Trao đổi với PV Báo Giao thông về phương án thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô Hà Nội đang gây xôn xao dư luận, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, việc thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô một số nước đã làm và ở nước ta cũng có thể áp dụng, nhưng thời điểm này chưa hợp lý.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
Một mũi tên, hai mục đích
Về ý kiến lo ngại khi thu phí phương tiện cá nhân trong nội đô thì người dân từ ngoại ô sẽ vào trong nội đô sinh sống, làm tăng mật độ dân cư nội thành, ông Cường cho biết, chuyện đó sẽ không xảy ra nếu người dân ngoại ô dễ dàng di chuyển vào nội thành làm việc bằng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt công cộng, đường sắt metro...
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, khi lượng phương tiện cá nhân lớn mà hạ tầng không đủ khả năng đáp ứng và mất cân đối giữa người có phương tiện cá nhân và người không có phương tiện cá nhân thì chuyện đề xuất này cũng là hợp lý.
"Thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô cũng là một giải pháp hạn chế phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông; đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách", ông Cường nói.
Theo đó, quỹ đất giao thông đô thị nói chung của Việt Nam đang thấp, chính vì thế hiện tượng tắc đường đang diễn ra nhức nhối, nhất là ở các đô thị lớn. Để giải quyết vấn đề này, một mặt chúng ta tăng thêm quỹ đất cho giao thông (mở đường), một mặt chúng ta cũng cần có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân trong các đô thị lớn và thu phí vào nội đô là một giải pháp.
Đồng thời, thu phí vào nội đô cũng tạo nguồn thu cho ngân sách. Ông Cường lấy ví dụ, ở Hàn Quốc, nếu anh đăng ký chiếc ô tô được đi trong nội đô thì anh phải đóng một loại phí gọi là trái phiếu, số tiền này sẽ được đem đi đầu tư hệ thống tàu điện ngầm.
"Chính vì thế, ngoài ngân sách của nhà nước đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông thì việc thu phí để tái đầu tư các hạ tầng giao thông khác cũng là một phương án khả thi mà chúng ta cân nhắc", đại biểu Cường nói.
Chỉ nên thu phí khi giao thông công cộng đáp ứng được
Tuy nhiên, đại biểu Cường lưu ý, cần phải cân nhắc trong bối cảnh nào thì hợp lý. Bởi khi thu phí thì phải phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng, để người dân có nhiều lựa chọn trong việc di chuyển khi không sử dụng phương tiện cá nhân.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp và người dân còn khó khăn, ngay bây giờ chúng ta thu phí là chưa phù hợp.
Đặc biệt, việc thu phí phương tiện vào nội đô phải song hành với phát triển giao thông công cộng. Hà Nội muốn thu phí để hạn chế ô tô thì phải có hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Nếu Hà Nội đặt mục tiêu thu phí vào nội đô, thì tới nay đến năm 2025, là thời gian ngắn để nâng cấp, đồng bộ hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội.
"Rõ ràng khi có hệ thống giao thông công cộng tốt rồi nhưng anh vẫn sử dụng phương tiện cá nhân để anh giải quyết lợi ích của mình thì sẽ ảnh hưởng đến vận hành của phương tiện công cộng, ảnh hưởng đến người dân khác, thì phải trả phí cũng là điều đương nhiên", đại biểu Cường phân tích.
Về mức giá thu phí vào nội đô, theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, cần phải trên cơ sở nghiên cứu lợi ích của cá nhân sử dụng phương tiện cá nhân và người sử dụng phương tiện công cộng. Giá thu phí này thuộc về lĩnh vực dịch vụ công, sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành phù hợp.
Sở GTVT Hà Nội và đơn vị tư vấn Trung tâm tư vấn phát triển GTVT (Trường Đại học GTVT) vừa xây dựng phương án lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô.
Theo phương án của đơn vị tư vấn, có 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Mức đề xuất thu phí các phương tiện đi vào nội đô Hà Nội, xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ là đối tượng chính phải thu phí. Mức thu được đề xuất từ 25.000 đồng - 60.000 đồng/lượt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận