Được Tổng thống Pháp viết lời tựa
Ý tưởng xuất bản cuốn sách "Đường tới Quốc hội của nữ Nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên" được chị ấp ủ từ khi nào?
Từ năm 2017, khi tôi bắt đầu đảm nhiệm vai trò nghị sĩ tại Quốc hội Pháp, đã có rất nhiều người nói với tôi: "Stéphanie, viết sách đi. Hãy kể lại hành trình cô đã đi qua để truyền cảm hứng cho những người khác! Đừng quên cô là nghị sĩ Pháp gốc Á đầu tiên, lại là dân nhập cư đấy!".
Ý tưởng truyền cảm hứng cho thế hệ mới mà họ nói tới thực sự thôi thúc tôi. Có thể nói, việc gia nhập giới chính trị tại Pháp không hề đơn giản. Thông thường, một chính trị gia sẽ đi từ cấp độ địa phương tới quốc gia, qua những bậc nối tiếp nhau, mất hàng chục năm mới bước chân vào Quốc hội.
Tôi may mắn hơn họ khi đã vươn tới vị trí ấy một cách nhanh chóng, hay nói cách khác là gần như ngay tức khắc.
Chị đã làm thế nào để thuyết phục được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết lời tựa cho tác phẩm?
Chính tôi cũng ngỡ ngàng bởi điều này. Khi ra mắt cuốn sách, tôi gửi cho ông Macron đọc. Vài ngày sau, ngài Tổng thống phản hồi: "Stéphanie, tôi sẽ viết lời đề tựa cho cuốn sách của cô". Giây phút ấy, tôi hạnh phúc và hãnh diện.
Trong lời tựa dành cho cuốn sách, Tổng thống Emmanuel Macron nhận xét: "Sinh ra ở Việt Nam, tới Pháp năm 11 tuổi khi không biết tiếng Pháp nhưng Stéphanie Đỗ đã trở thành nghị sĩ Quốc hội của 68 triệu công dân. Cô đã đạt tới vị trí này nhờ lòng ngoan cường, ham muốn thành công và cống hiến vì người khác.
Không gì có thể làm suy chuyển quyết tâm của cô, một quyết tâm giúp cô đánh bại mọi dự đoán. Kể cả nỗi đau buồn khi rời bỏ quê hương đến định cư ở Pháp, vạ vật từ trại tị nạn này qua trại tiếp nhận khác cùng gia đình.
Stéphanie Đỗ đã chứng tỏ bản thân xứng đáng với sự kỳ vọng này. Cô đã nắm bắt mọi cơ hội mà nước Pháp mang đến cho mình và đã đền đáp cho nước Pháp gấp trăm lần...".
Tôi hãnh diện không phải cho bản thân mình, mà còn cho phụ nữ Việt, cho cả những người gốc Á đang vươn lên trên khắp thế giới. Đọc những gì Macron viết, tôi nhận ra ông ấy hiểu những khó khăn tôi đi qua, hiểu cả những nỗ lực và cống hiến tôi dành cho nước Pháp. Từng câu, từng chữ ngài tổng thống viết ra đều đi vào trọng tâm và có sức nặng.
Với một người làm chính trị, không có điều gì mãn nguyện hơn thế. Tôi luôn cho rằng, thành tựu lớn nhất không phải vị trí mình đạt được, mà là người khác nhận định thế nào về con đường mình đã đi qua.
Qua cuốn sách này, chị gửi gắm điều gì cho thế hệ trẻ?
Ngoài ra mắt cuốn sách bằng tiếng Việt ở Việt Nam, tôi sẽ ra mắt cuốn sách bằng tiếng Pháp ở Pháp. Qua cuốn sách, tôi vẽ lại chặng đường đi tới Hạ viện của mình, với những kinh nghiệm bản thân. Tôi mong truyền cho người trẻ niềm cảm hứng để họ thể hiện những giấc mơ trên con đường đời, với tất cả sự khiêm nhường và giản dị.
Là công dân Pháp mang dòng máu Việt, tình yêu của tôi chia đều cả cho Việt Nam và Pháp. Chính vì thế, công việc tôi làm cũng liên quan đến việc thúc đẩy tình hữu nghị hai nước.
Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực ngoại giao khác nhau, với mong muốn đóng góp sức mình cho hoạt động xây dựng quan hệ hai nước sâu sắc và bền vững.
Tự hào về nguồn gốc Việt Nam
Là một nghị sĩ gốc Việt, chị đánh giá như thế nào về vai trò và vị thế của cộng đồng người Việt tại Pháp?
Cộng đồng người Việt tại Pháp có khoảng 300.000 người, là cộng đồng được chính phủ Pháp đánh giá rất cao. Người Việt tại Pháp dạy dỗ con cái, văn hóa truyền thống quê hương rất tốt, làm việc chăm chỉ, cần cù, có nhiều cống hiến cho xã hội Pháp.
Trong các trường học, người Việt học rất giỏi. Người Việt tại Pháp có trình độ học vấn cao. Người Việt sẵn sàng đi làm những công việc vất vả chứ không cần nhờ sự trợ giúp của chính phủ.
Những hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp được nhiều người Pháp đánh giá cao về sự tân tiến: Trình diễn áo dài, văn hóa Việt Nam hay các món ăn đặc sản người Pháp đều yêu thích.
Thời điểm tôi làm nghị sĩ trong quốc hội Pháp thì vị thế của cộng đồng người Việt tại Pháp được nâng lên rất nhiều.
Sống tại Pháp từ nhỏ, dường như trong chị vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa Việt Nam?
Chồng tôi là người Việt. Trong gia đình tôi, tất cả đều nói tiếng Việt. Tôi muốn con tôi không chỉ nói được tiếng Việt mà còn biết viết chữ tiếng Việt. Thế nên 5 tuổi tôi đã cho con học tiếng Việt.
Gia đình tôi ăn đồ Việt Nam mẹ nấu, các dịp Tết, Trung thu đều tổ chức, mời bà con cô bác tới nhà ăn tiệc. Những đứa nhỏ sẽ được mặc áo dài, xếp hàng nhận lì xì. Tôi thích mặc áo dài trong các sự kiện còn vì như một sự khẳng định và tự hào về nguồn gốc Việt của mình.
Ngày trở về Việt Nam, cảm xúc của chị như thế nào?
Năm 2006, lần đâu tiên tôi trở về Việt Nam. Cảm xúc lúc ấy thật hồi hộp, khó tả. Tôi mất 2 tuần để làm quen với cuộc sống ở Việt Nam. Bởi lúc ấy Việt Nam chỉ toàn nhà một tầng, khi tôi trở về đã có những tòa cao ốc, giao thông đông đúc.
Kể từ năm đó, mỗi năm tôi đều về Việt Nam. Khi làm nghị sĩ, tôi còn về Việt Nam trong các chuyến công tác. Mỗi lần về Việt Nam lại thay đổi ngày càng khác. Đường sá giao thông thuận tiện. Nhiều nhà cao ốc hơn. Đời sống người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao. Rất hãnh diện về Việt Nam.
Mỗi lần về tôi thưởng thức rất nhiều món ăn Việt Nam. Tôi thích ăn phở gà, bánh tôm, chả Hà Nội, cơm tấm, bún bò… Đặc biệt, tôi thích ăn ốc ở Việt Nam.
Cảm ơn chị!
Ông nội Stéphanie Đỗ là Đỗ Quang Huê (1914 - 1998), nguyên Chánh án Tòa án Bạc Liêu. Cha của cô là Đỗ Quang Thông, giáo viên tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng (trường THPT Bùi Thị Xuân ngày nay). Mẹ của Stéphanie Đỗ sinh ra tại Hà Nội, là người kinh doanh buôn bán.
Cuốn sách "Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên" gồm 6 chương. Chương đầu tiên giới thiệu về gia đình của tác giả. Chương 2 và 3 là hành trình bắt đầu đến Pháp cũng như khát khao trong học tập để thay đổi cuộc sống, những khó khăn, trở ngại và thành tựu đạt được qua các trường lớp.
Chương 4 và 5 là hành trình chinh phục con đường công chức và bước vào chiến dịch để trở thành nghị sĩ. Chương 6 kể về quá trình trở thành một nghị sĩ từ khi được đề cử đến khi đắc cử nghị sĩ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận