Pháp đình

Cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng khai nhận cho vay vì thấy tiền nhàn rỗi

19/09/2019, 14:30

Ông Hồng khai nhận, không thấy có báo cáo là ALC II làm ăn yếu kém và đã thấy 11 hợp đồng cho vay từ trước khi ông về BHXH Việt Nam.

img
Cựu Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Bạch Hồng đứng trước vành móng ngựa

Sáng 19/9, là ngày thứ hai xét xử sơ thẩm xử vụ án gây thất thoát 1.700 tỷ đồng tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Có 6 bị cáo phải hầu toàn, trong đó 5 bị cáo nguyên là cán bộ của BHXH Việt Nam phải hầu tòa về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3, Điều 165, BLHS 1999) gồm Lê Bạch Hồng (cựu Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH, cựu Tổng giám đốc); Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng giám đốc); Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp); Hoàng Hà (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) và Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính). Bị cáo Trần Thanh Thủy (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285, Bộ luật Hình sự 1999.

Tại ngày thứ hai của phiên sơ thẩm, bị cáo Hoàng Hà xác nhận là người soạn thảo hợp đồng cho vay đối với ALC II, nhưng "bị cáo không cố ý vì BHXH không có quy trình nào quy định đối tượng cho vay".

Bị cáo Lê Bạch Hồng vốn học Đại học Bách khoa, sau đó về Bộ LĐ, TB&XH công tác về lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, chính sách người có công và đào tạo nghề. Cựu Thứ trưởng này khai nhận, thấy tiền tồn đọng là lãng phí tiền của Nhà nước nên cho vay và cho rằng đó là đúng với nhiệm vụ của mình.

img
Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa

"Khi phát hiện thư bảo lãnh thứ ba và đã hủy 2 thư bảo lãnh trước, tôi đã làm việc với Agribank và Agribank khẳng định sẽ có trách nhiệm trả nợ cho BHXH và không chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh của mình. Ngân hàng gửi mấy công văn khẳng định sẽ chịu trách nhiệm và thực tế họ đã trả 200 tỷ đồng. Họ đồng ý trả tiếp và hứa là sẽ trả, có điều ít một, mỗi lần trả khoảng năm, ba tỷ đồng", ông Hồng nói.

Ngoài các ngân hàng thương mại, có nhiều đối tượng gần giống như ALC II. Từ năm 2010 - 2015, BHXH thiệt hại 173 tỷ đồng nhưng mang về 51.000 tỷ đồng tiền lãi vay.

Theo bị cáo Lê Bạch Hồng, nếu không cho vay thì Nhà nước mỗi ngày mất vài tỷ đồng. "Nên tôi nghĩ mình phải làm tăng quỹ BHXH. Việc cho vay theo bảo lãnh của Agribank nên tôi thấy yên tâm mình làm như vậy là có lợi cho Nhà nước. Tôi nghĩ mình đã sử dụng tiền nhàn rỗi để nâng cao hiệu quả của BHXH. Tôi tin tưởng vì có thư bảo lãnh do Tổng giám đốc Agribank ký, bây giờ ngân hàng lại chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh. Khi ALC II phá sản, tôi đã làm việc với Tổng giám đốc Agribank và được cam kết sẽ trả nợ", ông Hồng nói.

Ông Lê Bạch Hồng và các bị cáo bị xét xử nằm trong giai đoạn điều tra giai đoạn 2 vụ án Vũ Quốc Hảo (Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II - ALC II) và đồng phạm.

Theo cáo trạng, pháp luật không cho phép ALCII vay vốn của BHXH Việt Nam, song do nhu cầu về vốn để kinh doanh ông Vũ Quốc Hảo gặp ông Ban, Tường đặt vấn đề và được đồng ý.

Từ tháng 3/2008 - 8/2009, ông Tường cùng Vỹ, Hà lập 14 tờ trình đề nghị ông Hồng và ông Ban cho Công ty ALC II vay vốn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và được phê duyệt.

Từ tháng 4/2008 - 8/2009, BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho ALCII vay tổng số hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Ban trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho vay, tổng số 630 tỷ đồng, không dựa trên cơ sở quy định của pháp luật. Ông Hồng trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho vay, tổng số tiền 380 tỷ đồng.

Sau khi thanh toán được một hợp đồng (200 tỷ đồng), ALC II không thanh toán lãi hàng tháng, không trả tiền gốc khi đến hạn. Cuối tháng 12/2015, số nợ cả gốc và lãi của ALC II đối với BHXH Việt Nam đã lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Ngày 31/7/2018, TAND Tp. HCM tuyên bố ALC II phá sản. Tính đến nay, số nợ của ALC II là hơn 1.700 tỷ đồng và không có khả năng trả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.