24 năm lập nghiệp ở xã Đắk Sin (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), cựu chiến binh Huỳnh Văn Tùng gắn bó với mảnh Tây Nguyên này như quê hương thứ hai. Khi được chính quyền địa phương vận động hiến đất xây dựng nông thôn mới, ông không ngần ngại chặt phá gần 2ha vườn cà phê đang cho thu hoạch để hiến đất xây trụ sở UBND xã, trường mầm non.
Ngoài ra, ông còn hiến thêm đất, bỏ tiền tỷ ra làm hai con đường nhựa khang trang, sạch đẹp góp phần làm “thay da đổi thịt” vùng quê nơi đây. Là một cựu chiến binh, là đảng viên, ông Tùng luôn quan niệm sống “Cho đi là còn mãi”, làm gương cho con cháu…
Cựu chiến binh Huỳnh Văn Tùng (bên phải) cùng lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Đắk Sin chụp ảnh lưu niệm trên mảnh đất ông Tùng hiến tặng để xây trụ sở và con đường gia đình bỏ tiền túi ra làm. Ảnh: Ngọc Hùng
Hiến đất, bỏ tiền túi làm đường
Giữa cái nắng chói chang của trời Tây Nguyên tháng 3, cựu chiến binh Huỳnh Văn Tùng (ở thôn 4, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) vẫn đang miệt mài cùng đội thi công rải đá để xe lu cho kịp tiến độ thảm nhựa tuyến đường dẫn lên Trường mầm non Hoa Sim đang xây dựng.
Đây là tuyến đường thứ 2 người cựu chiến binh này hiến đất, tự bỏ tiền túi hơn 1,5 tỷ đồng ra làm để kết nối từ đường liên xã lên trường học, UBND xã giúp học sinh, người dân đi lại thuận lợi.
Con đường dẫn thẳng lên trường mầm non được thi công với mặt đường rộng 7m, hai bên lề mỗi bên 1m và rãnh thoát nước. Trước đó, cựu binh Tùng đã hiến đất xây dựng trụ sở UBND xã Đắk Sin, trường mầm non và một tuyến đường dẫn lên UBND xã, tất cả ngót nghét gần 2ha đất.
Ông Tùng kể, năm 2019, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, ông đã cam kết với chính quyền địa phương hiến 2ha đất để xây dựng trụ sở UBND xã Đắk Sin mới và trường mầm non. Khi chính quyền cần mặt bằng thi công, ông Tùng không đắn đo thuê nhân công cắt dọn cà phê, điều của gia đình để bàn giao mặt bằng.
Người cựu chiến binh già chia sẻ: “Xã hội ngày càng phát triển, nhưng quỹ đất xây dựng cho các công trình công cộng, dân sinh ở địa phương còn thiếu, bản thân gia đình tôi có một số diện tích đất nên ngay khi được chính quyền các cấp vận động, tôi đã tự nguyện hiến tặng lại cho địa phương.
Mình bán mảnh đất đấy cũng được, nhưng có tiền rồi cũng sẽ tiêu hết. Thấy các cháu nhỏ có nơi học hành thuận tiện, bà con có lối đi lại an toàn, mình cảm thấy rất vui vì việc làm có ích cho xã hội".
“Tinh thần của người lính nghĩ là làm nhưng để nhận được sự đồng tình trong việc hiến đất, đặc biệt là hiến một diện tích đất lớn phải mất rất nhiều lần thuyết phục gia đình. Khi nghe tôi hiến đất cho địa phương xây trụ sở ủy ban mới, xây dựng trường mẫu giáo, gia đình không ai đồng tình.
Lúc đó, vợ giận không nói chuyện với tôi mất mấy ngày. Sau đó, trong các buổi sum họp gia đình, tôi động viên mãi, “mưa dầm thấm lâu” và cán bộ địa phương cũng tới động viên, giải thích nhiều lần, gia đình đã vui vẻ chấp thuận việc làm của tôi, tạo mọi điều kiện về mặt pháp lý để tôi hoàn thành hồ sơ hiến”, ông Tùng bộc bạch
Tấm gương sáng học tập và làm theo lời Bác
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (vợ ông Tùng) chia sẻ: “Những năm đó, đất đai có giá, người khắp nơi đổ về mua đất, 1ha bán tiền tỷ. Ban đầu, khi nghe tin chồng có ý định hiến đất, tôi và các con từ chối với lý do vườn cà phê, điều của gia đình thời điểm đó rất đẹp và cho năng suất cao. Nhưng sau nhiều lần nghe ông ấy giải thích, thuyết phục, hiểu được việc làm ý nghĩa của ông nên tôi cùng con đã đồng tình”.
Con đường dẫn lên trụ sở UBND xã Đắk Sin được gia đình cựu chiến binh Tùng hiến đất, bỏ tiền túi ra thi công. Ảnh: Ngọc Hùng
Sau khi hiến đất xây UBND xã xong, gia đình ông Tùng hiến tiếp đất xây dựng trường mầm non, làm đường nhiều người nói gia đình tôi bị “khùng” vì ai đi cho không diện tích đất lớn mà không đòi hỏi quyền lợi, nhưng vợ chồng ông chỉ cười cho qua.
“Thấy quỹ đất của địa phương còn ít, mình có nhiều đất vị trí cũng phù hợp nên khi chồng nói hiến đất tôi cũng đắn đo nhưng rồi cũng đồng ý hiến chứ không suy nghĩ hiến đất để được hưởng quyền lợi gì. Ở vùng sâu vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, nhiều gia đình phải đưa con đi học trên con đường đất rất vất vả nhất là vào mùa mưa nên xây trường rồi, gia đình tiếp tục bỏ tiền túi ra làm đường dẫn lên trường để bà con đi lại không bị lầy lội, trơn trượt.
Từ ngày khởi công, gia đình đều xắn tay làm cùng anh em thi công để sớm có con đường, mái trường khang trang cho con trẻ học”, bà Nga chia sẻ thêm.
Theo ông Tùng, để có đủ mặt bằng xây dựng trụ sở UBND xã cũng như làm đường, ông đã tự bỏ tiền mua thêm đất của hộ dân bên cạnh sau đó gộp thửa và hiến cho địa phương. Sau khi tiếp nhận đất từ gia đình ông, chính quyền đã tiến hành xây dựng công trình trụ sở UBND xã mới và vừa đưa vào sử dụng đúng dịp kỉ niệm 30 năm thành lập xã.
Theo chia sẻ của ông Tùng, 24 năm lập nghiệp ở xã Đắk Sin, ngoài làm nông, ông còn kinh doanh vật liệu xây dựng. Kinh tế ổn định, ông muốn đóng góp một phần hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới. Với quan niệm sống “Cho đi là còn mãi”.
Đặc biệt, là đảng viên, cựu chiến binh, ông Tùng cho rằng mình phải làm gương, phải đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào ở địa phương, có như thế người dân mới tin, mới làm theo.
Chính vì thế, dù mảnh đất nằm ngay trục đường chính, mỗi năm đều đem lại một khoản thu nhập đáng kể, nhưng ông và gia đình không mảy may tiếc nuối khi hiến tặng.
Ông Nguyễn Duy Lý (53 tuổi, ngụ thôn 4, xã Đắk Sin) chia sẻ: "Việc làm của vợ chồng ông Tùng được người dân đánh giá rất cao, rất biết ơn. Ở thời buổi tấc đất tấc vàng, không ai dám bỏ ra gần 2ha đất để hiến cho địa phương làm trường, làm đường cả. Chưa kể, ngoài việc hiến đất vợ chồng ông thấy hai con đường đất dẫn lên UBND xã và trường học lầy lội nên tiếp tục bỏ ra gần 2 tỷ đồng để làm đường nhựa để bà con đi lại, trẻ em đến trường được sạch sẽ".
Cũng theo ông Lý, lúc đầu nghe ông bà hiến 2ha đất người dân không tin, nhưng khi thấy ông bà chặt bỏ cà phê nhường đất mới tin đó là sự thật. Việc làm của gia đình ông Tùng là tấm gương sáng, cao cả. Ông bà đã hy sinh lợi ích cá nhân vì việc chung của xã hội. Hành động của gia đình ông đáng để bà con trong xã noi theo, chung tay xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Sin, trong lúc quỹ đất của địa phương hạn chế, việc gia đình ông Tùng tự nguyện hiến đất đã giúp xã rất nhiều trong việc xây dựng trụ sở UBND xã khang trang, kiên cố. Việc hiến tặng đất của gia đình ông Tùng có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao về các chủ trương, chính sách, đồng thời, giúp Nhà nước tiết kiệm được kinh phí trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ.
Đánh giá về việc làm ý nghĩa của cựu chiến binh Tùng, ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Sin nhấn mạnh: “Trong lúc quỹ đất của địa phương còn nhiều hạn chế, việc gia đình ông Tùng tự nguyện hiến đất giúp xã giải tỏa áp lực hoàn thành nông thôn mới về các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở. Việc hiến tặng đất rất có ý nghĩa, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao về các chủ trương, chính sách. Đồng thời, giúp Nhà nước tiết kiệm được kinh phí trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ”.
“Ông Tùng là một trong những cá nhân điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Tùng cũng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông gắn bó gần 30 năm ở mảnh đất này với những đóng góp của ông được nhân dân biết và trân quý. Những nghĩa cử của ông Tùng luôn được Đảng ủy cũng như UBND xã tuyên truyền với mong muốn có thêm nhiều tấm lòng cùng đứng ra đóng góp, xây dựng quê hương”, ông Ngọc bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận