Phạm Phước Hưng |
Phạm Phước Hưng (SN 1988) là một trong những cái tên đang hot của làng thể thao Việt Nam sau tấm vé dự Olympic 2016. Mặc dù vậy, phía sau ánh hào quang của VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) này vẫn còn những điều ít người biết.
9 cái Tết nơi xứ người
Phạm Phước Hưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình không ai theo nghiệp thể thao. Bố anh là công nhân, nay đã về hưu còn mẹ có một quầy hàng tạp hóa nhỏ. Chính vì kinh tế chỉ ở mức trung bình nên gia đình Hưng chưa bao giờ có ý nghĩ cho con theo nghiệp thể thao, dù anh bộc lộ năng khiếu và đam mê từ bé.
Năm 1996, nhằm đẩy mạnh môn TDDC nên Sở Thể dục thể thao TP Hà Nội (khi đó ông Hoàng Vĩnh Giang làm Giám đốc) đã thuê chuyên gia Trung Quốc tuyển chọn và đào tạo VĐV. Các chuyên gia tới từ nước bạn đi khắp các trường tiểu học tại Hà Nội để “săn đầu người”. Kết quả, Phước Hưng lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch. Đúng một năm sau, Phước Hưng được Sở Thể dục thể thao Hà Nội cử sang Nam Ninh (Trung Quốc) tập huấn dài hạn. Cùng đi với Phước Hưng còn có Ngân Thương, Thùy Dương, Hoàng Cường, Nguyễn Hà Thanh (nam) và sau này gần như tất cả đều góp phần làm rạng danh TDDC Việt Nam.
Lại nói về chuyến tập huấn dài hạn ở Trung Quốc, Hưng cùng đồng đội ròng rã ăn tập nơi xứ người 9 năm trời (1997-2006), đón 9 cái Tết xa nhà. Họa hoằn lắm mới có dịp được về Việt Nam thăm gia đình. Ở nước láng giềng, những VĐV nhí vừa tập luyện vừa học văn hóa nên không ngạc nhiên khi giờ đây Hưng nói tiếng Trung Quốc trôi trảy không khác tiếng mẹ đẻ.
Đặc biệt, năm 2003, tuy đã kết thúc chương trình trung học cơ sở nhưng do đang bận tập luyện, Hưng và đồng đội không thể trở lại Việt Nam để thi tốt nghiệp. Thế là, Sở TDTT Hà Nội đã đề xuất đưa một Hội đồng thi sang Trung Quốc để các VĐV vừa đảm bảo việc tập luyện, vừa có thể thi tốt nghiệp đúng kế hoạch.Ngủ co trònvẫn nhớ TDDCNăm 2005, Phước Hưng trở về Việt Nam và ngay lập tức giành HCV cá nhân tại SEA Games 23. Vinh quang đến sớm cộng với việc được đào tạo bài bản khiến con đường sự nghiệp của Hưng trở nên thênh thang hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, gần như sau đó Hưng bị phát hiện mắc chứng lao xương.
“Hồi đó tôi có tên trong thành phần đội tuyển sang Trung Quốc tập huấn. Nhưng ngay ở buổi tập thứ hai tôi đau quá nên không vận động được. Kết quả kiểm cho thấy, hai đốt sống lưng của tôi bị ăn mòn hơn nửa, cột sống bị vẹo vào trong. Các bác sỹ chẩn đoán tôi bị lao cột sống và khuyên nên nghỉ tập, nếu không muốn bị liệt nửa người”, Phước Hưng nhớ lại.
Mất chuyến tập huấn ở Trung Quốc, Phước Hưng về Việt Nam điều trị. Anh chia sẻ, thời gian đầu những cơn đau luôn ám ảnh anh, tới mức khi ngủ phải nằm co tròn. Mặc dù vậy, do quá nhớ TDDC nên mỗi buổi chiều Hưng đều ra Cung Thể thao Quần Ngựa xem các em nhỏ tập và vận động nhẹ. Vận may mỉm cười với chàng trai sinh ra ở Hà Nội khi sau 12 tháng điều trị, bệnh tình của Hưng thuyên giảm và anh đã trở lại thi đấu đỉnh cao cùng hàng loạt chiến tích lẫy lừng trên trường quốc tế. Trong đó, 5 chiếc HCV SEA Games 24, 26, 28 và một chiếc HCĐ Cúp Thế giới.
Không riêng bệnh lao xương, trong sự nghiệp thi đấu, Phước Hưng còn gặp đủ loại chấn thương khác nhau. Trước khi bước vào thi đấu tại giải tiền Olympic ở Brasil hôm 17/4, chấn thương lưng của Phước Hưng đã tái phát. Tuy nhiên, VĐV vốn được ví như “hot boy” TDDC vẫn nén đau thi đấu và thành quả là tấm vé dự Olympic lần thứ hai liên tiếp.
Nhiều ý kiến cho rằng, tấm vé của Hưng không khó như ở các môn vật hay đấu kiếm. Thế nhưng, với một VĐV đã 28 tuổi, cái tuổi xế chiều ở môn TDDC cùng những chấn thương luôn đeo bám, thành tích của Phước Hưng xứng đáng được ca ngợi. Đó cũng là tấm gương để các VĐV trẻ noi theo. Ước nguyện cuối cùng của Phước Hưng trước khi giải nghệ là giành một tấm huy chương ở Olympic 2016. Hãy cùng chúc cho chàng trai của chúng ta hoàn thành mục tiêu tại Brasil vào tháng 8 tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận