Quy trình khép kín, thiếu minh bạch
Sáng nay (11/11), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. Nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến việc tách Luật GTĐB thành hai luật, nhất là việc chuyển công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Đề cập đến việc chuyển đào tạo, sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an quản lý, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, đến thời điểm này, chúng ta phải thực hiện xã hội dân sự, việc gì xã hội làm được thì giao cho xã hội.
“Thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đang làm tốt. Nếu chỉ vì có hiện tượng GPLX giả mà phải chuyển sang công an, thì liệu có tốt hơn không? Đến tiền còn làm giả được, thì có chuyển việc in tiền sang cho công an làm? Vậy chứng minh thư làm giả như Bộ trưởng Công an đã nói, thì chuyển cho ai làm?”, đại biểu Sinh nói.
Cũng theo đại biểu Sinh, chúng ta đang xã hội hóa hàng trăm cơ sở đào tạo và sát hạch GPLX, giờ chuyển lĩnh vực này sang Bộ Công an quản lý, thì hàng nghìn nhân sự ngành giao thông đang làm công việc này chuyển sang có làm ngành công an tăng biên chế không? Chuyển đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cho Bộ Công an, vậy cấp bằng tàu hỏa, máy bay, thì Bộ Công an có làm không?
"Đặc biệt, khi Bộ Công an quản lý sẽ tạo thành một quy trình khép kín, không minh bạch, khi xảy ra tiêu cực ai là người kiểm tra, xử lý", đại biểu Sinh nêu vấn đề.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, với phương pháp luận xây dựng dự thảo luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ này, sẽ theo kiểu chúng ta không tin ai cả, chỉ tin mỗi bản thân chúng ta làm tốt, các Bộ khác không làm tốt. Nếu vậy giáo viên đi dạy chất lượng kém, bằng giả nhiều, thì Bộ Công an cũng cấp cả bằng giáo viên hay sao?
Nhân dân và cử tri không đồng tình
Về nội dung chuyển sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng cho biết, nhiều cử tri và nhân dân không đồng tình về đề xuất này.
Theo ông Nhưỡng, nếu vì lý do làm chưa được tốt việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ở mặt nào đó mà chuyển vai trò quản lý Nhà nước sang bộ khác thì không nên. Bởi trong Nhà nước pháp quyền thì có sự phân công kiểm soát rất rõ, nhiệm vụ của bộ ngành nào thì bộ ngành đó làm, nếu có làm không tốt thì kiểm điểm, quy trách nhiệm người đứng đầu, chứ không phải cứ làm không tốt là chuyển sang cho bộ ngành khác.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) băn khoăn, theo Nghị quyết 17/2007 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của Ban Chấp hành Trung ương có nêu: Đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các Bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Theo đại biểu Hoa, việc dân sự hãy để cơ quan dân sự làm, hiện cơ quan công an đang làm tốt nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống trấn áp tội phạm thì cứ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ này.
“Trong tờ trình, Bộ Công an đưa ra lý do chuyển quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an là do quản lý kém, tai nạn giao thông nhiều, có GPLX giả. Theo tôi, nếu có các hiện tượng đó, chúng ta hãy xử lý nghiêm và tiếp tục hoàn thiện pháp luật”, đại biểu Hoa nói.
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, ngành GTVT hiện có hơn 2.000 cán bộ làm công tác quản lý, đào tạo, sát hạch lái xe. Nếu bây giờ chuyển toàn bộ mảng này sang công an thì chắc chắn số nhân sự này không chuyển sang công an được.
"Con số cán bộ, công chức này sẽ bị thải ra ngoài hay sao? Bên cạnh đó, có tăng thêm ngần ấy con người của ngành công an để thực hiện nhiệm vụ này? Đây là vấn đề cần đánh giá nghiêm túc và có câu trả lời khoa học, phù hợp", đại biểu Tùng nói.
Đối với các ý kiến băn khoăn khi Bộ GTVT đầu tư rất nhiều, các nơi đầu tư nhiều vào các cơ sở sát hạch, đào tạo GPLX, nay chuyển về Bộ Công an sẽ nảy sinh bất cập, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định "không đụng chạm" đến hoạt động của các cơ sở này.
"Công an không đụng chạm gì đến cơ sở này vì chủ yếu việc sát hạch, đào tạo lái xe là xã hội hóa. Bộ chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe, quản lý bằng lái xe, đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn, chống việc làm giả, gian lận. Còn các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường", Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận