Ông Nguyễn Hoàng Tuệ cho biết: Tuyến đường trục Bắc Nam (sau khi đưa vào khai thác đổi tên thành đường Nguyễn Cơ Thạch) đi qua giữa khu Sala là do Đại Quang Minh tự bỏ tiền đầu tư cùng với nhiều tuyến đường khác trong nội khu Sala. Khôngliên quan 4 tuyến đường của dự án BT |
4 tuyến đường ở Thủ Thiêm được xây dựng ra sao?
Về thông tin Công ty Đại Quang Minh đầu tư 4 tuyến đường ở khu đô thị Thủ Thiêm với chiều dài 12km có tổng vốn đầu tư 12.182 tỷ đồng, ông Nguyễn Hoàng Tuệ - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh lý giải: Tổng mức đầu tư của dự án là dựa trên thiết kế cơ sở do Liên danh Chodai - Yooshin (Nhật Bản - Hàn Quốc) thiết kế, nhà đầu tư khi đó là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) trình UBND TP.HCM lấy ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng và được các cơ quan quản lý chuyên ngành xem xét thẩm định và hợp đồng thẩm định - phê duyệt.
Vì sao với 4 tuyến đường chủ yếu là nội khu của ĐTM Thủ Thiêm, nhưng thiết kế cơ sở lại đưa ra tổng mức đầu tư cao như vậy? Ông Tuệ giải thích: Khu vực bán đảo Thủ Thiêm là vùng đồng bằng thấp, địa chất cấu tạo bởi các lớp trầm tích có nguồn gốc đầm lầy. Chiều dày lớp đất yếu ở nhiều đoạn tuyến đạt đến hơn 40m. Đơn vị thiết kế đã dựa trên ý tưởng quy hoạch của Sasaki. Đây là trung tâm tài chính quan trọng, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật được ngầm hóa nên không thể để tình trạng đường lún trong quá trình khai thác sau này.
Vì vậy đơn vị thiết kế đã đưa ra giải pháp xử lý nền tương đối triệt để là dùng phương pháp cọc đất gia cố xi măng và bấc thấm hút chân không. Đây là những giải pháp xử lý lún tương đối hiện đại, độ tin cậy cao, tốn chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, các phương pháp này sẽ giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tuổi thọ và mỹ quan công trình, toàn bộ vỉa hè, bó vỉa được sử dụng vật liệu đá granite. Toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của 4 tuyến đường được đầu tư hoàn chỉnh, ngầm hóa đồng bộ như: điện 110kV, điện 22kV, viễn thông, thoát nước mưa, thoát nước thải cho toàn khu vực và hệ thống cấp nước nằm trong hào kỹ thuật bằng bê tông cốt thép, các hệ thống chiếu sáng, cây xanh, tưới tự động, tín hiệu giao thông, sơn đường, biển báo, trạm xe buýt... Do đây là 4 trục đường chính của toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm nên các hạ tầng trên được nghiên cứu, tính toán, thi công trước để các dự án khác sau này xây dựng xong chỉ cần kết nối vào là sử dụng được cho toàn khu vực.
Khi triển khai thi công, căn cứ cao độ hiện trạng trung bình +1.400m của khu vực Thủ Thiêm, tư vấn thiết kế đề ra giải pháp phát quang và đào bóc bỏ lớp đất hữu cơ với chiều dày trung bình 90cm. Sau đó, tiến hành trải vải địa kỹ thuật, bơm cát san nền đến cao độ +1.800m để tạo mặt bằng cho thiết bị thi công xử lý nền. Song song với công tác san nền, hệ thống đường công vụ cũng phải được thi công bên cạnh tuyến chính để tập kết vật tư, thiết bị.
Trải vải địa kỹ thuật |
San ủi nền đường của 4 tuyến đường Thủ Thiêm |
Về giải pháp thiết kế thi công cọc đất gia cố xi măng, toàn bộ nền đường được xử lý bằng trụ đất gia cố xi măng có đường kính 800mm, chiều sâu của trụ 20m - 36m, mỗi trụ cách nhau khoảng 1,5m - 1,8m. Sau khi trụ được thi công xong, lớp cát đầu trụ sẽ được đào tới cao độ đỉnh trụ và thi công lớp cát gia cố xi măng dày 70cm và bê tông C10.
Thi công cọc đất gia cố xi măng để xử lý lún triệt để tại 4 tuyến đường Thủ Thiêm |
Đối với các đoạn được xử lý nền bằng biện pháp bấc thấm hút chân không, nền được xử lý bằng bấc thấm có chiều sâu từ 20m - 25m; vận hành hệ thống hút chân không trong suốt thời gian xử lý từ 6 tháng đến 8 tháng và đắp cát gia tải với chiều cao đắp 3m - 6,5m; độ lún cố kết đạt 2,5m - 4,5m. Sau khi hoàn thành quá trình xử lý lún, tiến hành dỡ tải trước khi thi công nền mặt đường.
Thi công bấc thấm hút chân không để xử lý lún. Nhiều chuyên gia cho biết giải pháp này có chi phí cao gấp nhiều lần các giải pháp xử lý lún thông thường nhưng xử lý triệt để tình trạng lún về sau |
Vì vỉa hè có nhiều hạ tầng kỹ thuật đặt ngầm bên dưới nên cũng được xử lý lún triệt để như lòng đường, để đảm bảo khi đưa vào sử dụng vỉa hè không bị sụt lún, hư hỏng phần đá lát phía trên như vỉa hè của một số tuyến phố khác. Một số ý kiến so sánh với việc làm đường cao tốc, thực tế đường cao tốc bề rộng chỉ 4 làn xe, không có vỉa hè, cây xanh, thoát nước, hệ thống hạ tầng ngầm… như 4 tuyến đường này.
Mỗi tuyến đường trong dự án có thiết kế khác nhau. Có tuyến chỉ rộng 11,6m có tuyến rộng đến 55m. Tuyến R4 dài 2km thì có đến 1,8km cầu cạn. Tổng chiều dài 4 tuyến chỉ 12km nhưng có đến 11 cầu, trong đó có một cây cầu dầm thép bắc qua hầm vượt sông Sài Gòn có chiều dài 100m; một cây cầu vượt qua Quảng trường trung tâm rộng 55m, nhịp 38m, sử dụng bê tông siêu cường lực UHPC, đảm bảo cho các lễ hội duyệt binh, diễu hành. Các cầu khác được đúc trên đà giáo để đảm bảo thẩm mỹ, chi phí xây cầu đắt gấp nhiều lần so với làm đường. Dự án còn có 2 kè dọc sông Sài Gòn trên tuyến R2 và R3 với tổng chiều dài 402.71m. Vì vậy nếu cứ lấy tổng mức đầu tư dự án chia đều cho mỗi kilomet là không chính xác.
Không có chuyện 1.000 tỷ đồng/1km đường
Nói rõ thêm về tổng mức đầu tư 4 tuyến đường, ông Tuệ cho biết: Tổng mức đầu tư được ký kết giữa Nhà đầu tư và Thành phố có giá trị 12.182 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư thanh toán cho nhà đầu tư 8.265 tỷ đồng (trừ đi 3.917 tỷ đồng lãi vay và trượt giá mà nhà đầu tư không được thanh toán).
Tổng vốn đầu tư 8.265 tỷ bao gồm chi phí xây dựng 6.500 tỷ và các khoản chi phí dự phòng khác 1.765 tỷ đồng. Đây là tổng mức đầu tư được xác định ở bước Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trong quá trình triển khai thiết kế bản vẽ thi công, căn cứ các số liệu khảo sát chi tiết, tư vấn thiết kế tối ưu hóa giải pháp thiết kế nhằm giảm chi phí xây dựng so với khái toán ban đầu. Thực tế, đến hiện nay, tổng giá trị xây lắp của dự án chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng so với chi phí xây lắp trong tổng mức đầu tư ban đầu.
Để Đại Quang Minh có thể được Nhà nước thanh toán các chi phí đầu tư, cần tuân theo quy trình thanh toán như sau: Hồ sơ nghiệm thu - thanh toán sau khi được Tư vấn giám sát B (Công ty Kunhwa - Hàn Quốc) xác nhận sẽ được chuyển cho đơn vị kiểm toán độc lập kiểm tra và chuyển cho tư vấn giám sát Nhà nước xác nhận; sau đó được chuyển đến “Tổ công tác xác định khối lượng và giá trị theo tiến độ thực hiện của dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT” (gồm các Sở GTVT, Tài chính, KH&ĐT, TN&MT, Xây dựng, Công thương, Thông tin truyền thông, Ban quản lý Thủ Thiêm) rà soát và tạm xác nhận đến 90% khối lượng - giá trị hoàn thành. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT xem xét cấp giấy CNQSDĐ theo quy hoạch.
Đến hiện nay, giá trị tạm xác nhận cho nhà đầu tư chỉ được khoảng 2.500 tỷ (chưa gồm VAT) đồng so với chi phí nhà đầu tư đã chi trả là khoảng 6.000 tỷ đồng. Chi phí thực tế của dự án sẽ được Sở Tài chính quyết toán và các bên sẽ thanh toán các điều khoản chênh lệch (nếu có) theo Hợp đồng BT.
4 tuyến đường có chạy qua Sala không?
Một số ý kiến khác cho rằng, Đại Quang Minh đầu tư 4 tuyến đường theo hình thức BT, nhưng thực chất 4 tuyến đường này chủ yếu chạy qua khu đô thị Sala của Đại Quang Minh? Ông Tuệ lật bản vẽ thiết kế 4 tuyến đường và cho thấy hầu như không có một tuyến đường nào chạy qua khu đô thị Sala.
Từ hướng quận 1 đi qua quận 2, các tuyến đường R1, R2, R3 phần lớn đều nằm ở phía trái đường Mai Chí Thọ. Đoạn chạy qua phía phải đường Mai Chí Thọ thì cả 3 tuyến đều băng qua phía đầu hầm Thủ Thiêm, qua phân khu chức năng 2B (của Empire City) và kết thúc ở phân khu chức năng 2C (khu đất của Vingroup).
Còn tuyến R4 (Đường Châu Thổ) gồm 2km cầu cạn và 700m đường chạy trên Vùng Châu Thổ thuộc dự án Lâm Viên Sinh Thái.
Bình đồ tổng quát 4 tuyến đường tại Thủ Thiêm, trong đó đường Nguyễn Cơ Thạch chạy qua giữa khu Sala do Đại Quang Minh bỏ tiền đầu tư. Tuyến R4 (màu trắng) chạy trên khu Lâm Viên Sinh Thái. Các tuyến R1, R2, R3 chủ yếu nằm ở phía trái đường Mai Chí Thọ, không đi qua khu Sala |
Tuyến đường Bắc - Nam rộng 6 làn xe chạy xuyên qua khu đô thị Sala được nhiều người nhầm tưởng là một trong 4 tuyến đường đầu tư theo hình thức BT nhưng ông Tuệ khẳng định đây là tuyến đường do Đại Quang Minh bỏ tiền ra đầu tư với chiều dài 982m từ khu Lâm Viên Sinh Thái đến đường Mai Chí Thọ, và đã được bàn giao lại cho Nhà nước khai thác, sử dụng. Đường được đặt tên là Nguyễn Cơ Thạch vào ngày 21/1/2017. Đoạn từ Mai Chí Thọ đến cầu Thủ Thiêm 1 dài 935m do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đầu tư theo hình thức BT là một dự án khác.
Lãnh đạo Công ty Đại Quang Minh cũng cho rằng, mọi người khi đi qua hầm Thủ Thiêm cứ tưởng toàn bộ khu đất bên phải đường Mai Chí Thọ đều thuộc Đại Quang Minh do đổi đất để xây dựng 4 tuyến đường theo dự án BT. Tuy nhiên, thực tế thì Đại Quang Minh chỉ được giao 78,98ha để thực hiện thanh toán dự án BT xây dựng 4 tuyến đường với giá trị là 12.182 tỷ đồng; trong đó, Đại Quang Minh đã thanh toán cho Nhà nước 2.424 tỷ đồng trong năm 2013.
Còn lại phân khu chức năng 2C rộng 31,49ha được giao cho Tập đoàn Vingroup để làm khu phức hợp thể thao giải trí cho cộng đồng; phân khu chức năng 2B rộng 14,56ha được giao cho Empire City để xây dựng đô thị. Khu công viên Rạch Cá Trê rộng 4,98ha và công viên rạch Cầu Kênh 1 rộng 2,34ha thuộc khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa phục vụ cộng đồng dân cư của thành phố cũng như toàn bộ khu Lâm Viên Sinh Thái rộng 150ha là khu vực đất ngập nước tự nhiên sẽ được bảo tồn nguyên trạng để xây dựng khu công viên phục vụ chung cho toàn thể người dân Thành phố đến tham quan tự do sau này chứ không phải phục vụ riêng cho cư dân Sala.
Ông Tuệ cho biết: Thành phố đổi dự án BT xây dựng 4 tuyến đường với 79ha đất cho Đại Quang Minh. Trong đó chỉ có 37,71ha là đất kinh doanh khai thác xây dựng các khu chung cư, biệt thự, còn lại là đất giao thông, công viên... |
Đồng thời, trong 78,98ha đất mà Đại Quang Minh được giao chỉ có 37,71ha là đất kinh doanh khai thác xây dựng các khu chung cư cao cấp như: Sarica, Sarima, khu biệt thự, trung tâm thương mại. Có 34,13ha là đất để xây dựng hạ tầng giao kỹ thuật gồm: đường giao thông, công viên, cây xanh. Có 7,13ha đất xây dựng các công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa...
“Theo nguồn tin chúng tôi được biết, các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đang được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, bao gồm dự án Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT. Vì vậy, mọi vấn đề sẽ được làm rõ sau khi có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ”, ông Tuệ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận