Ngày 12/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đã có kết luận phân tích về loài sinh vật lạ ăn thịt ngao giống tại Kim Sơn (Ninh Bình).
Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình đã gửi mẫu loại động vật lạ này tới Trung tâm Quan trắc môi trường bệnh thủy sản miền Bắc. Kết quả phân tích mẫu cho thấy đây là một loại động vật đáy có tên rết biển hay sâu biển thuộc ngành giun đốt. Theo đó, loài sâu biển này có chiều dài thân từ 5-10cm; trên thân có nhiều lông chạy dọc theo hai bên thân; dọc theo sống lưng từ đầu đến cuối có các hình tam giác và đốm tròn màu sắc khác nhau. Chúng có thể được tìm thấy trên hoặc dưới đáy cát và bùn, thường bị thu hút bởi ánh sáng ban đêm.
Mặc dù sâu biển không có hàm nhưng có thể nuốt con mồi vừa cỡ miệng và hút hết nước bên trong. Ở Việt Nam, sâu biển đã xuất hiện ở vùng nuôi lồng tại Cát Hải (Hải Phòng) và Vân Đồn (Quảng Ninh) và trên một số bãi biển miền Trung và Nam Bộ. Thời điểm xuất hiện nhiều thường vào mùa sinh sản từ tháng 4 tới tháng 6. Theo ghi nhận của người dân, sâu biển thường xuất hiện ở vùng ven bờ nơi có nhiều mùn bã hữu cơ và ở vùng nước có độ mặn cao, khi độ mặn giảm xuống, chúng ít xuất hiện.
Theo thống kê, đến nay có khoảng 60 - 70% diện tích nuôi ngao giống tại Kim Sơn bị ảnh hưởng do sâu biển gây ra, trong đó khoảng 50% diện tích bị thiệt hại hết.
Để giảm thiểu thiệt hại về ngao nuôi do sâu biển gây ra, Trung tâm Quan trắc môi trường bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo người dân: Không thả ngao giống ngao cỡ nhỏ (dưới 500-800 con/kg); nên thả ngao giống có kích thước lớn để tránh bị sâu biển ăn thịt, gây thiệt hại cho sản xuất. Khi điều kiện phù hợp cơ quan chức năng có thể chỉ đạo khuyến cáo người dân thả giống trở lại bình thường.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường bệnh thủy sản miền Bắc, các hộ nuôi ngao cần chủ động tích cực diệt sâu biển bằng các phương pháp thủ công. Sử dụng nguồn thắp sáng để kích thích dẫn dụ sâu biển nổi lên mặt nước, tập trung ở một số điểm, sau đó dùng lưới/vợt bắt.
“Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc để diệt sâu biển, gây ảnh hướng tới ngao nuôi và môi trường xung quanh”, ông Bình nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận