Tài chính

Đại biểu hiến kế “chặn” lạm phát, đảm bảo tăng trưởng

27/05/2022, 08:13

Các biểu Quốc hội chia sẻ với Báo Giao thông những giải pháp để Việt Nam vượt thách thức, kiềm chế lạm phát, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, nền kinh tế trong nước tiềm ẩn áp lực lạm phát tăng cao, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là thách thức rất lớn.

img

Giá xăng, dầu tăng cao là một trong những yếu tố khiến lạm phát tăng. Ảnh: Tạ Hải

Các biểu Quốc hội chia sẻ với Báo Giao thông những giải pháp để Việt Nam vượt thách thức, kiềm chế lạm phát, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội:
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công

img

Quý I/2022 chúng ta có khởi sắc khi tăng trưởng GDP hơn 5%. Đây là tiền đề để những tháng tiếp theo tăng trưởng cao hơn khi các hoạt động đều trở lại bình thường.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Đó là lạm phát, giá của những mặt hàng đầu vào trong sản xuất đều có xu hướng tăng như: Xăng dầu, vật liệu xây dựng…

Nhiều doanh nghiệp chưa kịp bình phục sau đại dịch lại tiếp tục phải đối diện với cú sốc tăng giá, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng đó, Việt Nam cũng chịu tác động của xung đột Nga - Ukraine. Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% trong cả năm 2022.

Những khó khăn đó đòi hỏi chúng ta có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng.

Cùng đó, cần có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu và mở cửa du lịch, phát triển thị trường nội địa. Lưu ý vấn đề an ninh năng lượng, bảo đảm điện năng cho sản xuất và tiêu dùng.

Đặc biệt, cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, các chính sách an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong những tháng tới, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Hướng dòng vốn đến khu vực sản xuất

img

Kinh tế thế giới đang có nhiều yếu tố tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Lạm phát cùng với cầu giảm có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cùng đó, dịch Covid-19 diễn ra tại Trung Quốc và cuộc chiến tại Ukraine ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu như: Tăng thời gian, chi phí vận chuyển, thiếu nguồn hàng nguyên nhiên liệu, lương thực.

Thị trường tài chính thế giới căng thẳng do thực hiện các quy định về cấm vận giữa các quốc gia.

Việt Nam là nền kinh tế mở nên tất yếu chịu ảnh hưởng bởi những tác động đó. Trong nước, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều yếu tố bất lợi như: Lạm phát tăng, giá xăng tăng cao nhất trong nhiều năm; thị trường bất động sản, chứng khoán sau thời gian tăng nóng đã có dấu hiệu bất ổn khi dòng vốn chủ yếu đổ nhiều vào thị trường tài sản; tính chất đầu cơ phổ biến trên thị trường tài chính…

Để khắc phục những khó khăn này, từ đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6 - 6,5%, cần từng bước hạn chế đầu cơ đối với thị trường tài chính như: Bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số; đồng thời hướng dòng vốn đến khu vực sản xuất và nền kinh tế thực.

Quốc hội, Chính phủ cần làm ngay và triệt để việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là các thủ tục liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, quy hoạch.

Nếu thật sự quan tâm cởi trói đồng bộ các nội dung này cho chính quyền địa phương, kết hợp tăng cường hậu kiểm, gắn trách nhiệm người đứng đầu, chắc chắn tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Triển khai nhanh gói chính sách tài khóa, tiền tệ

img

Sau thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19, nền kinh tế trong nước đang đối mặt với những thách thức mới, đó là tình hình xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn đến khủng hoảng về năng lượng, nhân đạo, lương thực; lạm phát đều tăng ở các nước trên thế giới.

Một đất nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trên 668 tỷ USD, gấp 1,8 lần GDP như vậy, đương nhiên dễ ảnh hưởng bởi lạm phát của quốc tế.

Khi lạm phát cao như vậy sẽ dẫn đến phải “uống thuốc liều cao để trị”. Một trong những liều thuốc ngại uống nhưng phải uống đó chính là thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, nâng lãi suất ở trên thị trường.

Khi lạm phát tăng cao, vượt ngoài kiểm soát, rất nguy hiểm đến nền kinh tế. Đây là bài học mà chúng ta từng gặp trong những năm 2008 - 2011. Để tránh tái diễn bài học này, vấn đề an sinh xã hội phải được quan tâm nhiều hơn. Gói tài khóa, tiền tệ phải được triển khai nhanh, nhất là gói liên quan đến an sinh xã hội.

Hiện giá xăng, dầu tăng kéo giá cả hàng hóa tăng theo. Thời gian tới, làm sao kiểm soát giá, chống đầu cơ, tránh tình trạng “tát nước theo mưa”, đảm bảo nguồn cung để góp phần bình ổn giá cả là vấn đề cần đặt ra.

Chính phủ cần sớm trình Quốc hội nội dung này, đại biểu Quốc hội có thể họp thêm vào buổi tối để bàn chuyện nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng, dầu. Đây là dư địa để chúng ta thêm công cụ kéo giảm giá xăng dầu, tránh tình trạng giá xăng, dầu tác động đến các mặt hàng khác.

Đặc biệt, đầu tư công có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế. Vì thế, cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công. Để làm được điều này, cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực: Tổng thu ngân sách 4 tháng là 657.400 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021), CPI tháng 4 tăng 2,64%, xuất siêu 2,53 tỷ USD (tăng gần 1 tỷ USD), vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần tăng gần 2 lần năm ngoái, 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động…

Trước những khó khăn tiềm ẩn áp lực lạm phát tăng cao, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Trong đó, giải pháp xuyên suốt được nhắc tới là chủ động điều hành, linh hoạt phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa; các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu; tăng quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế... cũng là những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ.

Cùng đó là thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn từ các nơi chậm giải ngân sang nơi cần vốn, có khả năng giải ngân tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.