Người dân đu bám theo tàu, gây nguy hiểm đến tính mạng |
Những năm qua, đèo Hải Vân luôn là một trong những khu vực khó khăn hiểm trở nhất của tuyến đường sắt Bắc - Nam, cả về kỹ thuật và địa hình. Trong khi đó, dân cư ở khu vực hai bên chân dốc thiếu việc làm, đời sống khó khăn nên thường xuyên đu bám theo tàu khách buôn bán hàng rong hoặc vào rừng khai thác củi, gỗ, rồi câu móc, vận chuyển trái phép trên các đoàn tàu hàng. Do vậy, tình hình ANTT khu vực rất phức tạp, an toàn chạy tàu luôn bị đe dọa.
Ông Nguyễn Minh Ánh, nhân viên bảo vệ đường sắt khu vực cho biết, rộ nhất là trong hai năm 2010, 2011, chính quyền, ban, ngành địa phương phải phối hợp chặt chẽ với đường sắt ra quân triển khai quyết liệt dẹp bỏ tình trạng này. Nhiều khối gỗ bị tịch thu; người khai thác gỗ trái phép bị bắt giữ, xử lý theo qui định của pháp luật. Vì vậy, tình hình mới giảm, yên ổn hơn. “Hàng năm đơn vị tối thiểu cũng thu, hủy từ 20 -30 khúc gỗ keo lá tràm, 60 - 80 bó củi”, ông Ánh nói.
Tình hình đi gỗ, củi đã giảm nhưng người dân bán hàng rong đu bám theo tàu khách vẫn rất phức tạp. Do các ga không có rào chắn, hơn nữa tàu qua khu vực đèo tốc độ phải hạn chế; tàu phải dừng đỗ 2 ga chân dốc để tác nghiệp ghép, cắt đầu máy đẩy nên người dân thường lợi dụng để đu bám theo tàu bán hàng rong. Thực trạng này vừa làm mất ANTT vừa gây nguy hiểm cho chính người dân. Nhưng khi lực lượng bảo vệ, nhân viên đường sắt ngăn cản, liền bị các đối tượng này đe dọa, xô xát, thậm chí gây thương vong cho một số nhân viên đường sắt và hành khách đi tàu.
Trước thực trạng trên, ngành Đường sắt phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành liên thực hiện nhiều biện pháp như: Cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và chốt trực tại các ga trên đèo, hai ga chân dốc để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm; tuyên truyền và tổ chức cho nhân dân ở gần đường sắt viết cam đoan thực hiện pháp luật đảm bảo trật tự ATGT.
“Thời gian qua, các lực lượng đã tịch thu, thiêu hủy trên 500 khúc gỗ và củi bó; thu 50 dụng cụ phá rừng gồm búa, rìu, cưa, rựa. Đồng thời xử lý nhiều đối tượng hàng rong gây rối trên tàu”, ông Lương Văn Thích, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên - Huế cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thích, rất khó xử lý dứt điểm tình hình hàng rong vì nhận thức của người dân còn kém. “Tháng 10/2014, phường Hòa Hiệp Bắc (Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã gặp mặt các hộ dân để tuyên truyền, sau đó tạo điều kiện hỗ trợ cho vay vốn đối với 10 hộ dân buôn bán hàng rong chuyển sang buôn bán tại chợ Kim Liên để bỏ hẳn nghề đu bám, nhảy tàu; xin làm công nhân cho một số đối tượng khác. Nhưng rồi nhiều người lại bỏ việc, quay lại bán hàng rong vì cho rằng vốn ít, lời ngay”, ông Thích minh chứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận