Bứt phá thể chế để thoát bẫy thu nhập trung bình
Chiều nay (21/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về các dự án luật: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng.
Tham gia thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, người dân và doanh nghiệp rất mong chờ Quốc hội thông qua các luật này để điều chỉnh thời gian, đẩy nhanh tiến độ, đưa 4 dự án luật sớm được thực hiện.
"Sớm gần nửa năm là tạo ra nhiều cơ hội phát triển, giải tỏa vướng mắc để khơi thông nguồn lực hàng đầu là đất đai", ông Lộc nói.
Đại biểu Lộc cho rằng, các dự án luật này không chỉ khơi thông riêng về đất đai, mà còn khơi dậy các nguồn lực khác.
Dẫn câu chuyện trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong thực hiện những con đường cao tốc, ông Lộc kỳ vọng không chỉ có những con đường cao tốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng mà cần có những con đường cao tốc trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.
"Chắc chắn không có sự bứt phá về thể chế thì chúng ta khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Lộc nói.
Đại biểu Lộc nhìn nhận, khi tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đang tâm lý khá phổ biến, thì Chính phủ đã vượt lên nỗi lo này. Không chỉ có dũng cảm trong thi hành thể chế mà còn cần dũng cảm, vượt lên, không sợ trách nhiệm, vì lợi ích chung trong xây dựng thể chế.
"Tinh thần này rất cần được cổ vũ trong bối cảnh hiện nay", ông Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong những luật này thì phần lớn các nội dung được áp dụng ngay được. Chỉ một số ít nội dung là cần văn bản hướng dẫn của Chính phủ hay địa phương khi triển khai.
"Đưa những vấn đề đã rõ, đã chín, không cần văn bản hướng dẫn để luật đi vào cuộc sống đã là thành công rất lớn rồi", ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, những nội dung cần hướng dẫn thì theo báo cáo của Chính phủ, phần lớn các văn bản đã tương đối hoàn chỉnh, có thể ban hành. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương cũng triển khai văn bản để thực hiện những luật này.
"Muốn làm được điều này thì chúng ta có thể gửi luôn dự thảo văn bản cho địa phương, nói rõ có một vài điểm cân nhắc, những điểm đồng thuận rồi thì địa phương chuẩn bị. Khi chúng ta ban hành văn bản chính thức rồi thì các địa phương mới ban hành văn bản của mình", ông Lộc nói.
Với sự quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống từ trung ương đến địa phương thì ông Lộc tin rằng, các luật này có thể triển khai sớm hơn 5 tháng.
Không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc hợp thức hóa các sai phạm
Dưới góc độ địa phương, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng, đẩy nhanh hiệu lực thi hành Luật sớm 5 tháng giải quyết loạt vấn đề đang tồn tại hiện nay trong thực hiện các vấn đề liên quan đến đất đai.
"Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong xây dựng, thi hành pháp luật. Các dự án Luật được thi hành sớm hơn ngày nào sẽ có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội sớm ngày đó", đại biểu Nguyễn Trúc Anh nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng ủng hộ chủ trương để các luật nêu trên sớm đi vào cuộc sống.
Ông cho rằng, một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, nhất là các văn bản do địa phương xây dựng. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.
Đồng tình với chủ trương đưa 4 luật có hiệu lực sớm đáp ứng yêu cầu thực tế, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị cần nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm. Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.
Đồng thời, không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức.
Đại biểu đoàn Quảng Trị cũng băn khoăn vấn đề dù Quốc hội quyết định nhưng lại yêu cầu "Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật".
"Tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua cũng phải có trách nhiệm trước quyết định của mình", đại biểu nói.
Quốc hội, Chính phủ, địa phương cần chung tay tháo gỡ
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng hiện các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, nếu có thể khơi thông sẽ tác động tốt tới nền kinh tế, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2024.
Ông Huân cho biết, có những doanh nghiệp FDI muốn mở rộng sản xuất nhưng hiện phải dừng lại vì vướng luật. Các doanh nghiệp FDI có kế hoạch bố trí vốn nếu chậm trễ có thể dẫn tới tái cơ cấu, hoặc chuyển đổi khu vực đầu tư.
"Bởi vậy, việc ban hành luật càng sớm sẽ càng tốt", ông Huân nêu ý kiến.
Tuy nhiên, ông Huân cũng dẫn báo cáo thẩm tra trong đó nêu chi tiết về vấn đề ban hành các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn luật.
"Trong thảo luận tổ, nhiều địa phương cũng nêu khó khăn là nếu Trung ương chưa hướng dẫn thì địa phương lấy đâu căn cứ để thực hiện?", đại biểu cho rằng đây là vấn đề cần lưu ý.
Do đó, ông đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các Nghị định để các địa phương yên tâm, tổ chức tập huấn đồng loạt để hoàn thành hướng dẫn ở địa phương. Chính phủ cũng nên dự trù các rủi ro nảy sinh và cách ứng phó.
Ông Huân cho rằng, không thể nói một cách chung chung là Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm. Khi thực hiện có thể có những vướng mắc vì vậy phải có ứng phó với rủi ro. Cả Quốc hội, Chính phủ, địa phương cần chung tay tháo gỡ để đưa 4 luật này vào thực hiện sớm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Không có kiểu làm luật gấp gáp
Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh, từ lúc Quốc hội đồng ý sửa Luật đất đai, cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan liên quan đã thực hiện soạn thảo nghị định và các thông tư theo quy định.
Chính vì thế, ông cho rằng, các quy trình thủ tục được thực hiện đầy đủ, không có rút gọn quy trình.
"Cái rút gọn ở đây là rút gọn về thời hạn hiệu lực, thời gian thực thi", ông Khánh cho biết.
Về tác dụng của các Luật đi vào cuộc sống, ông Khánh cho rằng, nhiều chính sách trong ba luật sẽ là khơi thông nguồn lực của đất nước và thu hút nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai trong đó giải quyết được nhiều tồn đọng, nhiều mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.
Ví dụ như Luật đất đai 2024 đã có quy định hộ gia đình ở đất đai sản xuất kinh doanh ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật từ 1/7/2014 trở về trước mà chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai thì tới đây sẽ được giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai.
Theo ông Khánh, việc triển khai thực hiện Luật Đất đai sớm tạo điều kiện cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào thị trường đất đai như người Việt Nam ở trong nước, giúp họ có cơ hội tham gia vào thị trường, khơi thông nguồn lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận