Bác sỹ Lâm khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Hội Chữ thập đỏ TP Hải Phòng |
Cứu trợ hàng nghìn nạn nhân TNGT mỗi năm
Nằm sát QL5 thuộc địa bàn phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, từ năm 1998 tới nay, Phòng khám đa khoa Chữ thập đỏ Quán Toan đã trở thành địa chỉ quen thuộc để người dân, người tham gia giao thông và lực lượng chức năng thấy có TNGT là tìm đến báo tin. Thành lập từ năm 1998 với mô hình trạm sơ cấp cứu, tới năm 2006, địa chỉ này được nâng cấp lên thành phòng khám đa khoa, có y, bác sỹ trực 24/24h sẵn sàng sơ cấp cứu tại chỗ và vận chuyển các trường hợp TNGT khi cần.
Năm 2017, các cấp Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng đã tổ chức 50 lớp tập huấn sơ cấp cứu tải thương gắn với tuyên truyền ATGT cho 1.500 cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và công nhân đang làm việc ở khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Năm 2018, Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng sẽ tiếp tục kết hợp với Hội Otofun Hải Phòng mở các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức, hướng dẫn sơ cấp cứu nạn nhân TNGT cho các hội viên. |
Bác sỹ Đỗ Tuấn Lâm, Trưởng Phòng khám đa khoa Chữ thập đỏ Quán Toan cho biết, có đến 90-95% ca TNGT xảy ra trong bán kính 5km quanh khu vực Quán Toan được sơ, cấp cứu tại phòng khám. Lực lượng CSGT trên địa bàn mỗi khi tuần tra, phát hiện TNGT đều đưa nạn nhân vào phòng khám cấp cứu. Nhiều trường hợp bị TNGT được tình nguyện viên, cán bộ Hội Chữ thập đỏ xử lý, sơ cứu tại chỗ, sau đó được chuyển lên tuyến trên hợp lý, đúng cách. Các trường hợp bị TNGT được sơ cấp cứu kịp thời vào “thời gian vàng” nên tránh được tử vong và hạn chế gia tăng tổn thương do tai nạn gây ra..
Nhờ phòng khám, nhiều người gặp TNGT may mắn qua cơn nguy kịch, thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Bác sỹ Lâm kể: Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2017, tại khu vực ngã tư Long Thành, có hai bố con chở nhau đi thi về trên QL5 nhưng đi ngược chiều, sau đó thì xảy ra va chạm với xe ôtô. Hậu quả, người bố tử vong tại chỗ, còn cô con gái bị thương nặng trong tình trạng nguy kịch. “Nhận được tin báo, tôi cùng các y, bác sỹ của phòng khám đã nhanh chóng đến hiện trường đưa cháu gái đi cấp cứu. Do được cứu chữa kịp thời nên cháu gái đã qua cơn nguy kịch, tính mạng được bảo toàn”, bác sỹ Lâm thông tin.
Ông Bùi Mạnh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng, thành viên Ban ATGT TP Hải Phòng cho biết, trong năm 2017 các trạm, điểm sơ cấp cứu, các Phòng khám đa khoa Chữ thập đỏ trực thuộc Thành Hội đã thực hiện sơ cấp cứu cho 1.500 ca cấp cứu và vận chuyển nạn nhân lên tuyến trên, đồng thời phối hợp với ngành y tế cơ sở tổ chức tuyên tuyền, hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu cho nhân dân địa phương, nhất là các lái xe ôm trên địa bàn.
Hành động để giảm hậu quả TNGT
Năm 2018, Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng đưa vào tiêu chí thi đua là mỗi quận, huyện phát triển thêm từ 1 - 2 chốt, điểm sơ cấp cứu. Trong đó Thành Hội tập trung phấn đấu cả thành phố sẽ có thêm 6 chốt, điểm mới; đặc biệt là các địa phương trên tuyến QL10 như: Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo nhằm giảm bớt tỉ lệ gia tăng tổn thương, tử vong do TNGT trên tuyến đường huyết mạch quan trọng này.
Ông Bùi Mạnh Phúc cho biết, năm 2018, hội tiếp tục kêu gọi, vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân để trang bị bổ sung cơ sở vật chất (tủ thuốc, cáng nẹp, dụng cụ y tế…) cho các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ hiện có trong cộng đồng nhằm củng cố nâng cấp cho các trạm, điểm sơ cấp cứu có điều kiện tốt để hoạt động; tiếp tục phát triển thêm nhiều điểm cấp cứu mới tại các khu vực hay xảy ra TNGT nhằm chủ động sơ cấp cứu kịp thời nạn nhân TNGT. Đồng thời, phối hợp với Ban ATGT thành phố tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu TNGT cho cộng đồng.
Bác sỹ Đỗ Tuấn Lâm chia sẻ thêm: Bên cạnh công tác sơ cấp cứu, vận chuyển lên tuyến trên, Phòng khám còn đảm nhận công việc tuyên truyền, dạy kỹ năng sơ cấp cứu miễn phí cho hàng nghìn công nhân tại các công ty ở các khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp Nomura. Phòng khám phối hợp với lãnh đạo khu công nghiệp, các công ty tổ chức các lớp tập huấn về sơ cấp cứu TNGT, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt… cho công nhân và giúp thành lập các đội sơ cấp cứu tại các công ty trong khu công nghiệp.
“Hiện tại, trong các điểm, trạm chốt sơ cấp cứu thì duy nhất phòng khám đa khoa Chữ thập đỏ Quán Toan có phương tiện vận chuyển nạn nhân bị TNGT lên tuyến trên là chiếc xe cứu thương được sử dụng từ năm 1998 đến nay đã sắp hết hạn đăng kiểm. Đây là chiếc xe quan trọng khi các trạm y tế xung quanh đều nhờ để chuyển người bệnh lên tuyến trên mỗi lần có những ca nguy kịch”, ông Lâm băn khoăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận