Kiểm định phương tiện tại một trung tâm đăng kiểm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần tại Hà Nội |
Trách nhiệm, hướng tới khách hàng
Theo Cục Đăng kiểm VN, trong khoảng hai năm qua, bên cạnh các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được thành lập theo hình thức đầu tư xã hội hóa, một số địa phương đã thực hiện cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT.
Ông Phạm Mạnh Tường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới giao thông Lào Cai cho biết, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần 100% vốn tư nhân, bộ máy được tổ chức lại theo Luật Doanh nghiệp, nhân sự không biến động, nhưng tinh thần trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân trong đơn vị nâng lên rõ rệt.
"Trung tâm đăng kiểm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đều phải tính đến yếu tố lợi nhuận. Giá kiểm định bằng nhau nên khi có sự cạnh tranh giữa các đơn vị dễ dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, bỏ qua khiếm khuyết kỹ thuật của phương tiện để thu hút khách hàng. Cục Đăng kiểm VN cũng phải tăng giám sát từ xa bằng công nghệ, kiểm tra, phúc tra đột xuất chất lượng kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm." Ông Ngô Hồng Hệ |
“Sau khi cổ phần hóa, hầu hết nhân viên trong đơn vị đều nhận thức tốt hơn về việc tự mình làm chủ công ty nên tinh thần trách nhiệm trong công việc nâng lên rõ rệt so với trước kia. Điều này thể hiện rõ qua cung cách giao tiếp, phục vụ khách hàng hay sự giữ gìn, bảo quản tài sản, trang thiết bị của công ty”, ông Tường nói và cho biết, thu nhập của đăng kiểm viên, người lao động được tính theo hệ số lương doanh nghiệp và giữ được ổn định.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đắc, Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ cũng cho biết, đơn vị chuyển từ mô hình công ty Nhà nước sang cổ phần hóa 100% vốn xã hội hóa đã có sự thay đổi trong cung cách quản lý, giúp tạo thay đổi ý thức trách nhiệm công việc đối với đăng kiểm viên, nhân viên. Cụ thể, đăng kiểm viên, nhân viên vi phạm quy trình nghiệp vụ sẽ bị công ty giảm lương, thưởng, trường hợp vị cơ quan chức năng kỷ luật sẽ bị công ty áp dụng kỷ luật ở mức gấp đôi.
“Sau cổ phần hóa, các quy định của công ty sát sườn hơn với bộ phận lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên, liên quan đến thu nhập của mỗi người nên tạo sự thay đổi rõ ràng trong ý thức trách nhiệm của từng người”, ông Đắc cho biết.
Xu hướng cạnh tranh
Liên quan đến doanh thu, lãnh đạo các đơn vị đăng kiểm đều cho biết, do giá kiểm định phương tiện được Nhà nước ấn định nên doanh thu của doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào việc số lượng phương tiện đến kiểm định. Mặt khác, hầu hết các trung tâm đăng kiểm sau khi được cổ phần hóa cũng chỉ dừng lại ở lĩnh vực kiểm định phương tiện, nên thu nhập của người lao động chủ yếu giữ ở mức tương đương so với trước. Thậm chí, ở một số địa bàn, khi có thêm trung tâm đăng kiểm được đầu tư mới theo hình thức xã hội hóa, thu nhập khó khăn hơn.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm cơ giới thủy, bộ Sơn La cho biết, đơn vị được cổ phần hóa theo hình thức Nhà nước giữ 20% vốn, sau khi chuyển đổi mô hình, hoạt động của đơn vị phải năng động hơn để cạnh tranh với một trung tâm xã hội hóa khác đã được thành lập trên địa bàn. “Đơn vị đã nỗ lực để nâng chất lượng dịch vụ, thu hút phương tiện, nhưng không có lợi thế về vị trí nên phương tiện đến kiểm định giảm so với trước, khiến doanh thu giảm, thu nhập của đăng kiểm viên, người lao động giảm. Một đăng kiểm viên, người lao động của đơn vị đã chuyển đi nơi khác”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, trong năm 2018, một số trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT các địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Kạn cũng sẽ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp cổ phần hóa. Điều này giúp tạo sân chơi bình đẳng giữa các trung tâm đăng kiểm, song cũng tạo ra xu hướng nâng chất lượng dịch vụ, sắp xếp bộ máy để tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực đăng kiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận