Cuối năm 2019, thị trường bán lẻ xôn xao trước thông tin Tập đoàn danh tiếng Aeon Mall quyết định đầu tư trung tâm thương mại Aeon thứ 7 ở Việt Nam tại Hoàng Mai, Hà Nội.
Ít ai ngờ, người trải thảm đón “ông lớn” đến từ Nhật Bản này là một cựu binh từng mất đi một phần chân trái ở đại ngàn Trường Sơn - ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chế tạo và Dịch vụ tổng hợp 27/7.
Công ty 27/7 ký kết hợp tác cùng đầu tư dự án Đại siêu thị Aeon Mall Hoàng Mai
“Nghề bốc vác giúp tôi thay đổi cuộc đời”
Hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê nhà Gia Lộc, Hải Dương từ đầu những năm 80 sau 7 năm quân ngũ với một bên chân giả, chàng thương binh 24 tuổi Nguyễn Văn Quỳnh không cam chịu cuộc sống nghèo khổ. Anh quyết định rời quê lên Hà Nội với mong muốn trở thành một thương nhân, dù trong tay chỉ là hai bàn tay trắng.
Ông Quỳnh kể, để thực hiện được ước mơ, ông đã phải vật vờ khắp các vỉa hè, con hẻm, ngóc ngách của Hà Nội, làm rất nhiều việc, trong đó công việc cho ông nhiều bài học nhất là bốc vác.
“Nghề bốc vác giúp tôi thay đổi cuộc đời”, ông Quỳnh nói và bày tỏ, ngay khi chọn việc này, ông đã có suy nghĩ đây là cơ hội học hỏi chứ không phải chỉ để kiếm tiền tích góp.
“Nhờ bôn ba khắp nơi và tinh thần làm việc “đáng 1, giúp 10”, tôi được nhiều người quý mến. Sau 2 năm lăn lộn, một trong số những chủ hàng đã nhận dẫn dắt tôi tiếp cận việc kinh doanh, buôn bán. Từ lúc đó, tôi bắt đầu theo đuổi mục tiêu”, ông Quỳnh nói.
Sau 8 năm, ông đã tích góp được nhiều kiến thức, vốn liếng. Quan trọng hơn, ông đã thể hiện sự chịu thương chịu khó, sáng tạo khi nghĩ ra những cách làm việc hiệu quả. Ông được nhiều công ty thuê quản lý dự án, điều hành công việc.
Cứ thế, 15 năm sau, bước ngoặt lớn nhất giúp ông Quỳnh có được ngày hôm nay là cái duyên về với Tập đoàn Hoàng Hà vào năm 1992, một trong những tập đoàn xây dựng lớn hiện nay.
Những ngày đầu vào Tập đoàn, ông đảm nhiệm vai trò Phó ban tài chính. Nhờ khả năng điều hành xuất sắc, đúng một năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc rồi đến năm thứ hai trở thành Phó tổng giám đốc thường trực, gần như điều hành toàn bộ công việc của tập đoàn.
Theo ông Quỳnh, đây là thời điểm “chín” nhất của ông về năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Bước ngoặt táo bạo
Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc công ty 27/7
Mặc dù vậy, ông Quỳnh vẫn quyết định theo học Đại học Thương mại, rồi học lên thạc sỹ để đáp ứng đòi hỏi của công việc.
Những tưởng ông đã “yên ấm” với vị trí mang lại mức lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng khi ấy, nhưng rồi một điều đặc biệt khiến ông Quỳnh đã đưa ra “quyết định táo bạo” vào năm 2012.
Ông Quỳnh kể, những ngày làm việc ở Tập đoàn Hoàng Hà, thương cảm với những anh em thương binh cùng cảnh ngộ, ông đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ được làm việc, cống hiến.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều anh em khác đến xin việc khiến ông trăn trở làm sao để họ có được một cuộc sống ổn định.
Theo thông tin tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon, hiện Tập đoàn Aeon Mall vận hành 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam, trong đó có 2 dự án tại Hà Nội, Aeon Mall Hoàng Mai sẽ là dự án thứ ba. Tập đoàn Aeon Mall Nhật Bản chủ trương triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam đến năm 2025, trong đó tại Hà Nội sẽ có thêm 3 - 4 dự án.
Aeon bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014 và tính đến nay đã bỏ ra đầu tư 1,18 tỷ USD.
“Từ đó tôi đã tập hợp một số anh em thương binh và thành lập Công ty TNHH Cơ khí chế tạo và Dịch vụ tổng hợp 27/7 (Công ty 27/7), một đồng chí khác làm giám đốc, còn tôi chỉ làm cổ đông sáng lập”, ông Quỳnh chia sẻ.
Theo ông Quỳnh, công ty lúc đầu chỉ có 25 người, vốn vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng, phần lớn công việc phải đẩy từ Hoàng Hà sang, song có những việc nhân sự cũng không đáp ứng được.
Vì thế, không lâu sau đó, ông quyết định nghỉ ở Hoàng Hà và điều hành Công ty 27/7.
Việc đầu tiên khi ông Quỳnh về điều hành công ty là đi thuê lại những khu đất còn bỏ hoang (khoảng 6,5ha), sau đó san lấp mặt bằng để dựng mô hình nhà xưởng, kho và kêu gọi được 53 doanh nghiệp vào đầu tư, thuê đất.
Đồng thời, xây dựng hệ thống các dịch vụ việc làm, liên doanh liên kết các bên để thực hiện tất cả những yêu cầu từ đối tác. Nhờ đó, sang năm thứ 2, công ty đã thu về được khoảng 10 - 15 tỷ đồng mỗi năm.
Đến năm 2015, khi chỉ còn 2 năm là kết thúc thời hạn thuê đất 5 năm, thấy trước những bất lợi, ông Quỳnh đã tính toán và tìm mọi cách để mua lại đất của 200 hộ dân.
Số tiền mua đất lên đến hàng trăm tỷ đồng, ông Quỳnh đã chia cho các cổ đông để họ tìm cách huy động bạn bè, người thân.
Mất 1 năm để thuyết phục “người khổng lồ”
Sau khi mua được 2/3 đất, ông Quỳnh đã nhìn thấy tương lai có thể biến nơi này thành khu trung tâm thương mại và khu công nghiệp lớn.
Không chần chừ, ông đã bắt tay vào lập dự án Dự án bãi đỗ xe và trung tâm thương mại Hoàng Mai, dù biết còn muôn vàn khó khăn.
Để thực hiện được dự án, ông lại tiếp tục huy động thêm vốn từ cổ đông.
Sau 3 năm, ông hoàn tất việc lập dự án, xin chủ trương và đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Khi có đề án, ông tính, nếu mình tự làm sẽ không đủ sức để xây dựng thành một trung tâm tầm cỡ nên quyết định tìm đến đối tác Nhật Bản là Aeon Mall.
Vị cựu binh cho biết, ông và cộng sự phải mất khoảng 1 năm để thuyết phục đối tác Nhật Bản đi đến thống nhất 2 bên cùng nhau lập dự án và ký kết hợp tác để xây dựng dự án Đại siêu thị Aeon Mall Hoàng Mai, với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng. Dự án được chấp thuận đầu tư năm 2019 và dự kiến khởi công vào quý III năm nay.
Kể về những gian truân để thuyết phục nhà đầu tư, ông Quỳnh cho hay, đây là việc khó khăn bởi dự án lớn, lượng tiền bỏ ra lớn.
Đặc biệt khi đối tác là doanh nghiệp tầm cỡ, bài bản trong khi công ty của ông còn nhỏ bé, nhân viên 100% là thương binh, cựu chiến binh, đa phần không đầy đủ kiến thức và sức khỏe.
Một trong những điều kiện để “bắt tay” là phía Nhật Bản yêu cầu công ty phải chứng minh việc tuân thủ tất cả luật liên quan đến doanh nghiệp và thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nghiêm túc.
“Điểm mấu chốt và gây ấn tượng nhất để họ chọn chính là người đứng đầu doanh nghiệp. Tôi đã nỗ lực thuyết trình về năng lực bản thân.
Tôi phải thuê 4 người có địa vị xã hội, có kinh nghiệm dày dặn làm cố vấn, trả lương hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, ông Quỳnh nói và rút ra bài học: “Làm ăn không có gì sớm, không có gì muộn, mà phụ thuộc vào bản lĩnh người đứng đầu”.
Bà Lê Dung, thành viên sáng lập Trường đào tạo doanh nhân PTI, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup - đơn vị mời ông Nguyễn Văn Quỳnh làm cố vấn, chuyên gia đào tạo cho biết, bà đã đồng hành cùng ông Quỳnh hơn 10 năm nay (từ năm 2009) và khẳng định ông là một “người anh lớn” trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
“Những người không biết mặt cũng nhớ đến cái tên “doanh nhân thương binh Nguyễn Văn Quỳnh” và tôi chọn ông làm cố vấn, chuyên gia đào tạo ở công ty tôi vì lẽ đó.
Các buổi đào tạo có tên anh Quỳnh đều được nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tham gia. Họ chăm chú nghe giống như được tiếp thêm sức mạnh từ nghị lực của người cựu binh này.
Anh là người nói được, làm được, rành mạch về tài chính… đó là “chất” giúp anh ấy luôn được đánh giá cao, dù đã không còn ở cương vị lãnh đạo tập đoàn lớn”, bà Dung cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận