Giáo dục

Dẫn chuyện em Linh “vé số”, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của giáo dục

06/08/2019, 19:21

Thủ tướng đã mở đầu bài phát biểu hội nghị trực tuyến toàn quốc về giáo dục bằng bài báo “Gia cảnh khốn khó của em Linh 'vé số'...".

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Ngày 6/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu bài phát biểu bằng bài báo với tiêu đề “Gia cảnh khốn khó của em Linh ‘vé số’ bị cướp đánh gẫy tay”.

Cha bị bệnh tâm thần, mẹ bị ốm đau, em Linh có ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho mọi người. “Ước mơ của lớp trẻ như vậy thì chúng ta phải dành tình cảm, trách nhiệm rất lớn, nhất là người thầy, người cô và hệ thống quản lý của chúng ta”, Thủ tướng nói

Đột phá GD&ĐT để tạo kỳ tích kinh tế

Thủ tướng hoan nghênh lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự Hội nghị đông đủ, mà theo người đứng đầu Chính phủ, “chưa bao giờ thấy dự đông như vậy”, thể hiện sự quan tâm đến GD&ĐT. Lịch sử và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào về xã hội diễn ra mà không gắn với những đột phá về giáo dục đào tạo.

“Anh muốn chuyển biến của đất nước, phát triển của ngành và địa phương một cách bền vững thì giáo dục đào tạo mang yếu tố là quốc sách hàng đầu”, Thủ tướng nói và ghi nhận những điểm nhấn, thành công của giáo dục trong năm học qua, như: kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng nề nếp hơn, chất lượng hơn; đã phổ cập giáo dục đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,98% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em 5 tuổi đến trường; Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới, 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á...

Chỉ ra các yếu kém, tồn tại để khắc phục, Thủ tướng nêu rõ, công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường học còn kém như tình trạng thừa thiếu trường lớp, học sinh phải đi xa nhà; Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để làm thiết chế trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; Tình trạng, thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non, là vấn đề trở ngại đến sự phát triển bền vững của ngành giáo dục; Nhiều địa phương chỉ bố trí giáo viên theo định mức quy định, dẫn đến quá tải... Đặc biệt, Thủ tướng trăn trở còn tình trạng giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế.

“Người ta nói rằng anh dạy cơ bản được quốc tế đánh giá tốt, nhưng dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết. Cho nên, một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội”, Thủ tướng nhìn nhận.

img
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống mẫu giáo, mầm non hiện nay đang thiếu nghiêm trọng, và phải giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường ĐH sư phạm trọng điểm như Sư phạm Hà Nội, Tp. HCM, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương.

Nhấn mạnh các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng, Thủ tướng nêu thực trạng, nhiều trường hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu… “Học ra để làm việc chứ không phải học ra có cái bằng tượng trưng nào đó do một cái trường kém chất lượng cấp”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “có tên mà không có thực”, "hữu danh vô thực"; đồng thời trình đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên để triển khai trong năm học mới này. “Năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên”, Thủ tướng lưu ý.

“Chúng ta phải có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để GD&ĐT đóng góp vào sự phát triển bền vững, đột phá của đất nước”, Thủ tướng nói.

“Các đồng chí phải làm những việc thiết thực”, Thủ tướng lấy ví dụ như 23 triệu học sinh, sinh viên, 1,4 triệu thầy cô không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần có làm được không, hay phát động học sinh, sinh viên không đua xe, không vi phạm an toàn giao thông, không nghiện ma túy, hay mọi cấp ủy, chính quyền đều quan tâm đến nhà vệ sinh, nước sạch trong trường học.

“Ông bí thư, chủ tịch có bước đến trường học kiểm tra những nhà vệ sinh, nước uống của các em không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Về yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ tình trạng thiếu nguồn nhân lực có đào tạo, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn phải được khắc phục sớm hơn trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế số hiện nay. “Các trường, nhất là các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải làm gì để mở các ngành mới này. Các trường, các ngành kém chất lượng phải thực hiện kiểm định và có kế hoạch nâng cao chất lượng thế nào. Hệ thống giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT phải trả lời, xử lý, giải quyết một cách đồng bộ, chứ không để “thiếu trước hụt sau, chắp vá”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ bứt phá, ngành giáo dục phải bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành cơ chế, chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ, trong đó cần bảo đảm vai trò hội đồng trường phải thực sự đúng thẩm quyền, đúng quy định. Cần thí điểm nghiên cứu thực hiện cơ chế mầm non, phổ thông có đủ điều kiện thực hiện chi tiêu thường xuyên, từ đó, tổng kết, báo cáo Thủ tướng xây dựng nghị định đổi mới cơ chế quản lý mầm non và phổ thông chặt chẽ, phù hợp, không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua những nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.