Gà Mông đen đang được ưa chuộng làm món ăn ngày Tết |
Xu hướng lùng mua đồ rừng, rau quê và những nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên phục vụ Tết Nguyên đán đang trở thành trào lưu “hot”.
Đắt hàng nhờ ngon và an toàn
Đạt được cả hai tiêu chí là ngon và an toàn nên Tết Nguyên đán năm nay, các món đặc sản như thịt trâu gác bếp, thịt lợn Mán sấy khô, gà Mông đen… vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, thịt trâu gác bếp là món đặc sản của người Thái đen ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Yên Bái, Hà Giang. Để tăng thêm hương vị cho thịt, có thể tẩm thêm một số loại gia vị đặc biệt như: Hạt dổi, hạt sẻn... để thịt dậy mùi thơm. Giá bán món đặc sản này dao động từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/kg.
Trong khi đó, thịt lợn Mán là loại thực phẩm dễ ăn, dễ chế biến, giá lại vừa phải nên được nhiều người lựa chọn. Lợn được chọn phải nuôi theo hình thức thả rông, ăn các loại rau cỏ tự nhiên và trọng lượng chỉ từ 12 - 20 kg, do đó thịt nhiều nạc, săn chắc, có vị ngon đặc trưng. Giá bán thịt lợn Mán hiện nay khá mềm, dao động từ 120 - 150 nghìn/kg (nguyên con) và 180 - 250 nghìn đồng/kg (bán lẻ).
Đặc biệt, Tết năm nay cũng rộ lên phong trào mua gà Mông đen (giống gà đen của người Mông ở các tỉnh Tây Bắc nuôi). Điểm đặc biệt của loại gà này là phần thịt và xương đen tuyền, do đó, ngoài việc là món thực phẩm ngon, gà Mông đen còn được coi là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Giá bán của loại gà đặc biệt này khá cao, từ 350 - 400 nghìn đồng/kg, tuy nhiên nguồn cung cấp hiện nay vẫn chưa thực sự phổ biến, phần lớn đều phải nhờ các mối quen đặt mua tại gốc mới có hàng.
Các loại rau rừng có nguồn gốc tự nhiên như rau bò khai, rau sắng, rau tầm bóp, ngót rừng, ngó xuân, cải mèo, ớt xanh, cải thảo, điên điển, càng cua, mầm đá… từ lâu vẫn được coi là những món đặc sản trong dịp Tết. Giá bán của những loại rau này phổ biến từ 30 - 70 nghìn đồng/kg. Riêng rau mầm đá thuộc loại quý hiếm và giàu dinh dưỡng nên giá bán có thể lên tới hàng trăm nghìn đồng/kg.
Nhiều “chiêu trò” lừa gạt người tiêu dùng
Hiện nay, trên thị trường, thịt lợn Mán và trâu gác bếp là hai loại thực phẩm được săn đón nhiều nhất. Tuy nhiên, không ít kênh phân phối hiện nay sử dụng chiêu trò lừa người tiêu dùng.
PV Báo Giao thông tìm cách tiếp cận Sơn “mán” (quê Kim Bôi, Hòa Bình) - một chuyên gia làm thịt lợn Mán giả từ… thịt lợn sề. Sơn tiết lộ lý do chọn lợn sề bởi da lợn sề cũng dày, thịt dai nên có nét tương đồng với lợn mán. Lợn được mua nguyên con còn sống, về bỏ đói đến khi kiệt sức mới đem thịt và “chế” thành lợn Mán.
“Đầu tiên cạo sạch lông và dùng đèn khò cho da vàng lên rồi dùng súng bắn dây cước vào da để tạo lông. Cấy xong lại đem rửa, khò lại lần nữa cho da vàng rộm là được”, Sơn “mán” bật mí. Theo gã, trước kia, dân chế thịt giả có một cách đơn giản hơn để tạo lông cho thịt là dùng một chiếc đũa chẻ đôi rồi cắm 3 cái kim khâu vào, buộc chặt. Sau đó hơ kim cho ám khói rồi châm vào da lợn tạo thành 3 lỗ đen trông tựa chân lông. Cách làm này đơn giản nhưng dễ bị phát hiện nên sau đó Sơn “mán” chuyển sang bắn cước.
Chị Hà Thị Hiền (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), sau hai lần mua phải thịt lợn mán giả, cho biết nên mua thịt còn sống (tức không được khò da cho vàng) sẽ dễ dàng phân biệt thịt lợn giả hơn. “Gần đây một số nơi còn bán thịt lợn mán để nguyên một đám da để tạo lòng tin cho người mua. Tôi thấy đó cũng là cách hay. Tốt nhất mua lợn ở nguồn đảm bảo chứ ngày Tết mà mua nhầm thịt lợn giả thì bực mình lắm”, chị Hiền cho biết.
Trong khi đó, đặc sản trâu gác bếp thời gian gần đây cũng bị làm giả hoặc sử dụng thịt trâu lạ khiến chất lượng không đảm bảo. Anh Lượng, thổ địa ở huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết, mấy Tết nay, do nhu cầu thịt trâu gác bếp tăng cao, một số cơ sở chế biến và phân phối loại đặc sản này thường tráo nguyên liệu bằng thịt lợn hoặc thịt trâu Lào. “Bên Lào, trâu rẻ hơn nên một số đầu nậu đứng ra nhập lậu về Việt Nam qua đường biên giới. Trâu được nhập về các tỉnh miền Trung rồi vận chuyển lên trên này làm thịt. Cũng là thịt trâu nhưng ở Lào không lạnh bằng Việt Nam, thịt trâu không dai ngon và có độ ngọt bằng. Ăn một miếng trâu khô Lào và trâu khô Sơn La nguyên bản nhận ra ngay”, anh Lượng nhận xét.
Bên cạnh đó, cũng theo anh Lượng, một số nơi dùng thịt lợn sề sấy khô, trộn gia vị để giả trâu gác bếp nhưng số lượng nhỏ và chỉ dùng để trà trộn vào thịt trâu để ăn lận thêm. “Thịt trâu gác bếp ngon nhất vẫn là vào tận nhà người đồng bào trên này mua. Số lượng ít nhưng đảm bảo hơn nhiều”, anh Lượng khuyên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận