Thời gian gần đây, một vài nhà đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng liên tục gửi văn bản “cầu cứu” các cơ quan chức năng. Họ cho rằng, người dân chưa đồng thuận, yêu cầu hỗ trợ chưa hợp lý, cản trở thi công hàng tháng trời khiến nhà thầu thiệt hại bạc tỷ…
Người dân cản trở thi công khiến nhà đầu tư dự án điện gió ở Sóc Trăng gặp khó
Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã trực tiếp thực địa hiện trường, làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu, chính quyền địa phương…
Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực địa, Chủ tịch Trần Văn Lâu đã phát biểu khá gay gắt: “Các đồng chí làm sai, không thực hiện theo các quy định, làm cho tình hình nóng lên, gây ảnh hưởng đến các dự án khác, điển hình là Nhà máy Điện gió Hòa Đông 2”.
Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phải gay gắt như vậy? Thực tế vừa qua, vì nôn nóng đẩy nhanh tiến độ GPMB, hoàn thành dự án, chủ đầu tư đã lẳng lặng tự thỏa thuận giá đền bù với dân.
Thông tin lan ra, một số hộ chưa nhận đền bù biết được, họ nghĩ, chủ đầu tư có thể tăng mức đền bù nên “ăn vạ”, không thực hiện đúng tiến độ bàn giao mặt bằng.
Lãnh đạo UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, ngoài Dự án Điện gió Lạc Hòa 2, địa phương còn 6 dự án điện gió đang gặp một số vướng mắc. Trong đó, có nơi người dân yêu cầu bồi thường với giá quá cao so với quy định, nơi thì ngăn cản, chặn đường, không cho công nhân kéo dây.
Tại Dự án Điện gió số 2 ở phường Vĩnh Phước, có 2 hộ dân yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu hỗ trợ… 25 tỷ đồng do cánh quạt đi qua đất của họ nhận giao khoán…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, mức hỗ trợ phải do địa phương chủ trì giữa người dân và chủ đầu tư, có biên bản. Nói chuyện với dân là phải cam kết chứ không thể mị dân, lừa dân, làm dân mất lòng tin.
Ông Trần Văn Lâu nói không sai! Thực tế tại nhiều dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long, khi nhà đầu tư nhượng bộ chấp nhận đền bù cao cho những hộ cuối cùng để hoàn tất GPMB, lập tức sinh chuyện. Một số hộ đã nhận tiền đền bù thấp ban đầu, giờ khiếu nại trở lại khi biết người sau nhận cao hơn người trước. Rắc rối xảy ra.
Hơn nữa, Sóc Trăng còn nhiều dự án đã và sắp triển khai, việc đền bù “phá giá” như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, cản trở các dự án sau…
Trong nhiều cuộc họp giải quyết vướng mắc cho chính các nhà đầu tư điện gió được Sóc Trăng tổ chức gần đây, chỉ thấy mặt những cán bộ cấp dưới của doanh nghiệp. Họ đi họp chỉ để nghe chứ không giải quyết được điều gì. Đó là lý do ông Trần Văn Lâu cho rằng, chủ đầu tư thiếu hợp tác, tự tạo ra thế khó rồi đùn đẩy cho địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Không phải nhà đầu tư lớn đến Sóc Trăng là tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm. Thái độ thiếu hợp tác, xem thường địa phương tuyệt đối không cho phép”.
Không hợp tác tốt với địa phương, tiền có nhiều đến đâu, nhà đầu tư cũng khó thành công. Mọi việc cần đúng quy trình, đúng quy định và hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp, địa phương và người dân.
Vẫn biết chuyện đền bù và giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn vướng mắc nhưng nói với dân là phải giữ lời, không thể nói một đàng, “đi đêm” một nẻo, phá toang quy định, gây rối mức giá đền bù. Như thế, chính nhà đầu tư đã tự đẩy mình vào thế khó…
Hồ Hùng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận