Nay, câu chuyện đã khác khi những cây cầu, con đường lớn được khởi động…
Nhà cửa xây xong rồi bỏ hoang
Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi có mặt tại khu vực “thành phố ma” Nhơn Trạch (Đồng Nai), ấn tượng đầu tiên là những cụm phố vuông vức với đường sá thênh thang, thẳng tắp.
Tại những ngã tư đường thênh thang, ở đâu cũng gặp những quán “cà phê bất động sản”. Giao dịch nhà đất đang có dấu hiệu nóng lên
Đường số 1 (53m), đường D9 (47m), các đường N1, N2, N6… (26m), các tuyến đường nội khu tuy nhỏ hơn nhưng cũng 17m, cỡ tiêu chuẩn quốc lộ đồng bằng.
Cây xanh được trồng từ nhiều năm trước, phủ bóng mát rượi. Duy chỉ có điều là nơi đây rất vắng vẻ. Phần lớn đất đai ở đây đang bỏ trống, người dân tận dụng để trồng khoai mì, các loại rau màu.
Đang bón phân cho thửa đậu phộng (lạc), ông Nguyễn Thống, một người dân có nhà tại đây chia sẻ: “Tôi xây nhà và sống ở đây từ khi dự án mới hình thành đến giờ. Còn đám đậu này tôi trồng vì thấy bỏ trống nên trồng cho cỏ khỏi mọc”.
Khi nghe chúng tôi nói dự định mua đất ở đây, ông Thống nói: “Đất ở đây giờ không rẻ đâu, tầm 15 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền những tuyến đường lớn thì giá cao hơn. Đừng thấy ở đây còn trống nhiều mà tưởng rẻ”.
Tại tuyến đường số 1 (tuyến đường trung tâm), hàng chục quán cà phê có tên ngộ nghĩnh là “cà phê bất động sản” giăng dài theo mặt tiền đường. Hàng trăm bảng hiệu, địa điểm nhận ký gửi, mua bán nhà đất mọc khắp nơi.
Anh Lê Lâm (BĐS Lê Lâm) ở khu vực này cho biết, việc mua bán, ký gửi đang diễn ra khá nhiều. Đất nhà phố tầm 14 triệu đồng/m2 với diện tích 5 x 18m. Một lô đất nhà phố 90m2, giá khoảng 1,2 tỷ đồng. Biệt thự thì đủ cỡ diện tích: 240m2, 260m2, 280m2… và to hơn cũng có.
Theo nghi nhận của phóng viên, tại khu vực thành phố mới Nhơn Trạch hiện có cả chục dự án đã và đang triển khai như: Khu dân cư Phước An - Long Thọ, khu đô thị Swan Park, khu dân cư Thăng Long Home Phước An, khu đô thị DTA, khu dân cư Thành Hưng… Tuy nhiên, đa phần vẫn là đất trống, một số dự án có nhà đã xây dựng nhưng vắng người ở.
Theo đại diện UBND huyện Nhơn Trạch, 20 năm trước, thành phố mới Nhơn Trạch được quy hoạch bài bản, quy củ với nhiều tuyến giao thông kết nối, cầu cảng. Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa thể hiện đúng bản chất bởi thiếu kết nối hạ tầng, khu dân cư thiếu các dịch vụ tiện ích, các công trình xã hội chưa được đầu tư...
Nhiều hứa hẹn nhờ kết nối giao thông
Đất nền đô thị chưa có người ở nên ông Nguyễn Thống trồng đậu. Phía sau là những căn nhà xây dở dang bỏ hoang cả chục năm
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết: Cuối tháng 8 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, huyện đã kiến nghị cho huyện tạm ứng 478 tỷ đồng chi bồi thường dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường 25B, 25C (tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành); kiến nghị UBND tỉnh làm việc với TP.HCM để thống nhất phương án hướng tuyến làm cầu Cát Lái; xây mới bệnh viện 450 giường tại thành phố mới Nhơn Trạch...
Theo giới bất động sản, thành phố mới Nhơn Trạch nằm ngay tại vị trí trung tâm của các khu vực phát triển mạnh như TP.HCM, Biên Hòa, Vũng Tàu. Nếu hệ thống hạ tầng giao thông triển khai như kế hoạch, nơi đây sẽ phát triển mạnh.
“Nếu hệ thống giao thông được xây dựng như kế hoạch đã đề ra lâu nay, khu vực thành phố mới Nhơn Trạch sẽ trở thành “đỉnh” nhất. Bởi ở đây có cầu Cát Lái kết nối với TP.HCM, có cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối với các tỉnh miền Tây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Long Thành - Giầu Giây, đường Vành đai 3 đi ngang thị trấn Nhơn Trạch, rồi cảng biển Phước An, sân bay Long Thành cách đây hơn 10km…”, anh Lê Lâm nhận định.
Sắp tới, cầu Cát Lái sẽ được khởi công kết nối Nhơn Trạch với TP.HCM. Theo Sở GTVT TP.HCM, phương án cầu Cát Lái từ huyện Nhơn Trạch qua sông Đồng Nai kết nối với quận 7 (TP.HCM) là hợp lý nhất.
Trong khi đó, đường Vành đai 3 TP.HCM đã khởi động đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch 8km, kết nối TL25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, khởi công vào cuối tháng 9 này.
Trong dự án thành phần 1A có cầu Nhơn Trạch, hạng mục quan trọng trong dự án giúp kết nối Nhơn Trạch với TP.HCM, cũng được các đơn vị ký kết chuẩn bị khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Sau khi cây cầu này hoàn thiện sẽ tạo thêm hướng kết nối thuận lợi hơn giữa Nhơn Trạch với TP.HCM, Bình Dương và ngược lại.
“Nhơn Trạch đang phấn đấu để đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị loại III. Chúng tôi hy vọng các tuyến hạ tầng giao thông được triển khai đúng tiến độ như kế hoạch để Nhơn Trạch phát triển mạnh mẽ. Các tuyến đường, cầu nói trên là những công trình kết nối vùng nên khi hoàn thành thì sẽ tạo một động lực, bước phát triển mới cho Nhơn Trạch”, ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch nói.
Năm 1996, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án thành phố mới Nhơn Trạch diện tích 410,84km2 với định hướng sẽ trở thành đô thị loại II của tỉnh Đồng Nai và là thành phố vệ tinh của TP.HCM. Đã có tổng cộng 74 dự án lớn với gần 5.000ha đất được giao cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong nhiều năm trôi qua nhưng số lượng dự án đi vào thi công thực tế chỉ là 12, số còn lại vẫn nằm trên giấy. Thậm chí 12 dự án được triển khai cũng không được hoàn thiện mà bị bỏ ngang. Hậu quả là hàng nghìn ha đất bị bỏ trống, quây rào.
Bởi vậy, hơn 20 năm qua, thành phố mới Nhơn Trạch chỉ lưa thưa vài căn nhà, có nhiều căn biệt thự xây thô rồi bỏ hoang cả chục năm qua, đường sá trải nhựa… nhưng cỏ mọc um tùm. Cái tên “thành phố ma” bắt nguồn từ câu chuyện như thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận