Thế giới

Đằng sau ánh hào quang của Hoàng gia Nhật

03/09/2016, 09:04
image

Đằng sau ánh hào quang Hoàng gia, người trong cuộc chỉ muốn thoát khỏi cuộc sống danh gia vọng tộc…

1
Bức ảnh đại gia đình Nhật hoàng

Ít ai biết đằng sau ánh hào quang Hoàng gia, người trong cuộc chỉ muốn thoát khỏi cuộc sống danh gia vọng tộc…

Hoàng gia Nhật được bọc trong nhung lụa và… áp lực

Đầu tháng 8 năm nay, Nhật hoàng Akihito bất ngờ gửi thông điệp tới người dân rằng những mệt mỏi vì tuổi cao sức yếu, vì chữa trị ung thư và lo ngại không thể đảm nhiệm công việc cộng đồng như trước nay vẫn hoàn thành. Trong động thái hiếm hoi, Nhật hoàng ấp ủ mong muốn thoái vị; Nhưng không dám đề cập thẳng. Dù đa phần người dân Nhật thông cảm với ý nguyện của Nhật hoàng nhưng xét về pháp luật và chính trị, để thoái vị, buộc Hiến pháp Nhật phải thay đổi.

Thủ tướng Shinzo Abe nhận định việc cân nhắc để Nhật hoàng từ chức là cần thiết. Song, dựa trên quan điểm bảo thủ của ông Abe, đây là động thái nhằm đưa phụ nữ lên nắm ngai vàng, trái với truyền thống. Bởi, Thái tử Naruhito chỉ có một con duy nhất là con gái. Câu chuyện chỉ bộc lộ một góc khuất rất nhỏ đằng sau ánh hào quang của Hoàng gia Nhật.

Tờ Telegraph từng tiết lộ, Hoàng gia chi tiêu mỗi năm 150 triệu bảng Anh (khoảng 4,4 nghìn tỉ VND) trích xuất từ quỹ công. Hoàng gia Nhật có bốn bác sĩ riêng túc trực 24/7, 5 người phụ trách quần áo, 11 người hỗ trợ thực hiện nghi thức Thần đạo (Shinto). Tính cả những người phụ trách làm vườn, đầu bếp, bảo trì dinh thự… thì con số lên tới 1.000 người. Riêng, dinh thự Hoàng gia Nhật tại Tokyo – nơi Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko ngự - có tới 160 người giúp việc. Công việc của thành viên Hoàng gia thường là tham dự các buổi lễ tôn giáo, khai mạc Quốc hội và phần lớn là các công việc phúc lợi xã hội như tới thăm các khu vực sơ tán sau khủng hoảng, thăm trung tâm dành cho người già và người khuyết tật.

Hoàng gia Nhật hướng tới lối sống khép kín, cẩn trọng, không xuất hiện quá nhiều trên truyền thông, nếu có, các nhà báo đều là những người được tuyển chọn và phải tuyên truyền đúng mực. Do đó, nhìn bề ngoài, cuộc sống Hoàng gia luôn khiến dân thường phải ngưỡng mộ. Kỳ thực, đằng sau cánh cửa Hoàng gia là những áp lực đè nặng từ người lớn đến trẻ nhỏ, tới mức trầm cảm mà dân thường khó lòng tưởng tượng.

Áp lực phải có con trai

Thái tử phi Masako (52 tuổi), đã và đang phải điều trị các bệnh liên quan tới áp lực, căng thẳng trong hơn 10 năm nay. Bà từng du học tại Havard (Mỹ), là một người năng động, yêu thể thao, làm ngoại giao nên không thích gò ép bản thân. Cảm động sau hai lần cầu hôn tha thiết của Thái tử Naruhito, bà chấp nhận, khép lại công việc ngoại giao, bước chân vào Hoàng cung, gò mình vào khuôn phép, lễ nghi và cuộc sống khép kín từ năm 1993.

2d
Người dân Nhật xem thông điệp bằng video hiếm có từ Nhật hoàng

10 năm sau, Thái tử phi Masako dần ít xuất hiện trước công chúng và Hoàng gia công bố, Thái tử phi phải điều trị vì căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, sau đó, chính Thái tử bất ngờ tiết lộ chính cuộc sống gò bó, bảo thủ khiến phu nhân hoàn toàn kiệt sức. Mặc dù sau đó, ông phải xin lỗi khi đổ tội cho Hoàng gia; nhưng Thái tử khẳng định nói thẳng khó khăn trong gia đình là trách nhiệm của ông để xây dựng một kiểu Hoàng gia mới phù hợp với xu thế thế kỷ 21.

Không chỉ một lần, Thái tử nhiều lần sau đó làm “bia đỡ đạn” cho vợ khi bị truyền thông chỉ trích ít hoạt động. Năm 2008, Thái tử đăng đàn cầu xin người dân thông cảm vì “Masako vẫn nỗ lực hết mình để giúp đỡ mọi người xung quanh”. Dù được Thái tử bao bọc nhưng Thái tử phi Masako vẫn bị trầm cảm suốt 12 năm ròng, nhiều lần ra nước ngoài để trị liệu.

Ngoài áp lực cuộc sống, người ta cho rằng, gánh nặng phải sinh con trai thừa kế là nguyên nhân chủ yếu khiến Thái tử phi Masako trầm cảm. Vợ chồng Thái tử chỉ sinh hạ được duy nhất một cô con gái vào năm 2001. Trong quy định Hoàng gia tồn tại hàng nghìn năm, Nhật hoàng không truyền ngôi cho con gái. Đây cũng là một phần lý do khiến Nhật hoàng Akihito đến nay dù ốm yếu vẫn không thể thoái vị, nhường ngôi cho Thái tử. Vì luật pháp Nhật bắt buộc Nhật hoàng phải tại vị cho đến khi băng hà. Việc nhường ngôi sẽ tạo ra tiền lệ khiến dư luận lo ngại, sau này, gia đình Hoàng gia muốn đưa con gái lên ngôi.

Nếu Thái tử lên ngôi Nhật hoàng, Thái tử phi Masako sẽ thành Hoàng hậu và áp lực sẽ còn nặng nề hơn. Thực tế, năm 2007, chính Hoàng hậu Michiko cũng thừa nhận gặp vấn đề tâm lý căng thẳng. Áp lực cuộc sống của Hoàng gia lâu đời nhất thế giới khiến Hoàng hậu Michiko, 72 tuổi bị tổn hại sức khỏe dẫn tới xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam, nhiệt miệng.

Công chúa bị trêu chọc đến mức nghỉ học

Được làm công chúa là giấc mơ của nhiều cô gái. Nhưng tại Nhật, cuộc sống công chúa không như mơ. Công chúa Aiko, 15 tuổi nhiều lần phải nghỉ học vì bị các bạn trêu chọc. Có lần, người đứng đầu cơ quan Nội chính Hoàng gia - Issei Nomura, chuyên quản lý các vấn đề của Thái tử cùng gia đình cho biết, Công chúa Aiko phải nghỉ học vì bị đau bụng và lo âu. Theo ông Issei Nomura, công chúa từng bị các bạn trai trong lớp dùng bạo lực khi còn học cấp I.

Thái tử phi Masako nhiều lần phải đến trường, ngồi cùng con để công chúa can đảm đi học. Thậm chí, cả Thái tử Naruhito không ít lần đích thân hộ tống con tới trường. Đây là điều hiếm thấy trong văn hóa Nhật. Tại Nhật, việc chăm lo cho gia đình, con cái hoàn toàn thuộc về phụ nữ. Song có lẽ, cả Thái tử và Thái tử phi đều là những người từng nhiều năm du học nên tư tưởng có phần cách tân, thoải mái. Điều quan trọng, cả hai đều quá lo lắng vì con gái sợ hãi tới mức bỏ học.

Sự việc bị báo đài, dư luận mổ xẻ. Nhiều người cho rằng, có thể do Thái tử phi bị bệnh nên ảnh hưởng tới công chúa, khiến cô bé quá nhạy cảm. Một phía dư luận chỉ trích Hoàng gia Nhật phản ứng thái quá, rằng đây là vấn đề mà bậc cha mẹ nào trong các tầng lớp xã hội đều phải đối mặt. Trong khi đó, một số tờ báo Nhật lại khắt khe chỉ trích Trường Tiểu học Gakushuin – nơi chuyên dạy con cháu thuộc tầng lớp quý tộc vì không cho phép học sinh chạy nhảy, hò hét trong lớp học và tranh giành trên sân chơi; mặc dù đây là chuyện thường ở các trường tiểu học khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.