Xã hội

Dân xóm Khanh sống thế nào sau vụ 18 người bị lũ cuốn?

25/07/2019, 06:08

Cuộc sống của người dân xóm Khanh sau 2 năm xảy ra vụ sạt lở khiến 18 người chết vẫn còn khó khăn.

img
Cuộc sống dần ổn định trở lại nhưng người dân xóm Khanh vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn

Sau 2 năm xảy ra vụ sạt lở khiến 18 người tử vong, cuộc sống của người dân xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) vẫn chật vật, khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, đất canh tác bị sạt lở, giao thông còn khó khăn cách trở.

Dân đã ổn định ở nơi tái định cư

Ngày cuối tháng 7/2019, PV Báo Giao thông trở lại xóm Khanh, nơi xảy ra vụ sạt lở đất đá kinh hoàng vào đêm 11 rạng sáng 12/10/2017 đã vùi lấp 6 căn nhà, cướp đi sinh mạng của 18 người.

Ghi nhận của PV, tại khu vực thác Khanh, chính quyền đã cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở, in cả số điện thoại đường dây nóng để khi có việc người dân tiện liên lạc. Giờ các hộ dân gần đó cũng được di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn. “Trước kia thác Khanh đẹp lắm, xã còn đề nghị với huyện để làm thành khu du lịch. Bây giờ khu vực đó không ai ở nữa rồi, các hộ đã di dời ra xa bên ngoài để sinh sống. Cuộc sống đến bây giờ tạm thời ổn định hơn”, ông Bùi Văn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường chia sẻ.

Theo báo cáo của UBND xã Phú Cường gửi HĐND huyện Tân Lạc về kết quả việc thực hiện công tác di dân tái định cư trên địa bàn xã Phú Cường năm 2019, tổng số hộ phải di dời tái định cư từ năm 2017 đến năm 2018 trên địa bàn là 56 hộ (trong đó có 29 hộ xóm Khanh, còn lại là những xóm khác cũng trong vùng nguy hiểm). Kinh phí di dời tái định cư cho các hộ ở xóm Khanh chủ yếu từ nguồn các nhà hảo tâm và Trung ương hỗ trợ. Nhìn chung đến nay, cuộc sống của người dân tại nơi ở mới đã tạm thời ổn định. “Tuy nhiên, do khu tái định cư không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm ổn định nên người dân vẫn gặp nhiều khó khăn”, ông Lực nói.

Mong có nước sạch, có định hướng sản xuất

img
Khu vực xảy ra vụ sạt lở khiến 18 người tử vong

Đứng trước cửa ngôi nhà mới xây hai tầng khang trang nhưng chưa sơn phủ, bà Đinh Thị Siêu (52 tuổi, người xóm Khanh) chia sẻ, hôm xảy ra sạt lở chỉ có 2 mẹ con ở nhà, may mắn hai mẹ con chui vào kẽ đá để tránh nên thoát chết. Nhưng khi cơn lũ dữ đi qua, bà chui ra thì bàng hoàng thấy nhà chính, nhà bếp đều bị sập, tài sản, lợn, gà bị cuốn trôi hết.

Khoảng 1h30 sáng 12/10/2017, tại xóm Khanh đã xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng. Hàng nghìn mét khối đất, đá ập xuống, vùi lấp 6 căn nhà, cướp đi sinh mạng của 18 người. Ngoài ra, 4 căn nhà cận kề cũng bị vùi lấp, may mắn không có thiệt hại về người. Hàng chục căn nhà khác bị nước ngập sâu, hư hỏng nhiều đồ đạc, tài sản. Hàng trăm con gia súc, nhiều diện tích hoa màu bị lũ cuốn trôi, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.


“Tôi và hai con phải đi ở nhờ trường mầm non của xã. Sau các anh em có chia cho một mảnh đất ở ngoài đường QL6 để làm nhà, UBND huyện Tân Lạc hỗ trợ cho 20 triệu đồng, các nhà hảo tâm, các tổ chức hỗ trợ cho được thêm 1 chút. Giờ tôi đã cất được ngôi nhà trị giá khoảng 200 triệu đồng khang trang này, nhưng chỉ có cái nhà vậy thôi. Hiện nay, tôi đang nợ ngân hàng 80 triệu đồng. Lo nhất là giờ không biết làm gì để ổn định cuộc sống”, bà Siêu tâm sự.

Theo bà Siêu, trước khi sạt lở nhà bà cũng có đất để trồng lúa, trồng ngô, nhưng giờ thì đất đá tràn lên đất canh tác, không trồng cấy được nữa, bà phải đi làm thuê, ngày nào có việc cũng được hơn 100 nghìn đồng, ngày nào không có việc thì nhà lại đối diện nguy cơ đói. “Tôi cũng mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ về việc làm, có ruộng đất canh tác”, bà Siêu nói.

Ông Đinh Văn Xiên, Phó trưởng xóm Khanh cho biết thêm, nguyện vọng của bà con mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với các hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở có đất canh tác, có việc làm để trang trải cuộc sống, có đường giao thông đẹp hơn giúp người dân đi lại đỡ vất vả, thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Đặc biệt, ở xóm Khanh, các hộ dân đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nước dẫn từ các mó trên núi về và nước giếng đào thường không đủ dùng, thiếu vệ sinh, vì vậy cũng mong muốn chính quyền có giải pháp khắc phục giúp đỡ người dân chúng tôi”, ông Xiên đề xuất.

Ông Đinh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết, hiện tại những hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở đã di dời hết, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp từ mưa lũ ở khu vực đó đã không còn nữa. Sau khi xảy ra vụ việc, các nhà hảo tâm cũng thường xuyên đến thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình, huyện cũng hỗ trợ giống lúa cho bà con tái sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, huyện cũng đang trong giai đoạn khó khăn nên việc đầu tư hạ tầng khu tái định phải thực hiện theo hình thức huy động dần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.