GS.TS. Nguyễn Trọng Phúc |
Đổi mới bộ máy Đảng phải gắn liền với bộ máy Nhà nước, nhất là về biên chế. Lâu nay, nhiều người vào bộ máy nhưng chẳng biết làm gì cả, có vị trí nhưng không làm việc thực sự, không có đóng góp thực sự. Vì vậy, cần kiên quyết đưa ra khỏi biên chế những người không có việc gì làm.
Đổi mới hệ thống chính trị của Đảng đã có chủ trương từ rất lâu rồi. Lần này, Trung ương quyết định sắp xếp bộ máy, giảm biên chế gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là tiếp tục tinh thần trước đây, nhưng nay ở mức cao hơn, quyết liệt hơn.
Chúng ta nói đổi mới cả bộ máy Đảng, cả bộ máy Nhà nước, nhưng Đảng phải tiên phong thực hiện, phải đổi mới mạnh mẽ bộ máy của Đảng trước. Trước đây, Nghị quyết Trung ương 6 khoá X cũng đã có sự đổi mới trong Đảng tương đối mạnh mẽ, đã sắp xếp các ban Đảng cho gọn hơn, rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các ban như: Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Trung ương…
Mục tiêu quan trọng là lần này ta phải thấy được những cơ quan nào tương đồng nhau về chức năng, nhiệm vụ thì có thể thống nhất, gói gọn lại thành một đầu mối để bớt cồng kềnh. Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ. Về phía Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương với chức năng kiểm tra Đảng cũng có độc lập; phía Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng có tính độc lập, nhưng nếu nghiên cứu để thống nhất lại được thì tốt hơn, vừa giảm được bộ máy, giảm được biên chế, lại bớt trùng lắp, chồng chéo trong công việc.
Hay như bên Nhà nước có Bộ Ngoại giao, bên Đảng lại có Ban Đối ngoại thì cái đó có thể thống nhất lại được, nên làm để bớt đầu mối, tránh chồng chéo.
Vừa rồi, Quảng Ninh là địa phương tiên phong làm khá tốt khi sáp nhập Phòng Nội vụ của huyện với Ban Tổ chức, sáp nhập Ban Tuyên giáo với Phòng Văn hoá thông tin.
Tương tự như vậy, lần này, tôi cho rằng các ban Đảng cũng nên sắp xếp lại cho gọn, nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt chức năng, đảm bảo tham mưu tốt cho Trung ương, chứ không phải tinh gọn là bỏ chức năng nhiệm vụ đi.
Đổi mới bộ máy Đảng phải gắn liền với bộ máy Nhà nước, nhất là về biên chế. Lâu nay, nhiều người vào bộ máy nhưng chẳng biết làm gì cả, có vị trí nhưng không làm việc thực sự, không có đóng góp thực sự. Vì vậy, cần kiên quyết đưa ra khỏi biên chế những người không có việc gì làm. Phải mạnh dạn mới giảm biên chế được.
Tinh thần chung là cái gì thật cần thiết thì để, cái gì không cần thì kiên quyết bỏ, như vậy mới mang ý nghĩa cách mạng, còn cứ du di, “nhìn trước ngó sau” thì rất khó thay đổi. Đổi mới là phải nhìn từ nhiệm vụ mà sắp xếp tổ chức, con người chứ đừng nhìn người mà đặt nhiệm vụ. Có như vậy mới khắc phục được khiếm khuyết trong công tác cán bộ mà ta đề cập lâu nay.
GS.TS. Nguyễn Trọng Phúc
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận