm cho mùa lễ hội hàng năm ngày càng nhuốm màu mê tín và thực dụng.

Đền chùa giờ đây phần nhiều trở thành nơi cổ súy cho tín ngưỡng “fast food”, bỏ qua những giáo lý truyền thống về nhân quả, lễ nghĩa nên hiện tượng kinh doanh phi đạo lý, phi pháp luật như biến thực phẩm bẩn thành sạch, tín dụng đen, tham nhũng lợi ích nhóm, sử dụng ma túy, hành hạ trẻ em... ngày càng trở nên phổ biến. Rất nhiều các vị tu hành giờ đây trở thành thầy cúng, đi gieo rắc luận thuyết rằng, chỉ cần lễ lạt đầy đủ hậu hĩnh là thoát tội, được an vui và vãng sinh về cảnh giới an lành.

Bởi thế, đâu đó trong giới tu hành cũng đã có những tiếng nói phản bác những hủ tục mang nặng màu sắc mê tín dị đoan như: Dâng sao giải hạn, trai đàn chẩn tế, đốt hóa vàng mã số lượng lớn. Họ cũng hướng dẫn cho đại chúng hiểu rằng những nghiệp xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt.

Theo giáo lý nhà Phật, nếu cứ cầu xin quả tốt lành mà không chịu gieo nghiệp thiện, sợ hãi quả xấu, sợ hãi tai họa xảy đến mà không ngừng tay tạo bất thiện nghiệp thì sự cầu xin ấy chỉ là việc hoang tưởng, là trò giả dối ngọt ngào mà chính ta tự tạo ra để lừa chính mình mà thôi.

Mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành, sự an vui và sức khỏe của chúng ta là do chính chúng ta tạo ra chứ không phải do các ngôi sao, do mệnh mạng quyết định.

Hiểu như vậy để đời sống tâm linh và đời sống thường ngày có thể song hành với mỗi người, tạo niềm vui thật sự mỗi khi đến đền chùa để mong cầu an vui.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.