Cầu Cẩm Sơn bị sà lan va chạm gãy chân cầu, nghiêng khoảng 15 độ hơn hai tháng chưa sửa chữa |
Cầu Cẩm Sơn, bắc qua sông Ba Rài thuộc địa bàn ấp 4 và 2 của xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, Tiền Giang được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2.000, với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng do “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 3/2015, một chiếc sà lan (không rõ biển số kiểm soát) lưu thông trên sông Ba Rài từ hướng thị trấn Cai Lậy về sông Tiền, khi đến cầu Cẩm Sơn thì gặp nước chảy xiết đã va chạm vào chân cầu làm gãy, nghiêng khoảng 15 độ, mặt cầu của nhịp giữa bị hở hai đầu, mỗi bên khoảng 40cm rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Chị Trần Thanh Trà, chủ tiệm thuốc tây Trà nhà ở dưới chân cầu phía ấp 4, xã Cẩm Sơn cho biết, sau khi cầu bị hư chính quyền cho dựng hàng rào ở hai đầu cầu, cấm không cho phương tiện, người tham gia giao thông lưu thông qua lại cầu. Nhưng những ngày đầu, nhiều phương tiện xe ba bánh, xe tải trọng khoảng 1 tấn, hơn một tấn “cố tình” chạy qua cầu, làm gãy hàng rào chắn.
Thấy vậy, chính quyền địa phương cho hàn bốn thanh sắt, cố định ở hai đầu cầu và làm hàng rào sắt ở giữa cầu. Đồng thời tổ chức phà đưa rước khách qua sông Ba Rài, mỗi lượt người và xe gắn máy 4.000 đồng, người đi bộ, xe đạp giá 1.000 đồng, học sinh thì được miễn phí, nhưng phụ huynh đưa rước con em vẫn lấy 1.000 đồng/xe đạp, 2.000 đồng/xe gắn máy.
Dù bị cấm lưu thông nhưng vẫn có người trèo rào đi qua rất nguy hiểm |
Chị Võ Thị Su, ngụ ấp 4, xã Cẩm Sơn cho biết, hơn hai tháng nay mỗi ngày tôi phải mất 4-6 lượt qua lại bằng phà, tốn kém chi phí qua phà từ 20.000-24.000 đồng. Không những thế còn mất rất nhiều thời gian mỗi khi qua phà, thay vì đi xe qua cầu chỉ mất từ 3-5 phút là đến chợ, hay đến ruộng rẫy. Còn đi phà phải mất từ 5-10 phút mới qua được sông Ba Rài.
Còn chị Đỗ Thị Bé Chín, ngụ ấp 4, xã Cẩm Sơn bức xúc: “Tôi làm nghề mua bán mít, lúc cầu chưa hư xe của tôi chạy từ ấp 4 sang ấp 1 và 2 của xã để chở mít, chỉ mất độ khoảng nửa tiếng đồng hồ là đến nơi, nay phải mất cả tiếng đồng hồ chạy vòng hơn 10km mới đến điểm thu mua. “Tốn kém thời gian, công sức, chí phí thì tăng lên quá nhiều. Trong khi mít mua đi bán lại không lời được bao nhiêu”, chị Chín than.
Không chỉ chị Su, hay chị Bé Chín hàng ngày cả trăm lượt người qua lại sông Ba Rài phải lụy phà. Chị Nguyễn Thị Ánh (ngụ ấp 4, xã Cẩm Sơn, có con học tiểu học ở phía ấp 2, mỗi sáng đưa con đi phải qua phà) cho biết: “Đi đò tốn kém tiền bạc, đã vậy còn chậm trẻ giờ học của con cái. Không chỉ vậy, nhiều người khi lên xuống phà bị té ngã do trơn trợt”. Cũng theo chị Ánh, không hiểu sau cầu bị hư hơn 2 tháng không thấy sửa chữa. Rất nhiều hộ kinh doanh mua bán vật tư xây dựng, vật tư nông nghiệp, tiểu thương… đều bị ế ẩm, sức mua giảm hơn hơn 50% so với trước khi cầu bị hư hỏng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông ông Đỗ Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, sau khi kiểm tra phát hiện chân cầu phía ấp 2 bị gãy, nghiêng, hai đầu của nhịp giữa bị hở nhiều nên xã đã chủ động cấm phương tiện, người dân lưu thông qua cầu. Đồng thời bố trí một chiếc phà khoảng 20 tấn, để đưa rước học sinh, người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá. Xã cũng đã báo cáo xin ý kiến UBND huyện Cai Lậy, có biện pháp xử lý sự cố trên.
Châu bị gãy, nghiêng khoảng 15 độ rất nguy hiểm |
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Trưởng phòng kinh tế-Hạ tầng huyện Cai Lậy cho biết: Trước mắt, Sở Giao thông vận tỉnh Tiền Giang bố trí nguồn vốn khoảng 250 triệu đồng để sửa chữa tạm thời. Sau đó sẽ lập dự án xây mới lại cầu Cẩm Sơn, do cầu Cẩm Sơn nối hương lộ 60 với tỉnh lộ 868, đi qua bốn xã Cẩm Sơn, Hiệp Đức, Bình Phú, Long Khánh của huyện Cai Lậy với lưu lượng hơn 1.000 lượt người, phương tiện qua lại cầu này mỗi ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận