Chiều nay (8/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)
Nuôi dưỡng nguồn thu thay vì tận thu
Phát biểu đầu tiên tại phiên buổi chiều, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, báo cáo của Chính phủ đề ra giải pháp hạn chế tối đa chính sách xã hội trong chính sách thuế. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn giảm thuế.
"Cá nhân tôi cho rằng cần hết sức cân nhắc giải pháp trên", bà Mai nói và nêu lý do, thứ nhất là việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay khó khả thi, bởi kể cả khi khống chế được dịch bệnh thì hệ quả còn kéo dài trong những năm tiếp theo.
Lý do thứ hai, là căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua (2019, 2020, 2021) trong chính sách tài khóa, việc miễn giảm thuế đã được áp dụng liên tục như một giải pháp hữu hiệu. Trong năm 2022, rất nhiều ý kiến cũng đề xuất tiếp tục áp dụng giải pháp này. Nếu Quốc hội ban hành gói kích thích phát triển kinh tế thì dự kiến có chính sách miễn giảm thuế.
"Chính vì vậy, tôi cho rằng hiện nên theo đuổi một chính sách nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh hơn là một chính sách tận thu", đại biểu Mai nói.
Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề cập là khoảng cách giàu nghèo trong xã hội hiện nay. Đã hơn 2 năm kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, và cũng tại thời điểm đó kế sinh nhai cũng như việc làm của nhóm nghèo nhất xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Chính phủ, nhóm bị tổn thương nhiều nhất là nhóm nghèo nhất. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tình trạng kiệt quệ về tài chính và khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu như chúng ta không có giải pháp hữu hiệu.
"Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2016 khoảng cách thu nhập là 9,8 lần, đến tăng 2019 hơn 10,2 lần. Tuy nhiên năm 2020 con số đó chỉ xuống còn 8 lần. Cá nhân tôi cho rằng cần khảo sát đánh giá chính xác thực trạng xã hội, để nhìn thấy rõ nhất những khó khăn của chúng ta phải đối mặt", bà Mai nêu quan điểm.
Đề cập đến các chế độ an sinh xã hội với các mức hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng/người/lần, bà Mai cho rằng điều này mang ý nghĩa động viên rất lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính chất tình thế không phải giải pháp căn cơ lâu dài.
"Chỉ khi chúng ta có giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì mới có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo", nữ đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Vấn đề thứ ba, đại biểu Mai đề cập đó là thể chế và pháp luật trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi hơn bao giờ hết, trong dịch bệnh, chúng ta nhìn thấy rõ nhất những thiếu hụt của hệ thống pháp luật liên quan. Có những tình huống không có căn cứ pháp lý để xử lý, dẫn đến áp dụng tùy tiện, thiếu thống nhất.
"Tôi nghĩ rằng cần rà soát tổng thể để có một khuôn khổ pháp lý vững chắc, ổn định đặc biệt là mang tính dự báo cao trong những năm tiếp theo", bà Mai nói.
Đại biểu đến từ đoàn Hà Nội đề xuất một số nội dung, như sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng; sớm ban hành luật về xử lý nợ xấu; ban hành những quy định mang tính thống nhất về thẩm quyền ban hành các biện pháp chống dịch; tạo lập một khung pháp lý ổn định vững chắc, để huy động sức mạnh của hệ thống y tế tư nhân vào công cuộc chống dịch...
"Cuối cùng chính phủ cần sớm ban hành quyết điều chỉnh chế độ chính sách cho những người đang ở tuyến đầu chống dịch, đó là lực lượng y sĩ, bác sĩ, quân đội, công an những người đang phải đối mặt với nguy hiểm để giành giật sự sống và bảo vệ cuộc sống bình yên cho chúng ta", bà Mai đề xuất.
Ban hành những gói hỗ trợ mới có trọng tâm, trọng điểm
Cũng đề cập đến chính sách an sinh xã hội, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đồng ý với đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành những gói hỗ trợ tiếp theo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên, khi nguồn ngân sách là hữu hạn, nếu như gói hỗ trợ này được ban hành, đại biểu Vân cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 4% kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2009.
Cụ thể, gói chính sách với quy mô lên tới 1 tỷ USD trước kia đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu. Đến tận nhiều năm sau, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu mới giải quyết được tình trạng trên.
"Chính phủ cần có bộ phận hoặc tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối và giám sát gói hỗ trợ, đảm bảo các gói hỗ trợ này được thực hiện hiệu quả và đúng mục đích", bà Vân đề xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bắc Ninh cho biết hộ kinh doanh cá thể đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nào cho hộ kinh doanh cá thể như các doanh nghiệp.
Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ ban hành những chính sách kịp thời để hỗ trợ đối tượng này, có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ, hoặc có chính sách riêng gắn với chính sách vay vốn, tạo việc làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận