Trong những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021), chúng tôi tìm đến thăm cựu chiến binh Phạm Đức Hiểu ở tổ 2, phường Quang Trung, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Vây quanh ông là bao thứ giấy tờ và một tập dầy cộp ghi danh sách các anh hùng liệt sĩ; trong đó chi chít nét chữ của ông, nào là liệt sĩ này đã xác định được thông tin, liệt sĩ kia đã xác định được phần mộ an táng ở đâu, một số liệt sĩ thì đã được đưa về quê nhà an táng…
Cựu chiến binh Phạm Đức Hiểu (người hàng đầu, phía bên trái) cùng đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ từ Nghĩa trang liệt sĩ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai về quê nhà
Còn sức còn đi tìm đồng đội đã khuất, đưa về quê nhà
Trò chuyện về quá trình đi tìm mộ liệt sĩ của mình, ông Phạm Đức Hiểu nói với chúng tôi nhưng cũng như tâm sự với người đã khuất: Chừng nào còn sức khỏe tôi còn tham gia tìm kiếm các đồng chí, đồng đội còn nằm đâu đó rải rác khắp các chiến trường.
"Các anh đã dũng cảm chiến đấu và để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường ác liệt để cho chúng ta có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Bằng trách nhiệm, tình cảm của một người lính đối với những đồng đội đã khuất, với thân nhân liệt sĩ, tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình này tới khi nào không thể được nữa thì thôi", ông Hiểu trải lòng.
Với tâm tư, tình cảm ấy, nhiều năm qua, ông không quản khó khăn, đi khắp nơi từ Nam ra Bắc hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin, kết nối làm thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Mỗi lần giúp đỡ hỗ trợ đưa được một hài cốt liệt sĩ về quê nhà ông cảm thấy thêm nhẹ lòng.
Ông Phạm Đức Hiểu nhập ngũ tháng 12/1971 vào Trung đoàn xe tăng 201. Quá trình chiến đấu, công tác, ông từng qua nhiều đơn vị khác nhau. Sau ông về công tác tại Tiểu đoàn 867, Lữ đoàn 126 Hải quân.
Năm 1978-1979, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Tháng 5/1979, đơn vị ông chuyển ra Bắc. Công tác đến tháng 2/1982, ông về mất sức với chế độ bệnh binh loại 2.
Qua nhiều đơn vị, cương vị công tác, ông luôn nỗ lực phấn đấu, giữ vững niềm tin và phẩm chất người quân nhân cách mạng cả trong thời chiến và thời bình.
Ông Hiểu cho biết: Hoàn thành nghĩa vụ về địa phương, cùng với việc tham gia phát triển kinh tế gia đình, trong tôi luôn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm thông tin về những người đồng chí, đồng đội hy sinh trên khắp các chiến trường.
Công cuộc tìm kiếm liệt sĩ của ông bắt đầu từ năm 1999 cùng với một người đồng đội đi tận tỉnh Tây Ninh (giáp Campuchia). Dù rất nhiều khó khăn vất vả nhưng ông và đồng đội vượt nhiều cung đường bôn ba trên khắp các chiến trường năm xưa để tìm kiếm đồng đội còn nằm đâu đó.
Năm 2012, ông đã cùng với các cựu chiến binh Hải quân tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo Phú Quốc trở về quê nhà; cung cấp thông tin giúp 2 gia đình tìm được mộ liệt sĩ ở TP. Hồ Chí Minh.
Từ 2015-2020, ông đã phối hợp giúp đỡ 8 gia đình đưa được hài cốt liệt sĩ từ Phú Quốc về quê ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội…; kết nối với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được 29 gia đình tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ.
Giữ mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"
Trong số các gia đình được ông giúp đỡ, có trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ông đã bỏ tiền túi ra hỗ trợ; rồi kết nối với một số đơn vị trong và ngoài quân đội hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, giúp cho nơi thờ tự liệt sĩ được đàng hoàng, kiên cố. Đã có 10 gia đình được ông cùng các tổ chức kết nối, vận động hỗ trợ xây, sửa nhà ở, ổn định cuộc sống.
Ông luôn tự nhủ việc mình làm rất nhỏ bé so với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Vì vậy, hiện ông vẫn duy trì công việc tìm kiếm và là thành viên tích cực của Hội Hỗ trợ liệt sĩ Việt Nam.
Hằng năm, ông Phạm Đức Hiểu còn trực tiếp vận động hỗ trợ và gửi quà cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa mỗi dịp Tết nguyên đán, góp phần động viên họ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Dù tuổi đã cao nhưng với nhiệt huyết của mình, cựu chiến binh Phạm Đức Hiểu vẫn không ngừng nghỉ làm những việc có ích cho đời. Những việc làm ý nghĩa trên của ông Hiểu đã và đang tiếp nối mạch nguồn truyền thống cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận