Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ "chính sách hình sự đặc biệt"

04/11/2019, 14:32

ĐBQH đề nghị cơ quan điều tra làm rõ "chính sách hình sự đặc biệt" vì không rõ về nội hàm, không được quy định trong văn bản pháp luật nào.

img
Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Khó chứng minh hành vi đưa, nhận hối lộ

Sáng 4/11, thảo luận tại hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đánh giá cao nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá và được đưa ra truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đáng lưu ý, một số vụ án tham nhũng đã được cơ quan tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu USD.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy”, đại biểu Hoa nói.

Tuy nhiên, theo bà Hoa, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Phải nói rằng việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó nhưng không phải là không làm được”, bà Hoa nhìn nhận và lấy ví dụ ụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng bọn, trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ.

Sau đó, vụ án này được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó.

“Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện. Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Đồng thời dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác?”, bà Hoa đặt vấn đề.

Chính sách hình sự đặc biệt chưa nằm trong quy định nào

Phân tích về việc áp dụng hình phạt đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, nữ đại biểu đoàn Nam Định cho hay, các Toà án đã áp dụng hình phạt tương đối nghiêm khắc. Theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trong năm 2019. Tòa án các cấp đã xét xử 279 vụ, với 66.114 bị cáo phạm các tội tham nhũng, các Tòa án sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 10 bị cáo, xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 23 bị cáo.

Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Hoa, trong quá trình giải quyết các vụ án chưa được một số Tòa án khắc phục triệt để như áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác. Như thời gian qua, dư luận cho rằng một số vụ án tham nhũng lớn khi hành vi phạm tội đã được chứng minh, một số bị cáo đã nộp lại rất nhiều tiền và được cơ quan điều tra đề nghị cho hưởng chính sách hình sự đặc biệt.

“Chúng tôi cho rằng bất cứ người nào đã thực hiện tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Trường hợp thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, tự nguyện khắc phục hậu quả thì sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ”, bà Hoa phân tích và đề nghị cơ quan điều tra làm rõ chính sách hình sự đặc biệt, vì chính sách này vừa không rõ về nội hàm, không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nào.

Theo bà Hoa, nếu muốn thực hiện “chính sách hình sự đặc biệt” thì cần quy phạm hóa để quyết định rõ trường hợp nào được áp dụng, đối tượng nào được áp dụng và nếu được áp dụng thì được hưởng những gì. Có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong việc áp dụng chính sách hình sự.

Trong vụ án Mobifone mua AVG, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 14 bị can về các tội: "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ". Trong đó, có 11 bị can được đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt gồm có: Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp; Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone; Cao Duy Hải, nguyên thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Mobifone; Phan Thị Hoa Mai, thành viên Hội đồng thành viên Mobifone; Hồ Tuấn, thành viên Hội đồng thành viên Mobifone; Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, kế toán Mobifone; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc phụ trách đa phương tiện và giá trị gia tăng Mobifone; Nguyễn Bảo Long, Phó tổng giám đốc Mobifone; Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc Mobifone và Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG.

Danh sách bị can được đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt không có tên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son; Võ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty AMAX và Hoàng Duy Quang, thẩm định viên Công ty AMAX.

Việc đề xuất "chính sách hình sự đặc biệt" trong vụ án khiến dư luận quan tâm, bởi trong các quy định pháp luật hiện chưa có khái niệm này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.