Bất động sản

Đà Nẵng: Nhiều khu đất “vàng” thành nơi tập kết rác, xà bần

10/10/2024, 06:51

Nhiều lô đất công tại Đà Nẵng chưa sử dụng được địa phương cho các cá nhân, tổ chức thuê tạm. Đáng nói là ở một số nơi, bên thuê đã dùng cho việc tập kết xà bần, rác, hàng hóa… gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên.

Đất "vàng" thành bãi đổ thải

Cuối tháng 9, chính quyền UBND xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bắt quả tang một xe múc đang đào hố, có dấu hiệu chôn lấp rác thải, xà bần (rác thải xây dựng) tại lô đất B2, khu tái định cư số 6 mở rộng, thuộc vệt khai thác quỹ đất đường tỉnh 602.

Đà Nẵng: Nhiều khu đất “vàng” thành nơi tập kết rác, xà bần- Ảnh 1.

Lô đất B2, khu tái định cư số 6 mở rộng tại xã Hòa Sơn bị tập kết, chôn lấp xà bần, rác thải.

Lô đất diện tích khoảng 13.000m2, có 4 mặt tiền, nằm trong khu dân cư đông đúc. Hơn một nửa khu đất này đang tồn tại một xưởng gỗ và một bãi xà bần lớn.

Theo ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, lô đất trên trước đây được quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do dự án chưa triển khai nên một doanh nghiệp thuê tạm để làm nơi tập kết vật liệu.

Đến nay, dân cư tại khu vực này đã đông đúc, các tuyến đường xung quanh được đặt tên nên UBND xã yêu cầu doanh nghiệp thuê đất di dời xà bần và dẹp xưởng gỗ.

Đây chỉ là một trong rất nhiều khu đất công có vị trí đắc địa chưa được quy hoạch mục đích sử dụng hoặc chưa sử dụng đúng mục đích, bị lấn chiếm... trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Lãng phí hàng chục khu đất

Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, trên đường Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu) có 38 lô đất thuộc quản lý nhà nước bị người dân lấn chiếm, sử dụng trái phép. Nổi cộm là 4 sân bóng đá mini với diện tích hàng nghìn m2 xây dựng trái phép. Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ toàn bộ, bàn giao khu đất lại như hiện trạng ban đầu.

Hay như ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) có khoảng 16 khu đất trống với diện tích từ 1.000m2 trở lên nhưng chưa được sử dụng, triển khai các dự án.

Đơn cử, khu đất rộng hàng nghìn m2 tại nút giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Mai Đăng Chơn (phường Hòa Quý) là khu đất có vị trí đắc địa, 4 mặt tiền, thông ra quốc lộ 1A từng bị bỏ trống, biến thành nơi đổ trộm xà bần gây ô nhiễm. Do đó, phường Hòa Quý cho một đơn vị mượn để làm bãi đỗ xe nhằm có người trông coi, tránh nạn tập kết rác thải.

Tuy nhiên, pháp luật về đất đai chưa có bất kỳ chính sách nào về việc cho doanh nghiệp mượn đất. Việc sử dụng đất phải được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục luật định.

Khảo sát tại các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, hiện nay giá cho thuê đất làm kho bãi, kinh doanh dịch vụ khá cao, đặc biệt là các lô đất có vị trí đẹp. Trung bình một lô đất diện tích 200-300m2 tại các địa phương này có mức giá cho thuê từ 15 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/tháng. Với những khu đất có hạ tầng giao thông thuận lợi, giá thuê còn cao hơn.

Dù vậy, đất công khi cho thuê tạm sẽ phải qua đấu giá và nhiều thủ tục khác nên các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa mặn mà.

Ông K, một doanh nghiệp vận tải tại Đà Nẵng cho biết, ông làm thủ tục xin thuê đất để làm bãi đậu đỗ xe ở quận Ngũ Hành Sơn nhưng chưa được. Nếu đấu giá thuê tạm thời hạn 5-10 năm rất khó vì mức giá thuê sẽ bị đẩy lên cao, thu không đủ chi.

Yêu cầu siết chặt quản lý đất công

Tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có 299 dự án, gồm 1.377 khu đất với diện tích hơn 8,2 triệu m2. Trong đó, 165 khu đất chưa được Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng tiếp nhận.

Tại Hội nghị Tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn TP Đà Nẵng mới đây, ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng nhìn nhận, công tác đấu giá giao quyền sử dụng đất và cho thuê quỹ đất ngắn hạn chưa được triển khai tốt (trong thời gian chưa kêu gọi được nhà đầu tư).

Bên cạnh đó, số khu đất chưa sử dụng được rào chắn chỉ chiếm 2% trong tổng số lô đất lớn, chủ yếu ở vị trí quan trọng trong đô thị. Tình trạng lấn chiếm, cho thuê, cho thuê lại trái pháp luật phổ biến, nhiều khu đất trở thành vị trí tập kết rác thải tự phát.

Trước thực trạng đó, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác thống kê, kiểm kê, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy định.

Đối với các dự án chậm tiến độ hoặc chưa được cấp phép đầy đủ, cần có biện pháp khắc phục kịp thời để không gây lãng phí tài nguyên đất đai; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm.

Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, các đơn vị thuộc sở hiện nay đồng thời sử dụng các phần mềm ứng dụng VietLIS, ViLIS và Một cửa điện tử để giải quyết 34 thủ tục hành chính tại Văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh.

Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai này được kết nối chung với hệ thống dữ liệu TN&MT, đang được Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT vận hành. Có khoảng 500 thành viên từ xã phường, đến các sở, ban ngành được cấp tài khoản để phục vụ quản lý, khai thác dữ liệu đất đai.

Hạn chế là các đơn vị, đặc biệt là UBND các quận, huyện, phường, xã chưa tham gia vào quá trình cập nhật, chưa thực hiện tốt công tác cung cấp hồ sơ biến động khu đất, hồ sơ pháp lý để cập nhật kịp thời nhằm làm mới dữ liệu đất đai để quản lý và khai thác hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.