Đề xuất cho phép các mỏ khai thác tối đa công suất
Chiều 29/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp về việc cung cấp cát thực hiện dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, dự án khởi công từ ngày 1/1/2023. Hiện, các nhà thầu đã tổ chức 167 mũi thi công, huy động 686 máy móc thiết bị các loại cùng 1.096 nhân sự trên công trường.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, đến nay, sản lượng thi công chỉ đạt 3.816/18.812 tỷ đồng, tương đương 20,3% giá trị hợp đồng, chậm tiến độ khoảng 6 tháng so với kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cát đắp nền đường. Ngoài ra, một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời.
Dự án cần khoảng 18,46 triệu m3 cát, trong khi nguồn cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khan hiếm do cùng lúc nhiều dự án triển khai đồng loạt.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần ưu tiên bố trí ngay nguồn cát cho dự án.
Trong đó, tỉnh An Giang là 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3) và Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).
Đến nay, các địa phương mới xác định được nguồn bố trí cho dự án khoảng 16 triệu m3.
“Khó nhất hiện nay là tỉnh Đồng Tháp đang quy định công suất khai thác các mỏ cát được giao theo cơ chế đặc thù khoảng 2.000m3/mỏ/ngày, tương đương 14.000m3/ngày/7 mỏ.
Nếu cộng thêm các mỏ cát ở An Giang và Vĩnh Long đang được các nhà thầu thực hiện thủ tục khai thác thì khối lượng tối đa cấp cho dự án chỉ đạt 34.000m3/ngày, trong khi nhu cầu cần từ 55.000-60.000m3/ngày”, ông Thi nói.
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cát đắp nền và mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2025, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét cho phép các mỏ đã cấp cho dự án được khai thác tối đa công suất như bản xác nhận được UBND tỉnh chấp thuận.
Đánh giá lại tác động môi trường từng mỏ cát
Liên quan đề xuất trên, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện các thủ tục đánh giá lại tác động môi trường từng mỏ.
Nếu mỏ cát nào đáp ứng yêu cầu sẽ cho tăng công suất và rút ngắn thời gian thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Trong số 7 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp giao cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù, đến nay có 5 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3. Hai mỏ cát còn lại hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục và có thể bắt đầu khai thác vào tháng 2/2024.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong số ba tỉnh được giao cung cấp cát đắp nền cho dự án, Đồng Tháp đã rất chủ động và trách nhiệm trong việc bàn giao 7 mỏ theo cơ chế đặc thù cho các nhà thầu trực tiếp khai thác.
Trước đề nghị của tỉnh Đồng Tháp về việc đánh giá lại tác động môi trường để nâng công suất khai thác, Bộ trưởng chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu khẩn trương phối hợp với các đơn vị của tỉnh thực hiện theo đúng quy định nhằm đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ đã được đề ra.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long về nguồn vật liệu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo đánh giá, tiến độ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện rất chậm. Nguyên nhân là do thiếu nguồn vật liệu cát. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2025.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn tất thủ tục khai thác hai mỏ cát với trữ lượng khoảng 1,7 triệu m3.
Đối với 2,05 triệu m3 còn lại, đề nghị địa phương xem xét cấp mới hoặc gia hạn các mỏ cát đã hết hạn khai thác trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận