Đối với hai sản phẩm hiện đang có khoảng trống pháp lý gồm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT), Bộ Công thương có phương án quản lý thông qua dự thảo sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá, trước khi tạm dừng để chờ bổ sung đánh giá khoa học từ Bộ Y tế.
Trong suốt nhiều năm qua, các sản phẩm này đã lưu hành rộng rãi tại Việt Nam thông qua thị trường chợ tự do với tên gọi chung là thuốc lá mới. Tuy nhiên, xét về mặt bản chất sản phẩm, TLLN không phải là một sản phẩm mới vì cùng sử dụng nguyên liệu thuốc lá giống như thuốc lá điếu truyền thống, mặc dù vẫn có sự khác biệt lớn vì không đốt cháy thuốc lá.
Không tổ chức, quốc gia nào phủ nhận TLLN là thuốc lá
Kể từ khi ra mắt lần đầu tại Ý và Nhật Bản năm 2014, đến nay tất cả mọi cơ quan quốc tế, từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Liên minh Châu Âu (EU), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)… và chính phủ các nước trên toàn cầu đều xác nhận TLLN là thuốc lá.
Tại phiên giải trình do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức đầu tháng 5, ông Tạ Văn Hạ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã nêu thực trạng TLLN, TLĐT hiện đang là chủ đề tranh luận liệu đây có phải là sản phẩm thuốc lá hay không. Theo ông Hạ, đầu tiên, căn cứ quy định của Luật PCTHTL, cơ quan quản lý phải định nghĩa, khẳng định rõ đây là thuốc lá, chứ không phải là loại khác.
Từ kỳ hợp Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 8 (COP8) và kéo dài cho đến COP10 (tháng 2/2024), WHO đã xác định TLLN là thuốc lá và khuyến nghị các nước quản lý theo Luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA Mỹ) phân loại TLLN thuộc nhóm ngành hàng thuốc lá, nhưng ở phân mục "thuốc lá được làm nóng (thay vì đốt cháy)" để phân loại với thuốc lá điếu đốt cháy và tách biệt hoàn với TLĐT.
Đạo luật quản lý sản phẩm thuốc lá của Liên minh châu Âu (EU TPD) năm 2014 đã thiết lập một khuôn khổ trên toàn châu Âu. Điều 19 nhất quán khẳng định TLLN được quản lý như sản phẩm thuốc lá). Điều 20 nêu rõ sản phẩm này hoàn toàn khác biệt với sản phẩm TLĐT.
Tại Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) 2017, Tổ chức Hải Quan quốc tế (WHO) đã thống nhất phân loại điếu thuốc lá đặc chế của TLLN (heatstick) theo nhóm "Sản phẩm thuốc lá khác".
Trong nước, tại một hội thảo năm 2023, đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nhận định: "Đối với TLLN thì chúng tôi khẳng định đó là sản phẩm thuốc lá vì được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá dưới dạng mẩu thuốc, sau đó lắp vào thiết bị để hút. Thay vì đốt cháy điếu thuốc thì thiết bị này sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá".
Như vậy, cho đến nay không quốc gia, tổ chức nào phủ định TLLN không phải là sản phẩm thuốc lá. Do vậy, việc phân tích các yếu tố để xác định TLLN có phải là thuốc lá hay không đang được đề cập hiện nay như việc TLLN sử dụng thiết bị điện tử thay vì bật lửa như thuốc lá điếu, là đang đi ngược lại với những công nhận quốc tế.
Khác biệt giữa TLLN trên toàn cầu và tại Việt Nam
Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu về TLLN từ các tổ chức quốc tế đến chính phủ các nước. Trong đó, có thể kể đến như WHO, FDA, Bộ Y tế Anh, Nhật... đều cùng khẳng định hàm lượng các chất gây hại, bao gồm tác nhân gây ung thư, của TLLN thấp hơn đến 90% so với thuốc lá điếu.
Theo Viện Đánh giá Rủi ro Liên Bang Đức (BfR) công bố: Sự giảm thiểu khoảng 80 - 99% hàm lượng các chất độc hại được xác nhận là một con số đáng kể và đặt tiền đề cho khả năng của TLLN trong giảm thiểu tác động lên sức khỏe.
Năm 2019 các nghiên cứu của FDA cho thấy độc tính của loại TLLN do FDA kiểm nghiệm đã giảm đáng kể so với thuốc lá điếu. Kết quả này được đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học trên cơ thể người dùng khi phơi nhiễm với các chất có hại.
Tại Nhật Bản, năm 2017, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng kết luận: Hàm lượng nitrosamine (gây ung thư) và hàm lượng carbon monoxide (khí độc CO) của TLLN chỉ bằng 1/5 và 1/100 của thuốc lá truyền thống.
Các nghiên cứu được công bố từ các cơ quan quốc tế và chính phủ các nước cho thấy, có sự khác biệt về cơ sở khoa học khi đánh giá tính gây hại của TLLN ở góc độ toàn cầu và trong nước. Tại Việt Nam, sự bùng nổ của thị trường chợ đen dẫn đến việc thông tin bị dẫn dắt sai lệch, có thể tác động đến quyết định của các cơ quan quản lý.
Do vậy, hiện các bộ ngành và ĐBQH cũng đặt vấn đề, liệu Bộ Y tế đã nghiên cứu toàn diện về mức độ độc hại của các sản phẩm này so với thuốc lá điếu đến mức phải cấm hay chưa, trong khi công bố của FDA và các quốc gia có nền khoa học công nghệ cao nêu nhiều sở cứ khoa học chứng minh TLLN không độc hại hơn so với thuốc lá điếu. Các chuyên gia cũng cho rằng không nên tiếp tục bàn cãi về việc TLLN là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành tại Việt Nam.
Việc nghiên cứu toàn diện về TLLN thông qua các dữ liệu cập nhật trên toàn cầu sẽ giúp các cơ quan quản lý có hướng tiếp cận cân bằng, phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận