Thiếu thuốc có phần do cơ chế
Tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Đà Nẵng khóa X sáng 13/7, đại biểu Lê Thị Như Hồng (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng) nêu vấn đề về tình trạng thiếu thuốc và cán bộ y tế của Đà Nẵng nghỉ việc thời gian qua. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách để cán bộ ngành y tế yên tâm công tác.
Nhân viên y tế Đà Nẵng làm việc cật lực trong thời điểm bùng phát dịch giữa năm 2021
Thông tin về các vấn đề này, bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng xác nhận, có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế nhưng chỉ là cục bộ ở một số cơ sở khám chữa bệnh.
Theo bà Thủy, nguyên nhân là do việc mua sắm một số thuốc đặc thù của Trung tâm mua sắm tập trung quốc gia chậm so với dự kiến.
Tiếp đó là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, cũng như tình trạng bất ổn trên thế giới dẫn đến khan hiếm hàng hóa, việc chậm gia hạn số đăng ký thuốc cũng như giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế dẫn đến việc một số thuốc đã trúng thầu nhưng chậm cung ứng.
Ngoài ra, một số lý do khác dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ là tỷ lệ bệnh nhân tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó đón nhận điều trị nội trú cho 30-40% bệnh nhân là người ngoại tỉnh.
Theo Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, để giải quyết tình trạng này, ngành y tế chỉ đạo rà soát, dự báo nhu cầu, tình hình thiếu thuốc để xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung theo quy định và điều tiết việc sử dụng sao cho hiệu quả.
“Lo ngại nhất hiện nay của cán bộ y tế là việc mua sắm thuốc, vật tư y tế làm sao đúng quy định pháp luật, đồng thời cung cấp kịp thời, phù hợp nhu cầu chuyên môn của các đơn vị khi mà hiện nay chưa có quy định chuẩn về danh mục hàng hóa, chưa thống nhất về giá vật tư y tế trên thị trường”, bà Thủy nói.
Phó giám đốc phụ trách Sở y tế Đà Nẵng cho biết thêm, Nghị định 98 có hiệu lực từ 1/4/2022 quy định không mua giá cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Do đó, việc mua sắm phải phụ thuộc vào việc doanh nghiệp kê khai giá mới thực hiện được. Đồng thời, giá cả biến động theo thị trường, gây khó khăn cho các đơn vị y tế trong vấn đề cập nhật thường xuyên giá cả dẫn đến kéo dài công tác mua sắm, đấu thầu.
“Thông thường việc đấu thầu rộng rãi mất từ 6 - 9 tháng. Ngành y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế, UBND thành phố đề xuất hướng tháo gỡ. Chính phủ đã giao Bộ Y tế làm việc với các bộ, ngành chức năng tháo gỡ khó khăn này.
Nếu khó khăn này không được tháo gỡ thì ngành y tế không an tâm khi thực hiện công tác mua sắm hiện nay”, bà Thủy cho biết.
Cần chính sách lâu dài hỗ trợ nhân viên y tế
Đối với cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, ngành y tế Đà Nẵng đang quản lý hơn 7.000 cán bộ y tế làm việc trong hệ thống công lập, 1809 cộng tác viên dân số y tế, 119 nhân viên y tế thôn, bản.
Đà Nẵng đang đạt tỷ lệ 17 bác sĩ trên 1 vạn dân, cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Qua 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 có rất nhiều áp lực về thể chất, tinh thần đã có nhiều nhân viên y tế nghỉ việc.
Ngành y tế đã phối hợp thủ trưởng các đơn vị, các ban ngành động viên, cung cấp thông tin để cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó với ngành. Đồng thời thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ y tế. Các đơn vị cũng kịp thời bổ sung nhân lực thay thế và đã đạt 86%.
Theo bà Trần Thanh Thủy, căn cơ để nhân viên y tế yên tâm công tác thì cần những chính sách lâu dài. Ngành y tế đang rà soát toàn bộ chế độ chính sách để có đề xuất tổng thể.
Ngành sẽ có báo cáo trình UBND đề xuất các chính sách này. Sắp tới, ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện đề án thu hút nhân lực y tế chất lượng cao, nhưng sẽ điều chỉnh tiêu chuẩn cho phù hợp đặc thù của ngành y tế; Phụ cấp đặc thù cho các lĩnh vực khó khăn như lao, pháp y, tâm thần, y tế cơ sở; Thực hiện chính sách đào tạo; Triển khai năng lực y tế cho tuyến cơ sở.
Theo báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.Đà Nẵng, hiện nay nguồn nhân lực hoạt động cho ngành y tế Đà Nẵng còn mỏng so với yêu cầu của thực tiễn.
Tại thành phố đang có nhiều nhân viên y tế xin thôi việc. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh cũng đang là một trong những khó khăn của ngành y tế.
Theo thống kê, năm 2021, cả thành phố có 195 người trong ngành y tế xin nghỉ việc, trong đó, 115 bác sĩ, điều dưỡng kỹ thuật và 60 nhân viên y tế khác. 6 tháng đầu năm nay, 127 người đã xin nghỉ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận