Bà K’loih “giới thiệu” về công trình cấp nước sinh hoạt bỏ hoang khiến người dân khát, phải xuống suối cõng nước (Chụp tại thôn 1, xã Liên Đầm, huyện Di Linh, Lâm Đồng) |
Công trình nước sạch tiền tỷ “đắp chiếu”
Giữa cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên, hàng chục người dân thôn 2, thôn 3, xã Tân Thượng, huyện Di Linh, Lâm Đồng mang gùi, cuốc bộ hàng cây số xuống suối “cõng” những chai nước ít ỏi về sinh hoạt. Gia đình nào có điều kiện hơn thì mua can, mua thùng phi rồi dùng xe máy, xe công nông chở nước. Nghịch lý ở chỗ, nhưng người dân nơi đây đang sống ngay dưới những công trình cấp nước sạch tập trung được đầu tư tiền tỷ.
Bà K’Kem, thôn 2, xã Tân Thượng lắc đầu ngán ngẩm cho biết, nhà bà đã đào 8 cái giếng nhưng không cái nào có nước. Khi hay tin Nhà nước đầu tư giếng khoan, gia đình bà đã hiến một phần đất trước sân để khoan giếng, xây dựng công trình cấp nước. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, từ khi công trình đưa vào sử dụng, người dân chưa có một giọt nước để dùng.
Tại Đắk Lắk, nhiều công trình tiền tỷ được Nhà nước đầu tư cho vùng “rốn hạn” như xã Ea Sin (huyện Krông Búk), xã Ea Rốk, Ea R’vê (huyện Ea Súp) sau một thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng rồi bỏ hoang. Điển hình như: Công trình cấp nước tập trung đặt tại xã Ea Rốk được đầu tư 7 tỷ đồng, sau khi đưa vào sử dụng, đến nay không ai “nhận ra” được nữa. Hay công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Ea Sin, đầu tư 1,7 tỷ đồng, phục vụ nước cho 400 hộ, vừa vận hành, nước đã có màu đỏ, mùi rất tanh, người dân không ai dám dùng nên lại “đắp chiếu”. |
“Công trình không có nước thì dỡ bỏ đi, chứ càng ngày càng mục nát mà bồn nước để cao chót vót, vào mùa gió bão nguy cơ đổ sập vào nhà tôi thì ai chịu trách nhiệm?”, bà K’kem lo lắng.
Tương tự, 2 công trình cấp nước đặt tại thôn 1 và thôn 4, xã Liên Đầm, Di Linh cũng rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Theo lời bà K’loih ngụ thôn 1, công trình đưa vào sử dụng khoảng 2-3 năm thì hết nước. Sau đó, chính quyền có đến sửa chữa nhưng đâu lại vào đó. Người dân vẫn phải tiếp tục mang gùi xuống suối “cõng” nước về.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông trên địa bàn huyện Di Linh có hàng chục công trình cấp nước sạch tập trung tại các xã Tân Thượng, Đinh Trang Thượng, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm... đã xuống cấp trầm trọng, xung quanh cây cỏ mọc um tùm. Các đường ống nước, van nước đấu nối lên bồn bị gãy, hộp điện, giá đỡ bị hoen gỉ, giếng nước mất nắp “lộ thiên”, người dân phải dùng gốc cây che chắn sợ gà, vịt rơi xuống.
Không riêng ở Lâm Đồng, tại xã Đắk Nia, TX Gia Nghĩa, Đắk Song, Đắk Nông, người dân sống gần công trình cấp nước sạch tập trung cũng đang “chết khát”, ngày ngày phải mang gùi ra suối “cõng” nước. Theo người dân, lúc đầu công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động tốt, mọi người rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau khi sử dụng được vài năm thì hư hỏng, không vận hành được nữa.
Hàng trăm tỷ đồng hoang phí
Theo tìm hiểu của PV, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được phân bổ cho Trung tâm nước sạch tỉnh hoặc Ban dân tộc, UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Khi xây dựng, chủ đầu tư không khảo sát chất lượng nguồn nước, chất lượng thi công không đảm bảo nên các công trình đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã hư hỏng, xuống cấp. Thậm chí nhiều công trình vừa làm xong đã bỏ hoang.
Hơn nữa, trong quá trình vận hành, chủ đầu tư đã bàn giao công trình cho UBND cấp xã quản lý. Tuy nhiên, chính quyền xã chỉ quản lý chung về mặt Nhà nước, còn thực tế vận hành như thế nào là do người dân tự sử dụng, nếu hư hỏng thì “mặc kệ” nên hầu hết các công trình rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Ông K’Lào, Phó trưởng phòng dân tộc huyện Di Linh thừa nhận: “Phòng dân tộc huyện được giao làm chủ đầu tư xây dựng 30 công trình cấp nước tập trung, với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, các công trình chỉ hoạt động được 70%, còn lại đã xuống cấp và ngưng sử dụng. Nguyên nhân là do mạch nước ngầm tụt giảm, hệ thống máy bơm lâu ngày nên hư hỏng. Ngoài ra, do ý thức bảo quản giữ gìn của người dân không tốt nên hệ thống vận hành thường xuyên bị hỏng hóc”.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong 107 công trình được đầu tư với số vốn 345 tỉ đồng, chỉ có 25 công trình đưa vào vận hành hiệu quả, còn 42 công trình đã ngừng hoạt động, số còn lại đạt ở mức trung bình.
Tương tự, thống kê từ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm nước sạch) tỉnh Đắk Nông cho thấy, toàn tỉnh có 230 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do Danida (Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch) tài trợ và đầu tư bằng ngân sách như: Chương trình 134, 135, 1592 của Chính phủ với tổng vốn hơn 233 tỉ đồng. Theo thiết kế, các công trình này cấp nước sinh hoạt cho 22.000 hộ, khoảng 110.000 người.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 103 công trình hoạt động (chiếm 44,8%), còn 127 công trình có số vốn đầu tư hơn 84 tỉ đồng đã “đắp chiếu”. Trong số những công trình còn hoạt động, chỉ có 20 công trình hoạt động tốt, 53 công trình ở mức trung bình, 30 công trình còn lại hoạt động rất kém hiệu quả. Như vậy, theo số liệu toàn tỉnh Đắk Nông có ít nhất 60.000 người dân trong diện thụ hưởng phải “khát nước”, từ công trình đầu tư tiền tỷ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận