Sáng sớm 7/1, giờ địa phương, Nghị sĩ đảng Cộng hoà Kevin McCarthy, 57 tuổi cuối cùng đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 15 vòng bỏ phiếu được đánh giá là “dở khóc dở cười”. Ảnh - Reuters |
Nói vậy là vì đến những vòng bỏ phiếu cuối cùng, ông McCarthy vẫn bị thua chỉ vì thiếu 1-2 phiếu do phe bảo thủ trong Đảng Cộng hoà nhất quyết gây cản trở. Chẳng hạn, trong vòng bỏ phiếu thứ 12, ông McCarthy đã giành được 213 phiếu ủng hộ, thiếu 4 phiếu so với quy định. Tại vòng bỏ phiếu thứ 13, ông tiếp tục giành thêm được 1 phiếu ủng hộ, lên 214 phiếu nhưng vẫn chưa đủ. Và sau khi vòng thứ 14 vừa kết thúc, vị chính khách này đã nhận được 216 phiếu ủng hộ, chỉ thiếu đúng 1 phiếu nữa để trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Việc Nghị sĩ Matt Gaetz quyết không bỏ phiếu cho ông McCarthy trong cuộc bỏ phiếu diễn ra giữa đêm đã gây bức xúc và ẩu đả, đến mức Nghị sĩ Mike Rogers phải bị kéo ra ngoài. Trong ảnh, các Nghị sĩ đảng Cộng hoà vỡ oà vui mừng khi ông McCarthy giành chiến thắng. Ảnh - Reuters. |
Thời khắc ông McCarthy cầm chiếc búa Hạ viện là lúc chấm dứt tình trạng rối loạn quốc hội Mỹ sâu sắc nhất trong hơn 160 năm và cũng là lúc Đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden không còn nắm giữ cả hai viện của Quốc hội. Ảnh - Reuters |
Phát biểu nhậm chức, ông McCarthy cho biết: "Hệ thống của chúng ta được xây dựng dựa trên sự kiểm tra, giám sát và cân bằng. Đã đến lúc chúng ta phải kiểm tra và cân bằng đối với các chính sách của Tổng thống”, trong đó sẽ ưu tiên vào các vấn đề như cắt giảm chi tiêu, nhập cư… Ảnh - Reuters |
Ở vị trí Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy hiện có quyền ngăn chặn các chương trình hành động của chính quyền ông Biden, buộc bỏ phiếu cho các ưu tiên của Đảng Cộng hòa về kinh tế, năng lượng và nhập cư, đồng thời tiến hành các cuộc điều tra về ông Biden, chính quyền và gia đình Tổng thống Mỹ. Ảnh - Reuters |
Dù ông McCarthy giành được chiến thắng nhưng sự chật vật trong 15 cuộc bỏ phiếu lần này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy những khó khăn mà Chủ tịch Hạ viện tương lai sẽ phải đối mặt khi lãnh đạo một Quốc hội mà phe Cộng hoà chiếm đa số nhưng rất mỏng manh và phân cực sâu sắc. Ông McCarthy chỉ giành được chiến thắng khi chấp nhận yêu cầu của những người theo đường lối cứng rắn rằng bất kỳ nhà lập pháp nào cũng có thể kêu gọi bãi nhiệm ông bất cứ lúc nào. Đồng nghĩa, ông McCarthy không có nhiều quyền lực khi cần thông qua luật về các vấn đề quan trọng như giải quyết trần nợ công quốc gia, ngân sách chính phủ và các cuộc khủng hoảng khác phát sinh. Sự nhượng bộ kể trên, bao gồm cả việc cắt giảm mạnh chi tiêu và một số hạn chế khác đối với khả năng lãnh đạo của ông McCarthy, có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn nữa trong những tháng tới. Trong ảnh, ông McCarthy để lộ vẻ mặt căng thẳng khi ngồi cạnh trợ lý trong vòng bỏ phiếu thứ 12. Ảnh - Reuters |
Trong thập kỷ qua, Chính phủ Mỹ nhiều lần phải đóng cửa, đẩy Mỹ - quốc gia vay nợ lớn nhất thế giới - đến bờ vực vỡ nợ vì những nỗ lực thực hiện các khoản cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ nhưng không thành công. Một số Nghị sĩ đảng Cộng hoà theo đường lối cứng rắn đã đặt câu hỏi về việc - liệu ông McCarthy có sẵn sàng tham gia vào chính sách “bên miệng hố chiến tranh” khi đàm phán với Tổng thống Joe Biden – vốn thuộc đảng Dân chủ và hiện tại Đảng này cũng đang kiểm soát Thượng viện – hay không. Trước đây, nhóm Nghị sĩ bảo thủ này từng nổi cơn thịnh nộ khi nhóm đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện do ông Mitch McConnell lãnh đạo đồng ý thỏa hiệp với chính quyền ông Biden. Trong ảnh, các nghị sĩ đảng Cộng hoà quỳ gối cầu nguyện trước vòng bỏ phiếu thứ 12. Ảnh - Reuters |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận