Thiết bị xếp dỡ, thiết bị áp lực trên máy bay và cảng hàng không thuộc đối tượng kiểm định an toàn kỹ thuật |
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 36 (có hiệu lực thi hành từ 1/12/2017) quy định về huấn luyện, bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ kiểm định thiết bị xếp dỡ, thiết bị áp lực trong lĩnh vực GTVT. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định thiết bị xếp dỡ, thiết bị áp lực lắp đặt trên phương tiện cơ giới đường bộ, hàng không, đường sắt và tại cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt.
Như vậy, theo thông tư này, đăng kiểm viên ô tô hoàn toàn có đủ thẩm quyền và chức năng để kiểm định các thiết bị trên máy bay và tại cảng hàng không.
Cũng theo thông tư, kiểm định viên là người phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 9 Nghị định 44 ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động (tốt nghiệp đại học, ít nhất 2 năm làm kỹ thuật kiểm định hoặc thiết kế, lắp đặt, bảo trì về đối tượng kiểm định) và hoàn thành khóa huấn luyện nghiệp vụ sẽ được sát hạch để cấp chứng chỉ kiểm định viên. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định được quy định cụ thể trong thông tư.
Cục Đăng kiểm VN là đơn vị tổ chức sát hạch nghiệp vụ, theo cơ chế hội đồng sát hạch, cấp chứng chỉ kiểm định viên. Thông tư cũng quy định: đăng kiểm viên tàu biển, phương tiện thủy nội địa, xe cơ giới (ôtô) và phương tiện giao thông đường sắt có ít nhất 2 năm thực hiện kiểm định thiết bị nâng, thiết bị áp lực và sau khi hoàn thành huấn luyện, bồi dưỡng lý thuyết nghiệp vụ kiểm định sẽ được cấp chứng chỉ kiểm định thiết bị xếp dỡ, thiết bị áp lực trong lĩnh vực GTVT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận