Tài chính

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Phải qua dịch vụ mới "thông"?

18/10/2024, 07:56

Quy định đã rất rõ ràng, song nếu người dân, doanh nghiệp tự thực hiện thì không biết bao giờ mới xong. Còn nếu nhờ dịch vụ với chi phí gấp 2- 3 lần, mọi việc lại rất nhanh chóng.

Gập ghềnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Bài 1: Mất thời gian, chi phí và cơ hội kinh doanh

Bài cuối: Phải qua dịch vụ mới "thông"?

Muốn sớm xong việc phải chịu chi

Trước phản ánh của chị Trang, chị Hương, trong vai người có nhu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, PV Báo Giao thông đã có mặt tại Cục Sở hữu trí tuệ trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội để ghi nhận thực tế.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Phải qua dịch vụ mới "thông"?- Ảnh 1.

Mỗi người ôm cả tệp hồ sơ làm dịch vụ, hàng chục đại diện sở hữu công nghiệp chờ nộp đơn đăng ký bảo hộ tại bộ phận một cửa.

Theo quan sát, bộ phận một cửa thực hiện bảo hộ nhãn hiệu nằm ngay cổng vào, tại đây có 4 quầy tiếp nhận. Trong đó, quầy 1 tiếp nhận công văn sửa đổi, bổ sung, thu phí, lệ phí cấp văn bằng; quầy 2 tiếp nhận đơn liên quan đến văn bằng, thu phí, lệ phí cấp văn bằng; quầy 3 tiếp nhận đơn xác lập quyền và quầy 4 trả kết quả xử lý đơn và văn bằng bảo hộ.

Phí, lệ phí thực hiện cũng được công khai, chẳng hạn nộp đơn là 150.000 đồng; phí công bố đơn 120.000 đồng; phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung 180.000 đồng/nhóm hàng hoá, dịch vụ; phí thẩm định nội dung 550.000 đồng/nhóm hàng hoá dịch vụ… Tính ra tổng chi phí chỉ khoảng 1 triệu đồng với đơn 1 nhóm hàng hoá dưới 6 sản phẩm.

Để thực hiện các giao dịch qua bộ phận một cửa, người giao dịch sẽ lấy số tự động và chờ được gọi theo thứ tự. Quy trình được thực hiện khá nhanh chóng, thế nhưng điều làm PV bất ngờ là phần lớn các giao dịch đều do các đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện.

Cầm trên tay gần chục mẫu đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chị Hiền, nhân viên của một đại diện sở hữu công nghiệp ở Hà Đông giới thiệu, mức phí dịch vụ khoảng 2,8-3,5 triệu đồng tuỳ sản phẩm và nhóm hàng hóa.

Theo quy trình, từ lúc nộp hồ sơ đến khi có văn bằng thường mất tối đa khoảng 2 năm, với các mốc gồm: Ngày nộp đơn, kết quả thẩm định hình thức, công bố đơn, kết quả thẩm định nội dung.

Tương tự, nhân viên tư vấn của Công ty Luật SHTT Taga (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, hiện đơn vị có 2 mức giá cho dịch vụ bảo hộ nhãn hiệu là 2,2 triệu đồng cho việc tra cứu sơ bộ và nộp đơn, 2,8 triệu đồng cho tra cứu chuyên sâu và nộp đơn. Thời gian thực hiện tối đa 2 năm.

Trước thắc mắc về việc "tại sao nhiều trường hợp tự nộp sẽ phải mất 5-6 năm nhưng công ty lại cam kết tối đa 2 năm", vị tư vấn viên thừa nhận, đại diện sở hữu công nghiệp sẽ được ưu tiên theo dõi, xử lý nhanh hơn: "Có nhiều khách hàng làm 5 năm chưa được nên phải liên hệ bên em xử lý".

Đại diện sở hữu công nghiệp là ai?

Theo một đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, đại diện sở hữu công nghiệp gồm tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong tổ chức đó. Hằng năm, Cục sẽ tổ chức thi và chọn ra đại diện sở hữu công nghiệp.

Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ở Việt Nam là một ngành kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, một dịch vụ pháp lý mang tính chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, đã được hình thành từ những năm 1996. Vì vậy, việc tuyển chọn rất khó, có thể 300 người dự thi chỉ đạt khoảng 3 người.

Theo công bố trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay, có khoảng 386 tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và 440 cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong các tổ chức trên.

Theo quy định, đại diện sở hữu công nghiệp sẽ đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm bảo hộ nhãn hiệu); tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp…

Tuy nhiên, đơn vị này cũng phải thông báo rõ các khoản, các mức phí và lệ phí liên quan đến thủ tục xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp, các khoản và các mức phí dịch vụ theo bảng phí dịch vụ đã đăng ký; giữ bí mật thông tin, tài liệu được giao liên quan đến vụ việc mà mình đại diện…

Khi PV thắc mắc việc mỗi nơi mỗi giá và cao hơn giá quy định nhiều lần, vị đại diện tỏ ra khó chịu và cho rằng "đã có quy định và việc giá cao hơn là vì đó là dịch vụ, việc chọn hay không vẫn do doanh nghiệp".

Còn về thời gian có thể được rút ngắn, một cán bộ khác bày tỏ, do đại diện sở hữu công nghiệp "biết hơn" thì làm thủ tục tốt hơn nên thường các đơn sẽ thuận lợi. Nếu lâu quá họ sẽ làm đơn thúc. Trong khi các doanh nghiệp, cá nhân có thể không biết quy trình này.

Vì sao không hồi âm doanh nghiệp?

Liên quan đến phản ánh của các doanh nghiệp không được hồi âm, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Huy Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, theo quy định, để bảo hộ một nhãn hiệu mất khoảng 1 năm. "Nếu thực hiện không có vướng mắc thì 9 tháng hoàn thành thẩm định nội dung và hình thức, đến lúc công bố là khoảng 11-12 tháng", ông Huy Anh nói.

Còn trong trường hợp đơn có thiếu sót, cục phải ra thông báo, sau đó người nộp đơn phải khắc phục theo yêu cầu, dẫn đến thời gian bị kéo dài.

Ông Lê Huy Anh cũng cho biết, có những trường hợp đơn phải sửa rất nhiều lần, hoặc có những trường hợp đơn bị phản đối hoặc tranh chấp thì xử lý sẽ rất lâu và phức tạp. "Hình thức thì muôn hình vạn trạng lắm nên có thể bị lâu", ông Huy Anh cho hay.

Riêng với trường hợp của chị Trang và chị Hương như Báo Giao thông đã nêu ở kỳ trước, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận, đã nhiều lần chấn chỉnh tình trạng này và tiếp tục cho chấn chỉnh.

"Có thể hệ thống chuyển qua bưu điện có vấn đề, chúng tôi không phủ nhận", ông Huy Anh nói và lập luận thêm rằng, có nhiều trường hợp đăng ký một nơi nhưng hoạt động một nơi.

"Còn trường hợp doanh nghiệp không biết kết quả đơn của mình, nhưng các đơn vị dịch vụ nắm rõ và dựa vào thông tin đó để mời chào làm dịch vụ với giá cao… liệu có phải là "sân sau"?", PV đặt câu hỏi. Ông Huy Anh giải thích, các công ty dịch vụ nếu đủ điều kiện theo quy định sẽ được thực hiện đại diện doanh nghiệp thực hiện việc bảo hộ. Điều này là đúng quy định.

"Tất cả thông tin về kết quả thẩm định các nhãn hiệu đều được công bố trên mạng Wipo Publish, ai cũng có thể xem. Có thể người làm bảo hộ không biết việc này nhưng những đơn vị dịch vụ họ có nghiệp vụ, họ đều có thể xem và tìm hiểu các nhãn đang vướng ở đâu thông qua những tin được công bố.

Nhãn hiệu "muôn hình vạn trạng" nên doanh nghiệp hay cá nhân bảo hộ cần hiểu rõ quy định để không bị sai sót, sẽ khiến thời gian thực hiện kéo dài", ông Huy Anh nói thêm.

Trước câu hỏi vì sao đang ở thời đại số hoá mạnh mẽ, là một cơ quan đầu não về số hóa những vẫn chọn cách liên lạc truyền thống gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ Lê Huy Anh cho biết, với những đơn đăng ký mới, Cục đã bắt đầu đưa phương thức liên lạc bằng zalo, gmail vào triển khai, bước đầu cho thấy hiệu quả. Thời gian tới, Cục sẽ đẩy mạnh nhiều phương thức số hóa.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.