Phương tiện lưu thông tại hầm chui sông Hàn |
Khoảng 1 tháng đưa vào vận hành, hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn (Hải Châu, Đà Nẵng) kết hợp đèn tín hiệu giao thông (THGT) xóa “điểm nóng ùn tắc”, nâng cao năng lực thông hành cho phương tiện qua lại nút giao này…
Thực tế tại khu vực hầm chui phía Tây cầu sông Hàn (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), việc lưu thông các dòng phương tiện ổn định, trật tự ngay cả giờ cao điểm (17h - 17h30). Ghi nhận của PV, hướng lưu thông đường Trần Phú qua hầm chui khá thuận lợi. Các hướng di chuyển cầu Sông Hàn - Lê Duẩn hay rẽ trái qua đường Trần Phú được “điều phối” nhịp nhàng qua hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Lượng phương tiện đổ về phía cuối cầu sông Hàn chờ đèn, nhưng khi vừa chuyển sang màu xanh, hầu hết các xe đều lưu thoát sau 1 chu kỳ đèn.
Đáng kể, dọc theo đường Trần Phú và nút Tây cầu Rồng, mật độ phương tiện trên đường Trần Phú cũng như đường Nguyễn Văn Linh đã giảm nhiều so với trước đây do ô tô được lưu thông thông suốt qua cầu sông Hàn giờ cao điểm, một phần lượng xe qua cầu Rồng đã chuyển sang cầu sông Hàn. Khảo sát của Sở GTVT Đà Nẵng, từ ngày hầm chui phía Tây cầu sông Hàn thông xe, lượng xe từ cầu Rồng đổ qua cầu sông Hàn nhiều hơn, khi ô tô không còn bị cấm qua cầu sông Hàn giờ cao điểm, lưu thông luôn thuận lợi.
Theo khảo sát, dòng xe đi thẳng lên xuống cầu chiếm 52,6% tổng lưu lượng xe qua nút; dòng xe đi thẳng trên đường Trần Phú và rẽ trái từ đường Trần Phú lên cầu lần lượt là 30% và 14%. Gần 1 tháng tổ chức giao thông có sử dụng đèn tín hiệu tại đây đã cải thiện hàng loạt các yếu tố liên quan đến năng lực thông hành của nút giao: Thời gian chờ đèn, chiều dài dòng chờ; các phương tiện ô tô được lưu thông liên tục qua cầu sông Hàn (kể cả giờ cao điểm), rút ngắn hành trình di chuyển cũng như giảm ùn tắc giao thông...
Lãnh đạo CSGT quận Hải Châu cũng nhìn nhận, đây là công trình hầm chui đầu tiên của Đà Nẵng, người dân cần thời gian làm quen, khi đó hiệu quả công trình sớm được khẳng định. Riêng về công tác đảm bảo giao thông của lực lượng CSGT, trước đây khi chưa có hầm chui, các chiến sĩ phải căng sức giữa dòng xe ùn ùn đổ về từ các hướng. Bây giờ, CSGT Hải Châu chỉ bố trí hai người túc trực tại nút giao giờ cao điểm để hướng dẫn thêm.
Đây chỉ là một trong hàng loạt nút giao thông quan trọng (nút giao Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Linh…) đang được Đà Nẵng áp dụng biện pháp tổ chức giao thông linh hoạt, giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự lưu thông. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, với việc cải tạo nút giao khác mức phía Tây sông Hàn, việc dùng đèn tín hiệu giao thông không cần thiết, thậm chí lãng phí hiệu quả hầm chui, giảm thời gian lưu thoát. Phương án được đề xuất là không dùng đèn, thay vào đó các dòng phương tiện đi thẳng sẽ không phải chờ đèn xanh, đỏ. Những hướng từ Trần Phú rẽ trái lên cầu, từ cầu Sông Hàn rẽ trái về Trần Phú, xe có chiều cao trên 3,5m (không được lưu thông qua hầm) sẽ sử dụng các nút giao Phan Đình Phùng, Bạch Đằng, hoặc Yên Bái, Lê Duẩn để đảo chiều phương tiện và di chuyển vào các hướng trên.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cho biết, Đà Nẵng mời các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, tư vấn thiết kế để tính tới các phương án bỏ đèn hay sử dụng đèn khi triển khai giải pháp giao thông khác mức phía Tây cầu Sông Hàn. Tuy nhiên, xét trên tất cả các yếu tố lý thuyết và thực tiễn vận hành, giải pháp kết hợp đèn như hiện nay là tối ưu nhất.
Ông Phạm Ngọc Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 (Đơn vị tư vấn thiết kế) phân tích: Các nút giao Lê Duẩn - Yên Bái, Yên Bái - Phan Đình Phùng - Trần Phú... đều là nút có diện tích hẹp, mặt cắt đường, bán kính nút giao nhỏ, tạo nút thắt cổ chai. Mật độ công sở, dịch vụ, phương tiện vốn rất lớn. Do đó, giải pháp không sử dụng đèn tín hiệu sẽ tạo lưu thông thông suốt đường Lê Duẩn - cầu Sông Hàn và ngược lại; nhưng lại dồn mật độ phương tiện lên các nút giao thông lân cận dễ gây ùn tắc, mất ATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận