UBND tỉnh yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm an toàn hàng hải, gây cản trở luồng tàu ra vào cảng Chân Mây |
Lên tiếp những chuyến tàu quốc tế ra vào cảng Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế) bị đáy, rớ đánh bắt tôm hùm của người dân cản luồng tàu, vi phạm an toàn hàng hải. Đích thân chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao vừa thị sát, yêu cầu ngành chức năng cương quyết xử lý dứt điểm.
Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cho biết, hiện có 269 hộ sử dụng đăng đáy, rớ, trong đó có 75 hộ thường xuyên vi phạm luồng tàu ra vào cảng Chân Mây. Địa phương đã tổ chức tuyên truyền, yêu cầu cam kết và tổ chức tịch thu tiêu hủy đáy, rớ vi phạm từ năm 2006, nhưng sau đó tình trạng này lại tái phát. “Việc người dân đặt đáy, rớ gây cản trở tàu ra vào cảng Chân Mây là vi phạm pháp luật. Xã đã tổ chức họp và đăng ký chuyển đổi nghề, nhưng kinh phí cho việc này rất khó”, ông Ga nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Chân Mây ngao ngán: “Thống kê cho thấy có khoảng 60 chuyến tàu ra vào cảng bị sự cố do đáy lưới đánh bắt tôm hùm của người dân. Riêng từ năm 2014 đến nay, con số này là 13 trường hợp”.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ân Định cho hay, tôm hùm giống thường xuất hiện khi có gió mùa Đông Bắc, càng sóng gió càng có nhiều tôm, trong khi càng sóng gió hoạt động đảm bảo an toàn hàng hải đối mặt với nguy hiểm, nhất là ban đêm...
Được biết, đầu tháng 2 vừa qua, tàu du lịch Seven Seas Voyager vừa rời cầu cảng Chân Mây bất ngờ có hành khách bị đột quỵ cần tàu lai hỗ trợ đưa vào cấp cứu. Yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp, nhưng do đáy lưới dày đặc, tàu lai và thuyền cứu sinh trên tàu không thể đưa hành khách vào bờ. Sau gần 5 giờ nỗ lực, điều động tàu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn tại Đà Nẵng ra ứng cứu, vị khách mới được di chuyển lên bờ thành công để đến cơ sở y tế điều trị.
Lo ngại nguy cơ mất an toàn cho tàu thuyền hoạt động tại đây, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu lực lượng công an, biên phòng theo dõi, xử lý, đưa các đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước nhân dân, lập chuyên án xử lý. “Trước mắt phải khẩn trương cắm mốc trên biển, trên bờ để phân định rõ khu vực cấm khai thác để quản lý nghiêm, thông báo cho ngư dân…”, ông Cao nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận