Hạ tầng

Cuối năm 2016, thông toàn tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình

30/03/2016, 06:47

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác toàn tuyến trước 31/12.

9
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiểm tra hiện trường dự án

Thị sát hiện trường dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình hôm qua (29/3), Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu nhà đầu tư, nhà thầu phải huy động thêm máy móc, thiết bị đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác toàn tuyến trước 31/12.

Hơn 6km mặt bằng qua Thủ đô vẫn bất động

Tại hiện trường, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (nhà đầu tư dự án) cho biết: Dự án gồm 12 gói thầu xây lắp chính, hiện 28 mũi thi công đang triển khai tại 10 gói thầu với sản lượng khoảng hơn 350 tỷ đồng, đạt 32%”, ông Bát nói và cho biết, so với yêu cầu, tiến độ đang bị chậm khoảng 2 tháng.

Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 25,7km, tổng mức đầu 2.375 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT do liên danh Tổng Công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư.

Nguyên nhân chậm tiến độ do vướng mắc trong khâu đền bù GPMB của chính quyền hai địa phương nơi dự án đi qua. Đặc biệt, toàn bộ tuyến đi qua địa bàn TP Hà Nội dài 6,37km vẫn “án binh bất động” gần một năm qua khiến các nhà thầu thi công lâm vào cảnh “đói” mặt bằng. Trong khi đó, trên địa phận tỉnh Hoà Bình, các nhà thầu mới nhận bàn giao được 17,7km, còn lại khoảng 1,6km thuộc huyện Kỳ Sơn và TP Hoà Bình, chính quyền địa phương đang “khất” do vướng mắc về công tác tái định cư.

Tiếp nhận thông tin GPMB của nhà đầu tư, ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cam kết: “Với phần mặt bằng của 7 hộ dân ở huyện Kỳ Sơn, chúng tôi cam kết bàn giao trong tháng 4/2016. Còn lại 13 hộ dân thuộc TP Hòa Bình, tỉnh sẽ yêu cầu chính quyền địa phương dùng nhiều biện pháp để giải tỏa, di dời, những hộ nào cố tình chống đối sẽ tiến hành cưỡng chế”. Ông Khánh kiến nghị Bộ GTVT sớm công bố quy hoạch của tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (4 làn xe) làm cơ sở cho chính quyền địa phương quản lý mốc giới, nhằm ngăn chặn các hộ dân lấn chiếm trái phép.

Khai thác trước đoạn qua Hòa Bình

Sau khi thị sát tình hình thi công thực tế và ý kiến của các đơn vị liên quan, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá: “Dự án đã triển khai một năm nhưng phần mặt bằng qua TP Hà Nội vẫn không hề nhúc nhích. Nếu không có giải pháp quyết liệt, chắc chắn tiến độ công trình rất căng”, Thứ trưởng Trường nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Ban QLDA 2 (đại diện cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) phối hợp chặt với nhà đầu tư khẩn trương làm việc với chính quyền địa phương hai huyện Ba Vì và Thạch Thất để kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Ban QLDA 2 phải báo cáo tình hình mặt bằng của dự án theo định kỳ nửa tháng một lần về Bộ GTVT.

“Các đơn vị khẩn trương đưa ra tiến độ khả thi và phải chốt được thời hạn bàn giao mặt bằng để TP Hà Nội coi đây là nhiệm vụ cấp bách. Về phía Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi TP Hà Nội hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng của dự án hoàn thành trước 30/6/2016”, Thứ trưởng Trường nói và cho biết, đối với phần mặt bằng còn vướng mắc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phải cơ bản hoàn thành trước 30/4/2015.

Thứ trưởng Trường yêu cầu nhà đầu tư, nhà thầu thi công phải tăng cường thêm máy móc, thiết bị và nhân lực đẩy nhanh công tác thi công, đưa vào khai thác toàn tuyến trước 31/12/2016. Riêng đoạn qua địa phận Hòa Bình dài 20km các đơn vị phải hoàn thành trước 30/8/2016.

Thống nhất với đề xuất của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về lập quy hoạch cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo tiêu chuẩn 4 làn xe, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo Ban QLDA 2, nhà đầu tư và tư vấn thiết kế triển khai ngay việc cắm mốc quy hoạch tuyến đường để chính quyền địa phương quản lý, tránh tình trạng người dân lấn chiếm trái phép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.