Thị trường

Đại diện doanh nghiệp Mỹ nói gì về thu thuế Youtube, Facebook, Amazon?

22/03/2021, 18:49

Đại diện doanh nghiệp Mỹ nói gì khi ngành thuế quyết tâm thu thuế Youtube, Facebook, Amazon?

img

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) - đứng bên trái, giới thiệu các nội dung của dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/NĐ-CP

Buộc phải kê khai, nộp thuế

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến trước khi ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Nội dung đáng chú ý nhất trong dự thảo thông tư này là quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam phải đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.

Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì bên mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.

Đại diện AmCham nói gì?

Góp ý cho nội dung duy nhất này của dự thảo, ngày 22/3, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tỏ ra băn khoăn khi cho rằng quy định này tạo ra mạng lưới phức tạp về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thu nhập khấu trừ… trong khi Thông tư chưa giải quyết sự khác nhau giữa các Hiệp định thuế mà Việt Nam tham gia ký kết.

“Chúng tôi cũng băn khoăn khái niệm: Hiệp định về thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Theo chúng tôi, khái niệm này quá rộng”, đại diện AmCham nói.

“Chúng tôi cũng xem xét các quy định như cơ sở thường trú mà chưa được quy định trong một số văn bản quy định thuế. Rất mong các quy định trong Thông tư này không đi ngược với các điều khoản trong nước quy định thế nào là ơ sở thường trú, chuẩn mực thuế quốc tế, các điều khoản Việt Nam đã ký”, vị này nói thêm.

Liên quan tới trách nhiệm nhà cung cấp nước ngoài phải kê khai và nộp thuế theo quy định của dự thảo, đại diện AmCham đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ quy định hiện tại và quy định tại dự thảo đối với thuế đối với nhà thầu nước ngoài để áp dụng nhất quán; Đồng thời kiến nghị các nhà cung cấp nước ngoài được bảo hộ thì không có nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp.

“Các hội viên trong Hiệp hội hoạt động ở nhiều quốc gia, nên chúng tôi mong quy định có tính liên tục, đơn giản để tuân thủ bởi hiện tại chi phí tuân thủ thuế ở Việt Nam đã khá cao. Mong rằng khái niệm mới trong Thông tư phải tường minh để tuân thủ và giảm thuế tối đa tính phức tạp và không rõ ràng của quy định”, đại diện AmCham nói.

Đại diện Liên minh Internet quốc tế AIC bà Đỗ Khánh Ly cho rằng: “Do tiến trình soạn thảo đang căng nên có thể giữ lại Chương này (đánh thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số - PV) chưa ban hành vội để thảo luận thêm, chỉ yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế giá trị gia tăng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì nên áp dụng khi có sự hòa hợp với khung thuế toàn cầu của các nước G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mà Việt Nam là thành viên. Khung thuế này theo chúng tôi cập nhật sẽ được hoàn thành giữa năm 2021”.

Đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam

Phản hồi kiến nghị của đại diện AmCham và AIC, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết ghi nhận các ý kiến góp ý. Tuy nhiên, ông Huy cũng cho hay, khung quy định thuế quốc tế mà các đại diện nêu trong đó có quy định của tổ chức OECD thì họ cũng đã phải bàn lại và mấy năm chưa thể thống nhất.

Nội dung liên quan tới kinh doanh thương mại điện tử và nhà cung cấp nước ngoài chúng tôi sẽ rà soát lại, kể cả với nhà thầu, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền đánh thuế của nước chủ nhà.

“Các hiệp định quốc tế cũng quy định về chống xói mòn thuế”, ông Huy nói.

Trước đó, Báo Giao thông đã thông tin, trả lời tại phiên họp Quốc hội ngày 6/11/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng vẫn chưa đóng thuế.

Vì vậy, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết sẽ cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán. Ngành thuế phải tập hợp chứng từ, yêu cầu các doanh nghiệp kê khai chi tiết thay vì chỉ báo cáo chung là chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Có vậy mới bắt đầu được câu chuyện quản lý thuế cho các ngành kinh doanh xuyên biên giới mà không đặt văn phòng ở Việt Nam.

Được biết, hiện nay, nhiều tập đoàn như Facebook, Google... chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam, hầu hết mới chỉ định các đại lý kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên nền tảng này. Các đơn vị này cũng cho phép người dùng có thể tự đăng ký và thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng.

Trong đó, riêng Google và Facebook chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.

Do đó, việc các tập đoàn lớn thu được hàng tỷ USD nhưng không đóng thuế hay đóng nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước dù khó khăn vẫn phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất công trên thị trường.

img

Kết quả xổ số Vietlott 13/3: Tìm người trúng giải độc đắc gần 100 tỷ đồng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.